Tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu dừng và rà soát tất cả các dự án san lấp đất ruộng lấy mặt bằng làm khu dân cư, phân lô bán nền và cải tạo đồng ruộng.
Quảng Nam rà soát lại các dự án san lấp đất ruộng làm khu dân cư - Ảnh: T.T |
Tại buổi họp báo tình hình kinh tế xã hội tháng 5-2018 chiều 6-6 do UBND tỉnh này tổ chức, các phóng viên đặt vấn đề ở tỉnh này có nhiều dự án san lấp đất nông nghiệp làm khu dân cư, phân lô bán nền mọc lên "nhan nhản".
Một số chưa được cấp phép nhưng vẫn được san lấp, xây dựng, tỉnh đã kiểm tra, kiểm soát như thế nào? Có dự án chưa đền bù, giải phóng mặt bằng, vẫn còn ruộng của dân nhưng vẫn san lấp đất xung quanh khiến dân không sản xuất được.
Dừng để rà soát
Ông Nguyễn Hồng Quang Chánh văn phòng UBND tỉnh, cho biết việc cấp phép dự án san lấp mặt bằng làm khu dân cư phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, trong đó có một số dự án khi đánh giá lại những việc khớp nối quy hoạch thì có nhiều vấn đề chưa đồng bộ.
"Có trường hợp một số dự án khi nhà đầu tư vào, phần nào giải tỏa, đền bù được thì họ làm, còn vùng "nhùng nhằng" về bồi thường, giải phóng mặt bằng để trơ lại đó khiến ruộng dân không thể sản xuất được", ông Quang thừa nhận.
Ông Quang cho biết đối với các dự án khu dân cư, hiện nay tỉnh này đã chỉ đạo rà soát tất cả. Dự án nào đảm bảo tất cả các quy trình đầu tư thì cho làm tiếp, dự án nào chưa đảm bảo thì dừng hoặc tạm dừng.
Ông Quang cũng cho biết thêm từ ngày 1-3-2018, tất cả các dự án khu dân cư, đô thị…chính quyền tỉnh không tiếp nhận hồ sơ nữa.
Thay vào đó, chủ đầu tư đăng ký ở huyện, thị xã, thành phố làm danh mục đầu tư căn cứ vào quy hoạch phát triển nhà ở, báo cáo thường vụ, thường trực cấp đó, sau đó tổng hợp cho Sở xây dựng rà soát, báo cáo UBND tỉnh để rà soát và trình ban thường vụ tỉnh ủy, HĐND tỉnh quyết định.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay các dự án san lấp mặt bằng làm khu dân cư, tỉnh đã rà soát, kể cả việc cải tạo đồng ruộng thì đã dừng hết.
Theo ông Toàn, việc cải tạo đồng ruộng tạo thành những cánh đồng mẫu lớn phù hợp chủ trương của nhà nước, trong đó ngân sách nhà nước không có tiền nên có việc xã hội hóa.
Tuy nhiên có tình trạng các lò gạch không có mỏ nguyên liệu nên lợi dụng việc này, đơn vị thi công khai thác đất quá quy định cho phép, lấy đất sâu xuống để cung cấp các lò gạch dẫn đến người dân không thể sản xuất nông nghiệp được.
Xin ý kiến di dời nhà máy thép Việt - Pháp
Nhiều PV đặt câu hỏi về dự án nhà máy thép Việt - Pháp trước đây ở cụm công nghiệp Thương Tín, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) gây ô nhiễm khiến dân liên tục phản đối, tỉnh có hướng di dời ở huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam), đến thời điểm này thì tỉnh đã chấp thuận hay chưa?
Người dân thị xã Điện Bàn liên tục dựng lều phản đối nhà máy thép Việt Pháp ở cụm công nghiệp Thương Tín gây ô nhiễm - Ảnh: MẠNH TRƯỜNG |
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở TN-MT Quảng Nam, cho biết nhà máy thép Việt - Pháp hoạt động năm 2011, đến nay đã trải qua nhiều vấn đề và dân khiếu kiện.
Tuy nhiên sau tất cả các lần đi kiểm tra, từ địa phương đến Sở, kiểm tra lấy mẫu (nước thải, khí thải…) phân tích thì "kết quả đều nằm trong giới hạn cho phép".
Ông Huỳnh Khánh Toàn cho hay thêm việc di dời nhà máy thép này, sắp tới tỉnh sẽ báo cáo lên tập thể ban thường vụ tỉnh ủy vì đây là vấn đề phức tạp.
"Nếu đồng thuận sẽ di dời lên, còn không thì phải tỉnh phải đền bù lại cho doanh nghiệp để họ làm việc khác", ông Toàn nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: