Có một nguồn thu rất lớn được xem là “con gà đẻ trứng vàng” mà trước nay Nhà nước chưa khai thác hết, đó là nguồn thu từ quỹ đất ở đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. “Hiện nay “con gà” đó đang ở đâu?”
Giải pháp khắc phục những bất cập trong quản lý và điều hành ngân sách; khả năng tận thu, gắn với chi tiêu một cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm chi, chống lãng phí... là những vấn đề được các đại biểu (ĐB) Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận ở hội trường về thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2007, phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008, vào chiều 30/10.
Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra
Một nghịch lý lớn trong chi ngân sách mà rất nhiều ĐB chỉ rõ là tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”. Nhiều công trình xây dựng cơ bản có vốn đầu tư lớn song giải ngân chậm trong khi nhiều dự án phát triển, xóa đói giảm nghèo lại “đói” vốn.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết có hơn 7.000 tỉ đồng cho các dự án hạ tầng cơ sở nhưng giải ngân không hết, bởi nhiều công trình thuộc loại trọng điểm triển khai chậm như đường 32, đường 70A, đường vành đai 3, đường Láng – Hòa Lạc.
ĐB Lê Quang Huy (Bạc Liêu) cũng nhìn nhận chi cho khoa học công nghệ có tốc độ giải ngân thấp, thậm chí phải trả lại.
ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) cũng cho rằng các chương trình mục tiêu quốc gia, có nhiều đầu việc, cần vốn nhiều, nhưng ngân sách lại “rót” quá ít. ĐB Long dẫn chứng cả nước còn 11% hộ nghèo nhưng ngân sách chỉ chi cho chương trình xóa đói giảm nghèo 333 tỉ đồng là quá ít!
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề nghị nên tăng chi cho nông nghiệp và phát triển nông thôn thêm 3.000 tỉ đồng mỗi năm, dù rằng khu vực này chỉ sản xuất ra 20% GDP song lại bảo đảm cuộc sống cho tới 70% dân số cả nước.
Sao năm nào cũng bội chi hành chính, hội họp?
Trong bối cảnh việc quản lý chi tiêu ngân sách đối với Đề án 112 đang mang tính thời sự nóng hổi, nhiều ĐB tỏ ra lo ngại về việc quản lý chi ngân sách. ĐB Võ Minh Phương (Lâm Đồng) dẫn báo cáo kiểm toán cho biết chi sai tới 7.600 tỉ đồng trong hoạt động hành chính năm qua để bày tỏ nỗi lo về việc quản lý ngân sách cũng như kinh phí bị sử dụng sai cả mục đích và nội dung.
ĐB Đinh Úy (Kiên Giang) băn khoăn năm nào cũng bội chi, nhất là trong lĩnh vực hành chính, hội họp. Trong khi đó, chương trình 134, 135, định canh định cư cân đối năm 2008 so với yêu cầu thực tế thiếu tới khoảng 80 tỉ đồng.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói: Có một nguồn thu rất lớn được xem là “con gà đẻ trứng vàng” mà trước nay Nhà nước chưa khai thác hết, đó là nguồn thu từ quỹ đất ở đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM.
“Hiện nay “con gà” đó đang ở đâu?” - ĐB Lịch đặt câu hỏi rồi chỉ ra: Từ trước đến nay, Nhà nước không thu được nhiều mà lại đổ vào túi của những người đầu cơ đất đai.
“Họ mua đất nông nghiệp giá rẻ rồi sang tay qua lại, hưởng lợi hàng chục lần một cách thoải mái, trong khi Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng và người dân chẳng hưởng được gì. Thậm chí có người mua sẵn đất bên trong, sau khi Nhà nước giải tỏa làm đường, nhà ra mặt tiền thì còn hơn trúng số độc đắc... Đó là hậu quả của những bất cập về chính sách tài chính đất đai của chúng ta bấy lâu” - ĐB Lịch chỉ rõ.
Hôm nay (31/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2007; phương án dự toán ngân sách Nhà nước năm 2008, phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008; thảo luận dự thảo Luật Đặc xá.
Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: