Top

Quận 6 và Tân Phú: Thí điểm một đầu mối cấp giấy tờ nhà, đất

Cập nhật 28/02/2009 08:30

Hôm qua (27-2), Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị đã tổ chức hội thảo triển khai thực hiện thí điểm mô hình quản lý nhà đất hiện đại tại quận 6 và Tân Phú.

Theo mô hình này, các thông tin liên quan đến nhà, đất đều được tập trung về bộ phận đăng ký quyền sử dụng đất tại các quận, huyện. Bộ phận này có thể là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, tổ đăng ký thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) các quận, huyện hoặc chi nhánh do Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và Đăng ký nhà đất (gọi là Trung tâm) lập tại một khu vực nhất định (gọi là văn phòng đăng ký - VPĐK). Theo kế hoạch, mô hình một đầu mối cấp giấy sẽ được thí điểm tại phường Tân Sơn Nhì quận Tân Phú và phường 2 quận 6. Thời gian thí điểm là ba tháng (từ tháng 6 đến tháng 9-2009).

Theo mô hình này, Sở Xây dựng hoặc phòng quản lý đô thị sau khi cấp giấy phép xây dựng thì cập nhật thông tin về cho VPĐK. Người dân có “giấy đỏ”, được cấp phép xây dựng sẽ đăng ký thông tin ban đầu để được cấp giấy chứng nhận. Đối với đất không có nhà thì quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền sau khi đăng ký cũng sẽ được VPĐK này cấp giấy chứng nhận (một giấy hai quyền). Giấy chứng nhận này sẽ cấp thành hai bản, bản màu trắng được lưu trữ tại VPĐK, bản màu đỏ được giao cho người dân. Giám đốc VPĐK sẽ được ủy quyền để thực hiện việc đăng ký thế chấp và đăng ký biến động và lưu trữ thông tin tại đây.

Tất cả thông tin về nhà, đất sẽ được lưu trữ bằng tin học và có một hệ thống mạng liên thông nối từ các xã, phường đến VPĐK cấp quận, huyện và Trung tâm cấp TP. Thông tin này sẽ được cập nhật thường xuyên và kết nối tất cả quận, huyện đến TP.

Đề án cũng đề xuất mô hình một cửa đầy đủ cho VPĐK. Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ sẽ có cả cơ quan thuế và kho bạc nhà nước cùng làm việc để người dân chỉ thực sự liên hệ một cửa theo nghĩa đen cho tất cả hoạt động đăng ký. Như vậy, người tiếp nhận hồ sơ có thể truy cập mạng thông tin và trả lời ngay cho người dân là hồ sơ có đầy đủ, hợp lệ không, yêu cầu đăng ký của họ có được chấp nhận hay không, lý do vì sao. “Như vậy phải cần một chuyên viên thật giỏi thực hiện công việc tiếp nhận này. Nếu cần, phải tuyển chọn người giỏi nhất và trả lương cao” - ông Đoàn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm, đề xuất.

Ông Nguyễn Đăng Sơn - Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho biết: “Theo nguyên bản ban đầu của mô hình là kết hợp một đầu mối cấp một giấy chứng nhận theo mẫu “giấy đỏ” của Nghị định 181 năm 2004 hoặc “bằng khoán”. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng yêu cầu chỉ nên thí điểm một đầu mối cấp giấy, còn việc cấp một giấy cho nhà và đất thì phải chờ sửa đổi Luật Đất đai và Luật Nhà ở sắp tới mới có thể thực hiện được”.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP