Top

Qua khúc đi ngang, bất động sản Đà Nẵng dự báo sẽ trỗi dậy

Cập nhật 23/08/2019 09:00

"Nếu chỉ nhìn vào phân khúc căn hộ, condotel và biệt thự nghỉ dưỡng thì thị trường bất động sản Đà Nẵng đang đi qua một khoảng lặng với số lượng dự án mới mở bán rất hạn chế. Tuy vậy, hiện thị trường vẫn ghi nhận những diễn biến rất khả quan, cho thấy tiềm năng lớn của thành phố miền Trung này". Đó là nhận định của bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội trong báo cáo vừa công bố về thị trường bất động sản Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2019 của Savills Việt Nam.

Yêu cầu phát triển mới buộc Đà Nẵng phải mở rộng không gian đô thị, thay vì chỉ quy tụ vào một khu vực trung tâm như hiện tại.

Du lịch tăng trưởng, bất động sản đầy tiềm năng

Báo cáo của Savills cho thấy, khách sạn - phân khúc "anh cả" dẫn dắt thị trường bất động sản Đà Nẵng đang hưởng lợi trực tiếp từ tình hình kinh doanh khả quan của ngành du lịch.

Khách quốc tế đến Đà Nẵng nửa đầu năm 2019 đạt 1,8 triệu lượt, tăng 26% theo năm - đây là mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, nguồn cầu nội địa rất ổn định với 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,3% theo năm. Khả năng tiếp cận dễ dàng bằng đường hàng không trong thời gian qua đã và đang hỗ trợ lớn cho du lịch Đà Nẵng. Khách du lịch quốc tế tới Đà Nẵng qua đường hàng không 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 45,8% theo năm.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tính đến tháng 7.2019 có tổng cộng 48 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 462 chuyến/tuần và 11 đường bay nội địa với tần suất 665 chuyến/tuần, 31 đường bay thuê chuyến 63 chuyến/tuần. Đà Nẵng vừa mở thêm đường bay charter mới Nga - Đà Nẵng. Theo đó, từ tháng 3 đến tháng 9/2020 trở đi, sẽ có chuyến bay charter Nga - Đà Nẵng hoạt động với tần suất 10 ngày/chuyến, số lượng khách dự kiến khoảng 3.000 khách/tháng.

Sự gia nhập của các hãng hàng không và đường bay mới thúc đẩy nguồn cầu cho thị trường khách sạn. Không chỉ tăng mạnh lượng khách du lịch, thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế tại Đà Nẵng khá ổn định, đạt 2,7 ngày (theo Savills). Đây là những dữ liệu quan trọng cho thấy dư địa phát triển của thị trường khách sạn là rất lớn.

Trong khi, thực tế nguồn cung thị trường khách sạn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là phân khúc khách sạn tầm trung 3-4 sao.

Báo cáo của Savills cũng nhận định: du lịch đã thúc đẩy lĩnh vực bán lẻ tăng mạnh. Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Đà Nẵng tính đến nửa đầu năm 2019 đạt khoảng 212.000 m², tăng 20% theo năm. Thị trường không chỉ tập trung vào trung tâm thương mại mà phát triển đa dạng, đồng đều ở cả trung tâm thành phố và khu vực ven biển với sự gia nhập của ba dự án tại quận Hải Châu và Ngũ Hành Sơn. Doanh thu bán lẻ đạt 27,4 nghìn tỷ VNĐ, tăng 13% theo năm. Ngành hàng F&B đầy tiềm năng, nhiều thương hiệu F&B chưa gia nhập thị trường Hà Nội, nhưng đã có mặt tại Đà Nẵng.

Bởi vậy, đây là thời điểm "vàng" để kinh doanh khách sạn 3-4 sao cũng như các ngành hàng dịch vụ du lịch.

Tương lai mới của Đà Nẵng

Trong khi đó, thành phố sông Hàn đang đón "làn gió mới" với nhiều thông tin tích cực. Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành đầu năm nay đã tạo khí thế mới cho chính quyền, nhân dân, các nhà đầu tư ở Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, song song với việc thuê đối tác Singapore triển khai lập lại quy hoạch chung thành phố, ngày 19/8, Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm giới thiệu, kêu gọi hợp tác đầu tư với hơn 100 nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ tại Thung lũng Silicon.

Tại buổi tọa đàm, 3 bản ghi nhớ hợp tác phát triển Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng đã được ký kết, với mục tiêu biến nơi này thành "Thung lũng Silicon mở rộng" của Đà Nẵng. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: hiện Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 3 vào Đà Nẵng với 63 dự án FDI. Cùng với Mỹ là các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore...

Yêu cầu phát triển mới buộc Đà Nẵng phải mở rộng không gian đô thị, thay vì chỉ quy tụ vào một khu vực trung tâm như hiện tại. Theo định hướng, 2 mũi nhọn phát triển tới đây của Đà Nẵng là phía Đông Nam và Tây Bắc của thành phố. Với lợi thế chạy dọc theo bờ biển, đã quy hoạch một số dự án bài bản, hạ tầng đồng bộ như khu đô thị ven sông Nam Hòa Xuân,… phía Đông Nam đang được kỳ vọng sớm trở thành trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ sôi động mới của Đà thành.

"Với quỹ đất ven biển hạn chế, và định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng với một trong hai hướng mũi nhọn là Đông Nam - khu vực bãi tắm Sơn Thủy, khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn và sông Cổ Cò, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng trong tương lai, bên cạnh các biệt thự ven biển, dự kiến sẽ đón nhận thêm các sản phẩm ven sông", báo cáo của Savills nêu rõ.

Nhiều thông tin tích cực của thành phố "thủ phủ du lịch miền Trung" đang cộng hưởng, tạo đà cho thị trường bất động sản Đà Nẵng đi đúng quỹ đạo phát triển bền vững. Ở giai đoạn này, những dự án được quy hoạch bài bản, của các chủ đầu tư uy tín, nằm trong mũi nhọn phát triển phía Đông Nam thành phố dự báo sẽ được săn tìm trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp.

DiaOcOnline.vn – Theo Vneconomy