Sau một thời gian "rọc phách" đảm bảo khách quan, Tuần Việt Nam vừa được biết tác giả của phương án L787 đạt giải A cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội là Công ty GPM international GmbH (Liên bang Đức).
Tuy nhiên, từ trước khi "bí mật" này được "bật mí", trao đổi với Tuần Việt Nam, nhiều kiến trúc sư, nhà chuyên môn bằng kinh nghiệm của mình đã phán đoán chính xác tác giả của phương án này, dựa theo phân tích "gu" thiết kế cộng thêm logic các dữ liệu khác... Tuần Việt Nam vừa có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính đồng thời là Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi này.
Nhà Quốc hội - trong vuông có tròn!
- Thưa ông, đến hôm nay, sau hơn nửa tháng trưng bày các phương án thiết kế Nhà Quốc hội (mới) để lấy ý kiến nhân dân, nhà chuyên môn... Ban Tổ chức đã tổng kết chưa và kết quả thế nào?
- Cuộc triển lãm đã khép lại. Một nửa số người đến xem đã bỏ phiếu bầu chọn và gần 40% số phiếu là bầu cho phương án giải A. Lượng phiếu bầu cao thứ hai (19%) là cho một phương án không được giải gì. Bốn phương án đạt giải khuyến khích chỉ nhận được số phiếu bầu từ 6%-8%.
Qua đó thấy, nhân dân đã thống nhất được với Hội đồng trong việc lựa chọn phương án giải A, có lẽ vì nó phù hợp mong muốn chung của nhân dân (mà trong 40% này có cả các Hội nghề nghiệp, như Hội Qui hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư...). Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ đề nghị các Hội tập hợp lại thành các nhận xét riêng, gửi Ban Tổ chức.
Cũng trong thời gian triển lãm, Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng nhiều lãnh đạo cấp cao đã trực tiếp đến xem và ý chung đều nhận định việc chấm thi của Hội đồng là nghiêm túc, phương án giải A được lựa chọn là tốt nhất trong cuộc thi này (còn việc phương án này đã là tối ưu để ra quyết định hay chưa thì chưa bàn đến).
- Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhận xét riêng của ông về các phương án dự thi nói chung?
- Nhận xét chung của tôi là tất cả các tác giả đều tham gia cuộc thi với một tinh thần rất hứng khởi, trách nhiệm cao, nghiêm túc, say sưa và khát vọng chiến thắng. Họ thi để mong muốn được giải, để phương án của mình được xây dựng, "để đời" chứ không phải để chơi, để nổi tiếng... Họ đều có chuyên môn cao và thiện chí đóng góp phương án tốt thực sự cho cuộc thi này.
Song, kết quả lại cho thấy chất lượng không đồng đều. Phương án giải A vượt trội hẳn so với các phương án khuyến khích về mọi phương diện.
Tác phẩm dự thi nói chung phải đạt 2 nội dung quan trọng: kiến trúc Nhà Quốc hội và bảo tồn khu đất còn lại (18 Hoàng Diệu). Phải xử lý qui hoạch và thiết kế kiến trúc cho phần cần bảo tồn này sao cho khu đất xung quanh hài hòa với Nhà Quốc hội. Chỉ người hiểu biết về bảo tàng tốt thì mới đưa ra được quan điểm đúng đắn cho qui hoạch đó.
Cho nên, đây là cuộc thi khó vì cùng lúc phải xử lý cả 2 vấn đề trên, trong đó Nhà Quốc hội lại nằm trên một diện tích cố định, không thay đổi được. Hơn nữa, cạnh đó lại có 2 con đường quan trọng (Độc Lập và Bắc Sơn) nên tổ chức không gian, định hướng cho Nhà Quốc hội trên không gian Quảng trường Ba Đình là cả một vấn đề hết sức nan giải. Đó là chưa kể việc phải nối kết Nhà Quốc hội (mới) này với trụ sở Bộ Ngoại giao vì trong tương lai Bộ Ngoại giao sẽ chuyển giao nhà này cho Quốc hội.
- ... và phương án đạt giải A nói riêng?
- Phương án giải A trước hết đã làm tốt công tác qui hoạch này, xử lý rất thông minh. Nhìn vào bố cục chung của cả khối công trình, toàn bộ khu vực Quảng trường Ba Đình rất gắn kết với khuôn viên của không gian đó, và hình thức tổ chức kiến trúc đó ăn nhập với các công trình đã có. Tỉ lệ công trình Nhà Quốc hội cũng hòa hợp chung vì khối tích và phần mái vừa ấn tượng, vừa ăn nhập (trong vuông có tròn).
Tròn - vuông đó không chỉ nói về tính dân tộc đâu, mà hình vuông này thể hiện sự bền vững. Phía bên kia, Lăng Bác cũng hình vuông. Bên này, Nhà Quốc hội có đỉnh mái hình tròn, toát lên sự nghiêm trang, uy nghi, bề thế.
Quan trọng nữa, phương án A thiết kế 2 lối vào chính Nhà Quốc hội: một hướng ra Quảng trường Ba Đình, một hướng ra trục Bắc Sơn (trong khi nhiều phương án khác không mở ra được 2 hướng này, mà có phương án lại mở cả 4 hướng...). Đây là 2 hướng rất quan trọng, tạo được riêng một Quảng trường Nhà Quốc hội ngoài Quảng trường Ba Đình ra, và gắn kết với trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay (trong tương lai là cơ quan Quốc hội).
Tác giả lại có ý tưởng trồng các hàng cây, biến con đường trở thành quảng trường - đây là ý tưởng tốt. Lúc ấy, người ta không cảm nhận được khu đất bên này riêng, khu kia riêng mà tạo thành cả một quần thể thống nhất.
Việc bảo tồn khu đất 18 Hoàng Diệu cũng được tác giả cũng gắn bó với Nhà Quốc hội, biến khu bảo tồn thành khuôn viên chung và không gây cảm giác cách biệt. Chỗ nào cần bảo tồn, làm mái, đường đi bộ, cầu cạn ra sao... của phương án A được Hội đồng đánh giá là một trong những ý tưởng tốt.
Kiến trúc công trình trong phương án A hiện đại, tuy không bề thế theo kiểu mái to, cột cao... mà tạo được không gian sảnh dẫn vào phòng họp rất sang trọng. Càng vào càng mở dần ra. Sảnh sang trọng này tạo điểm nhấn cho phòng họp Quốc hội, tạo hướng bay vút lên, thoát chứ không bí nhưng lại gắn bó với khối vuông ngoài. Mà khối ngoài chính là khối làm việc của Quốc hội, phòng nào cũng sáng, mát, gần gũi cây xanh... Công trình rất gắn bó với thiên nhiên và hạn chế độ dày của bê-tông xung quanh.
Tuy hiện đại nhưng thiết kế này vẫn mang tính dân tộc. Nhưng tính dân tộc này biểu hiện ở những hình thức chung thôi chứ không đi vào chi tiết quá như con rồng, con phượng, hoa sen, hoa súng... Những chi tiết này sẽ được "đi" cụ thể sau, còn ở đây tính dân tộc biểu hiện ở việc có vuông có tròn, biểu hiện ở qui hoạch gắn bó với toàn bộ không gian...
Công trình được xác định phải mang kiến trúc đương đại thế kỷ XXI, phải bền vững với tương lai, bắt kịp nhịp thời đại, tính dân tộc thể hiện ở nhiều chỗ khác: các chi tiết trong kiến trúc, phong thuỷ trong lối vào ra (hướng Nam, hướng Tây)... tinh tế chứ không phô trương.
Đây chưa phải phương án mỹ mãn, cuối cùng!
- Qua cuộc thu thập ý kiến vừa qua, thực tế có rất nhiều ý kiến (của cả các chuyên gia và người dân) chưa thỏa mãn ngay cả với giải A - phương án thành công nhất cuộc thi này. Ông có biết điều này không và ý kiến của ông thế nào?
- L787 là phương án được Hội đồng giám khảo bỏ phiếu tuyệt đối (12/12). Tuy nhiên, nếu hỏi "Đã ưng chưa?" thì thực sự bản thân tôi là Chủ tịch và chắc rằng nhiều người trong Hội đồng cũng chưa thỏa mãn, vẫn phân vân là nó còn thiếu nhiều thứ, dù so với các phương án khác thì cũng đã đạt được nhiều...
Nếu phương án này được cấp trên lựa chọn thì chúng tôi cho rằng vẫn phải sửa chữa nhiều. Khi Hội đồng kết thúc, chúng tôi có một buổi đóng góp riêng cho phương án này, vì còn nhiều điều phải làm như: đẩy nhà lùi vào, chỉnh sửa không gian, nghiên cứu lại mặt đứng ngoài, xem lại các hàng cột, việc trồng cây trên nóc nhà, đi vào các chi tiết cụ thể hơn của mảng tường, bãi đỗ xe...
Tuy nhiên, tôi muốn nói, đây là một cuộc thi tìm ý tưởng chứ chưa phải lập dự án, mà ý tưởng như thế theo tôi là chấp nhận được. Nhưng để ý tưởng này nâng cao hơn, tinh tế hơn thì rõ ràng là phải đầu tư về mặt tư duy, thiết kế nhiều hơn nữa. Đây chưa phải là phương án mỹ mãn, cuối cùng. Thậm chí, có thể phải thay đổi một số mảng lớn này khác... Thủ tướng đã nói: Nếu chưa đạt yêu cầu, nhân dân chưa ưng thì thi lại mà!
- Một số kiến trúc sư cho biết họ hầu như không có thông tin rộng rãi về cuộc thi, kể cả search trên mạng và cuộc thi lẽ ra phải có website riêng từ những ngày đầu phát động nhưng điều đó đã không được thực hiện, hoặc thực hiện chưa thật tốt. Cùng với đó, nhiệm vụ thiết kế lại quá sơ sài, lạc hậu...
- Trước hết, tôi muốn cảm ơn các bạn đã nói lên điều đó. Nhưng tôi cho rằng các bạn như vậy là cũng thiếu trách nhiệm với cuộc thi. Nhiệm vụ thiết kế này chúng tôi xây dựng hết sức công phu, từ cuộc thi trước. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra những nội dung quan trọng cho nhiệm vụ này.
Về mặt chuyên môn, Bộ Xây dựng đã nhờ một tư vấn của Bộ đứng ra xem xét việc này, thậm chí nhờ cả Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) tham gia, có ý kiến. Vì vậy, nói "đề bài" này không đúng tầm thì có thể vì họ chưa đọc!
Chúng tôi cũng đưa cuộc thi lên website rồi, bởi nếu không tại sao người nước ngoài lại biết để dự thi mà người Việt Nam không biết? Cuộc thi đã thu hút 5 phương án nước ngoài, 2 phương án liên doanh.
- Ông nói rằng nhiệm vụ thiết kế đã được xây dựng từ cuộc thi trước, vậy cuộc thi này có kế thừa cuộc thi đã qua?
- Cuộc thi trước là thi thiết kế "Nhà Quốc hội và Trung tâm Hội nghị Quốc gia" trong cùng một đề bài (2 trong 1). Nhưng sau khi chấm giải rồi, khảo cổ lại thấy di tích nên tách Trung tâm Hội nghị Quốc gia ra. Thế nên vẫn thừa hưởng nhưng trước kia 2 cái thì khác, nay có một mình nó thì khác!
- Ông có thể cho biết cơ cấu chấm giải của Hội đồng giám khảo cuộc thi và ai là người quyết định?
- Ban giám khảo do Bộ Xây dựng quyết định thành lập, gồm 5 thành viên nước ngoài (Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ) do UIA giới thiệu và 7 trong nước (từ Bộ Văn hóa, Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư TP.HCM...). Tôi là Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng có qui chế, đặt ra các tiêu chí chấm thi. Trên cơ sở này, cả 12 thành viên Hội đồng cùng bàn bạc, bình luận từng phương án, trao đổi thoải mái... sau đó bỏ phiếu kín. Quá trình chấm chia làm 2 vòng. Vòng đầu tiên chọn đồ án vào vòng 2, còn vòng 2 đi vào cụ thể, đánh giá xem xét để trao giải. Tinh thần làm việc của chúng tôi là "trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn" nhưng khi bỏ phiếu lại là trách nhiệm cá nhân. Chủ tịch không quyết định được. Khi bỏ phiếu Chủ tịch cũng chỉ được bỏ 1 phiếu thôi!
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
>> Luyến tiếc Hội trường Ba Đình...
>> Mời bà con Việt kiều "hiến kế" xây nhà Quốc hội
>> Kiến trúc Nhà Quốc hội phải có tính thời đại và dân tộc
>> Hàng ngàn người dân đến xem và đóng góp ý kiến
>> Công bố 17 phương án thiết kế kiến trúc nhà Quốc hội mới
Theo VietNamNet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: