Top

Phong trào căng băng rôn của dân chung cư

Cập nhật 28/06/2017 09:39

Hàng chục vụ tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội trong khoảng nửa năm nay, từ những tòa nhà giá rẻ cho đến cao cấp.

Giữa buổi chiều nắng nóng 40 độ C, cư dân một dự án được chủ đầu tư quảng cáo là cao cấp trên đường Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng đến tận văn phòng làm việc của chủ đầu tư để đòi quyền lợi. Đây là động thái tiếp theo của cư dân sau hơn một năm gửi đơn kiến nghị, căng băng rôn nhằm gây sức ép nhưng không được chủ đầu tư giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến cơi nới trong tòa nhà, diện tích chung - riêng... Tuy nhiên, khi đến nơi thì cư dân chỉ gặp vài nhân viên văn phòng với câu trả lời lãnh đạo đi công tác.


Phong trào căng băng rôn tại các tòa chung cư xuất hiện với mật độ dày trong thời gian gần đây. Ảnh: HK

Cư dân chung cư Helios Tam Trinh (Hoàng Mai) cũng vừa tổ chức căng băng rôn phản đối chủ đầu tư khiến cả một tuyến đường lâm vào cảnh ùn tắc. Không lâu trước đó, tình trạng tương tự cũng hơn một lần diễn ra tại chung cư Home City Trung Kính, chung cư 99 Trần Bình, Gamuda Garden, Mipec Riverside Long Biên, VP3 Linh Đàm, Capital Garden (Trường Chinh), Golden Silk (Vạn Phúc, Hà Đông), New Horizon (Lĩnh Nam); Parkview Residence (Tố Hữu – Hà Đông), Hồ Gươm Plaza (Vạn Phúc – Hà Đông)…

Những tranh chấp nêu trên đó có thể xảy ra ở chung cư giá rẻ, bình dân cho đến cao cấp, trên mọi phương diện từ việc bàn giao không đúng tiến độ, tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép cho đến việc làm sổ đỏ… Ở một số dự án khác thì còn nảy sinh những vấn đề hy hữu hơn như cung cấp không đủ nước sinh hoạt hoặc chủ đầu tư trang trí cây cảnh giả trong tòa nhà – điều mà các cư dân cho rằng không phù hợp về mỹ quan.

Bên cạnh những cuộc đấu tranh rầm rộ bằng băng rôn, biểu ngữ thì cũng có những cuộc tranh chấp khác diễn ra âm thầm hơn nhưng vẫn không kém phần căng thẳng. Cách đây không lâu, đại diện cư dân tòa C14 Bắc Hà, Lê Văn Lương và chủ đầu tư đã có buổi làm việc kéo dài gần 4 giờ đồng hồ và kết thúc trước lúc 12 giờ đêm để đàm phán, thỏa thuận các nội dung liên quan đến phần diện tích chung – riêng, phí dịch vụ cũng như phương án quản lý. Trong cuộc họp, dù 2 bên đã phải mời sự can thiệp của chính quyền địa phương nhưng nhiều nội dung vẫn không tìm được tiếng nói chung.

Đại diện cư dân thì cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì và vận hành cho ban quản trị. Trong khi đó, chủ đầu tư lại cho rằng phía ban quản trị chưa có đủ điều kiện theo quy định nên đơn vị này chưa thể bàn giao số tiền lớn như vậy. Theo Luật Nhà ở, sau khi thành lập được 7 ngày, ban quản trị phải làm hoàn thành đủ điều kiện như: lập tài khoản, thông qua hội nghị nhà chung cư... thì chủ đầu tư mới bàn giao phí bảo trì.

Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cho biết, sau khi bàn giao cư dân phải thanh toán hơn 2 tỷ đồng tiền phí dịch vụ do đơn vị quản lý sau khi được chủ đầu tư thuê. Tuy nhiên, đại diện cư dân yêu cầu chủ đầu tư phải xem báo cáo tài chính kê khai từng khoản chi phí. Những vấn đề 2 bên chưa thể thống nhất hứa hẹn sẽ mất thêm nhiều cuộc họp nữa mới có thể giải quyết. 

Những vụ việc tranh chấp chung cư không phải gần đây mới xảy ra, song khi mạng xã hội phát triển, những diễn biến của các cuộc tranh chấp chung cư cũng trở nên phức tạp hơn và phổ biến hơn. Hiện nay, cư dân mỗi tòa chung cư đều thành lập các nhóm kín hoặc mở trên mạng xã hội. Mọi thông tin lớn, nhỏ đều được cư dân bày tỏ tại đây, cùng với đó là lời kêu gọi gửi đơn thư kiến nghị cũng như tổ chức căng băng rôn, gây sức ép với chủ đầu tư như một phong trào.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà (VBMA) cho rằng, loại hình nhà ở chung cư mới phát triển mạnh tại Việt Nam khoảng chục năm nay. Trong khi đó, hiện khung pháp lý còn chưa hoàn thiện và bám sát những bất cập có thể xảy ra nên không tránh khỏi những mâu thuẫn.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, ở nước ngoài, dù đã có nhiều năm phát triển loại hình nhà ở chung cư nhưng vấn đề mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân vẫn diễn ra. Do đó, theo ông, tình trạng này ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Vị này cũng cho rằng, việc xây dựng các khu dân cư, đô thị mới văn minh là một việc không hề đơn giản và đòi hỏi trách nhiệm không chỉ từ các cơ quan quản lý trong việc ban hành đồng bộ các quy định, chế tài quản lý chung cư mới. Với các chủ đầu tư thì đó là việc tuân thủ trong đầu tư và vận hành dự án. Còn với cư dân, theo ông cũng cần xây dựng được thái độ, ứng xử đúng đắn bởi họ mới là các nhân tố quyết định môi trường sống của cả khu đô thị sau này. 
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress