Top

Phát triển nhà ở xã hội, cần giải pháp đột phá

Cập nhật 27/01/2016 14:10

Với mục tiêu tạo cơ hội có nhà ở cho khoảng 1 triệu gia đình đến năm 2020, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành hàng loạt chính sách “cởi trói” cho nhà ở xã hội, nhưng để phân khúc này phát triển, cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt mang tính đồng bộ.

Nhiều kiến nghị cần có thêm gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội. Ảnh: Lê Toàn

Đã có nhiều “lối” mở

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ thương mại địa ốc Hoàng Quân cho biết, gói 30.000 tỷ đồng đã góp phần cải thiện rõ nét và đáp ứng được phần nào nhu cầu về nhà ở trung bình trở xuống tại nhiều địa phương như Hà Nội, Bình Dương, TP. HCM... Trong quá trình triển khai, dù còn nhiều hạn chế, nhưng đã được các bộ, ngành chủ động tháo gỡ, nhằm đẩy mạnh tốc độ giải ngân gói tín dụng này.

Tính đến cuối năm 2015, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã cam kết cho vay 26.999 tỷ đồng (đạt 90%) và đã giải ngân 17.711 tỷ đồng (đạt 59%) đối với 60 dự án và gần 40.037 hộ gia đình, cá nhân (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ 2014).

Không chỉ gói 30.000 tỷ đồng, nhiều vướng mắc khác liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội cũng được các bộ, ngành chủ động tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ông Tuấn lấy ví dụ, ngay khi Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi ra đời yêu cầu các dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải thực hiện bảo lãnh mới được mở bán, Hoàng Quân đã có công văn gửi Bộ Xây dựng và được chấp thuận không cần phải thực hiện bảo lãnh cho các dự án nhà ở xã hội đang triển khai.  Ngoài ra, Thông tư 25/2015 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, cũng đã mở ra một cánh cửa mới cho các nhà đầu tư vào phân khúc này. Cụ thể, mức cho vay để mua, thuê mua tối đa với các dự án nhà ở xã hội lên tới 80% tổng mức đầu tư dự án. Thời gian cho vay được kéo dài tối đa lên tới 20 năm với nhà ở xã hội chỉ để cho thuê và tối đa 15 năm với các dự án nhà ở xã hội cho thuê mua, bán.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, dù chính sách phát triển nhà ở xã hội mới thực hiện, nhưng hiện tại, nhiều khu công nghiệp đã xây dựng được một số khu nhà ở cho công nhân thuê, thuê mua, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và “túi tiền” của người sử dụng, giúp hàng chục ngàn người có nhà ở.

Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được ban hành, cũng góp phần cơ cấu nhiều dự án, tạo điều kiện cho dự án được tái sinh, bổ sung lượng căn hộ cho người thu nhập thấp. Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ.

Cần giải pháp đồng bộ

Dù đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhưng một số chuyên gia cũng kiến nghị, Bộ Xây dựng cần đưa ra thêm nhiều giải pháp đồng bộ hơn.

Vấn đề thứ nhất là giải quyết nguồn quỹ đất. Ước tính đến năm 2020, sẽ cần phải có khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, tuy nhiên, thực tế số lượng dự án tham gia vào phát triển nhà ở xã hội là không nhiều.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, hiện tại, nguồn quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thường xa trung tâm, không thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Quỹ đất này hiện vẫn chủ yếu lấy từ 20% diện tích tại các khu đô thị mới, nhưng các khu đất này cũng thường ở các vị trí không thuận lợi, hạ tầng không đầy đủ.

Ông Hùng kiến nghị, bên cạnh tạo quỹ đất thuận lợi, Bộ Xây dựng cũng cần sớm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để đưa ra gói tín dụng mới ưu đãi hơn cho người mua nhà ở xã hội sau khi gói thứ nhất kết thúc.

Theo đề xuất của ông Hùng, gói tín dụng mới lãi suất cần phải thấp hơn nữa. Vì dù mức lãi suất hiện 5%/năm, nhưng vẫn cao hơn gấp 2 - 3 lần so với các nước khác và chưa thực sự dành cho người thu nhập thấp.

Còn ông Tuấn kiến nghị, ngoài việc tạo quỹ đất, giảm lãi suất vay vốn cho người mua nhà, Bộ Xây dựng cũng nên sớm xem xét “cởi trói” một số quy định cho người mua nhà, như lao động ngoài khu công nghiệp không được mua nhà tại các dự án trong khu công nghiệp, rút ngắn thời gian bán lại sau khi mua…

Theo các chuyên gia, nếu triển khai thêm các giải pháp trên, sẽ giúp người có thu nhập thấp có cơ hội cải thiện nhu cầu về an cư trong tương lai.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản