Top

"Phập phồng" giá chung cư

Cập nhật 25/07/2014 08:40

Trong vài tháng trở lại đây, hàng loạt các dự án nhà chung cư giá thấp được mở bán, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có thể sở hữu căn nhà ưng ý, không ít khách hàng đã phải bỏ ra khoản tiền chênh lệch không hề nhỏ, thậm chí lên tới hàng trăm triệu đồng, trái ngược hoàn toàn với những gì mà các chủ đầu tư bất động sản (BĐS) đã quảng cáo.

Ngày càng có nhiều dự án chung cư cao tầng "hút khách" vì giá cả hợp lý.

Bát nháo "cò nhà" Trong vai người đi tìm căn hộ chung cư giá rẻ, chúng tôi tìm đến Công ty BĐS Đ.L (quận Hoàng Mai -Hà Nội) nhằm tìm hiểu thông tin về các dự án trên địa bàn. Tiếp chuyện, một nhân viên tên Phước nói như máy: Hiện tại có một số dự án nhà chung cư cao tầng như Kim Văn -Kim Lũ, Đại Kim, VP4, VP6, HH4 Linh Đàm,... các anh định lựa chọn địa điểm nào? Tỏ vẻ ngập ngừng, nhân viên này bật mí: Hiện nay, phần lớn khách hàng đến công ty đều tìm hiểu và đặt mua các căn hộ của tòa nhà HH4 và VP4, VP6 Linh Đàm.

Đây là địa điểm "cực kỳ" (anh này nhấn mạnh) lý tưởng vì nó nằm trong khuôn viên bán đảo Linh Đàm, nhiều người yêu thích. Sau một hồi lật đi, lật lại các tập ca-ta-lô giới thiệu nhà ở, nhân viên tên Phước này niềm nở hơn: Các anh lựa chọn được căn nào thì báo lại để công ty biết và khoanh vùng. Đồng thời, "cái máy" bắt đầu giảng giải thủ tục: "Khách hàng đồng ý mua nhà sẽ phải nộp trước 20% tổng giá trị căn nhà theo giá niêm yết và được công ty tạo điều kiện ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư dự án, nhận nhà vào khoảng quý III-2015.

Ngoài mức giá gốc là 15,5 triệu đồng/m 2, khách hàng phải trả thêm chênh lệch 125 triệu đồng cho căn nhà 65,52 m 2 . Đây là quy định bắt buộc, giá gốc không thể thay đổi.

Nếu các anh quyết mua, em sẽ liên lạc với bên bán xem họ có thể giảm cho vài ba triệu đồng "lấy lộc". Còn không, muốn mua căn hộ giá rẻ hơn (13 triệu đồng/m 2 - PV) chỉ có ở bên dự án Kim Văn - Kim Lũ".

Tiếp tục tới sàn giao dịch BĐS Mường Thanh, một nhân viên bãi xe nhiệt tình hướng dẫn và đưa chúng tôi vào dãy bàn cuối cùng của tầng 1, gặp một thanh niên tên Chính, được giới thiệu là nhân viên sàn BĐS Mường Thanh. Nhân viên này tư vấn: Anh nên mua căn hộ ở tòa B hoặc C của dãy nhà HH4 vì nó nằm ngay mặt đường Nguyễn Hữu Thọ (Hà Nội), về sau này rất đẹp và thông thoáng. Hiện tại còn một căn ở tầng 19 tòa B, giá gần 1,2 tỷ đồng. Anh quyết nhanh để điền tên vào đơn xin mua nhà, sau đó vào trong nộp tiền, nhận phiếu thu của công ty, sau đó anh có thể hoàn toàn yên tâm vì đương nhiên được sở hữu căn nhà ưng ý (?). Tất nhiên, người thanh niên này cũng không quên nhấn mạnh: "Ngoài mức tiền gần 200 triệu đồng nộp trước 20% tổng giá trị căn hộ thì anh phải thanh toán ngay số tiền chệnh lệch 150 triệu đồng cho sàn giao dịch". Tỏ ý thắc mắc về mua trực tiếp tại sàn BĐS của công ty sao lại có mức giá chênh lệch như vậy, người thanh niên này giải thích: "Sàn giao dịch BĐS là phải thu tiền chênh lệch, trừ trường hợp những khách hàng thân quen, có mối quan hệ với chủ đầu tư mới được mua giá gốc, còn không bất kể người mua nhà nào khác đều phải tuân thủ quy định này". Thế nhưng, khi lên tới tầng 2, chúng tôi tá hỏa vì ở đây cũng có sàn BĐS Mường Thanh, chỉ khác một điều, các nhân viên cho biết, đã hết căn hộ để bán.

Chẳng riêng gì một vài sàn BĐS kể trên, một số sàn giao dịch BĐS nằm trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy cũng gặp hiện tượng này. Đề cập "sự cố" một tòa nhà có hai sàn giao dịch BĐS, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (chủ đầu tư dự án HH4 Linh Đàm - cũng là đơn vị quản lý sàn giao dịch BĐS Mường Thanh) Lê Thanh Thản khẳng định: Sàn BĐS của Mường Thanh chỉ có ở trên tầng hai, còn tầng một là của những nhà đầu tư, môi giới BĐS khác. Về nguyên tắc, giá bán gốc chẳng hạn là 15 triệu đồng/m 2 , chúng tôi sẽ bán theo đúng mức giá gốc chứ không có chuyện thu thêm chênh lệch. Nếu tầng một có người mạo danh là nhân viên của Mường Thanh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý?! Ông Thản cho biết thêm, mỗi lần xí nghiệp mở bán căn hộ, có hơn 2.000 khách hàng đăng ký mua nhưng thực tế chỉ có khoảng 500 căn hộ để bán do vậy việc khách hàng không tiếp cận được giá của chủ đầu tư cũng là điều bình thường. Chúng tôi cũng không thể biết được ai là người mua thật, ai là người mua giả. Chỉ có điều chắc chắn khoảng 50% khách hàng mua có nhu cầu ở thật.

Quản lý lỏng lẻo, Người tiêu dùng chịu thiệt Thị trường BĐS đóng băng, ảm đạm suốt thời gian dài vừa qua với những căn biệt thự, nhà chung cư cao cấp có giá "khủng" khiến sức mua của người tiêu dùng sụt giảm thì nay hàng loạt các dự án chung cư cao tầng có mức giá hợp lý, dao động trong khoảng một tỷ đồng đã thu hút đông đảo khách hàng lựa chọn. Thế nhưng, thực tế rất ít người tiếp cận và mua được nhà với giá gốc. Anh Lê Ngọc Kiên (trú tại Văn Quán, Hà Đông) đang tìm mua căn hộ chung cư bức xúc: "Chủ đầu tư quảng cáo và bán giá gốc là một chuyện, nhưng bản thân tôi đã "ăn chực nằm chờ" hàng tháng trời để đặt mua căn hộ chung cư mà không được. Bất đắc dĩ, tôi phải mua qua các công ty môi giới BĐS với mức chênh hơn 100 triệu đồng, không hiểu số tiền này rơi vào tay ai ?!".

Hiện nay, ngoại trừ nguồn cung về nhà ở xã hội còn thiếu, các phân khúc nhà ở khác cũng đang được chào bán khá "rôm rả". Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, việc có dự án này, dự án khác được nhiều nhà đầu tư quan tâm là chuyện bình thường và mức giá mà người mua chấp nhận chính là giá thị trường. Do vậy mới có chuyện dự án này bán giá chênh so với giá chủ đầu tư đưa ra, trong khi có dự án chẳng mấy ai quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay đã qua thời điểm "sốt" BĐS như trước đây, cho nên không còn hiện tượng bán quá chênh lệch so với mức giá ban đầu chủ đầu tư đưa ra. Người dân đã có những bài học đắt giá và thị trường BĐS ngày càng có nhiều sự lựa chọn, vì vậy không nên quá lo lắng trước những thông tin nhiễu loạn về một vài dự án đang được nhiều người quan tâm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, người dân khi có nhu cầu mua BĐS cần tìm hiểu kỹ thông tin dự án, nên có nhiều lựa chọn phù hợp khả năng tài chính của mình. Tốt nhất là cố gắng tiếp cận được thông tin của chủ đầu tư hoặc kết nối được với những nhà môi giới BĐS đã có chứng chỉ hành nghề để đưa ra quyết định cuối cùng. Kinh nghiệm của một số người khi đi mua nhà là thuê thêm luật sư để kiểm soát các luồng thông tin, hợp đồng kinh tế, các luật định nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro. Nhằm lành mạnh hóa thị trường, Bộ Xây dựng đang tập trung luật hóa Chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Do chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS được quyền hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn quốc, việc giao Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ này sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, phù hợp các quy định pháp luật hiện nay ở nước ta. Chứng chỉ này sẽ được cấp có thời hạn chứ không cấp vô hạn, cấp một lần như trước đây. Mỗi lần cấp lại, cơ quan quản lý sẽ sát hạch cả về chuyên môn và đạo đức của tổ chức, cá nhân hành nghề, nhằm loại bỏ những "con sâu", nâng cao chất lượng đội ngũ làm môi giới BĐS.

Công khai, minh bạch thông tin về các dự án BĐS Điều cần thiết hiện nay là tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các dự án, năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ của các dự án. Thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều trường hợp dự án nhà ở chưa đủ điều kiện nhưng chủ đầu tư đã bán, thu tiền của khách hàng dưới dạng góp vốn, hợp tác kinh doanh, sau đó dự án bị chậm tiến độ hoặc dự án không được triển khai sinh ra khiếu kiện và bên bị thiệt hại luôn là khách hàng do pháp luật hiện hành chưa có quy định bắt buộc phải được cơ quan quản lý nhà ở địa phương kiểm tra trước khi chủ đầu tư bán hoặc huy động tiền của khách hàng, nhất là Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS hiện nay không bắt buộc giao dịch BĐS phải thông qua sàn.

NGUYỄN TRẦN NAM Thứ trưởng Xây dựng

Chênh lệch môi giới vẫn còn quá cao Sàn giao dịch BĐS phần lớn do các chủ đầu tư dự án lập ra để bán sản phẩm của họ. Nếu chưa có, họ thuê sàn có sẵn bán hộ và trả phí là chuyện thông thường. Thế nhưng, mức phí môi giới thông thường chỉ chiếm khoảng 2 - 3% giá trị, nhưng lên tới 9 - 10% là quá cao, không thể chấp nhận được. Hiện tại, các sàn BĐS hoặc các cửa hàng, trung tâm môi giới BĐS mọc ra chủ yếu ăn chênh lệch giá chứ không phải hưởng tiền dịch vụ. Ngoài ra, xuất phát từ nhu cầu mua bán, phải nhờ người môi giới thì có sự trả phí là rõ ràng, hợp lý. Bộ Xây dựng với vai trò quản lý cấp phép hành nghề môi giới BĐS cần tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm nhằm tránh rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình giao dịch mua bán nhà ở.

TS PHẠM SỸ LIÊM Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân dân