Top

Một cái nhìn về nghề môi giới bất động sản

Phần V: Môi giới - cái nhìn từ thực tiễn

Cập nhật 18/07/2011 09:30

Không thể phủ nhận vai trò của những người hoạt động trong nghề môi giới trong giai đoạn kinh tế phát triển và thị trường bất động sản có những biến đổi không ngừng. Phần 5 loạt bài về môi giới sẽ cho chúng ta cái nhìn cụ thể hơn về tầm quan trọng của nghề này.

Song hành với thị trường bất động sản và nhu cầu khách hàng

Khi chưa được “danh chính ngôn thuận”, nghề môi giới chỉ được hiểu dưới danh nghĩa “cò nhà đất”, không đem lại thiện cảm cho khách hàng và thường hoạt động không mấy hiệu quả. Tuy nhiên sau khi được công nhận là nghề, hiệu quả của môi giới mang lại không hề nhỏ.

Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, nghề môi giới có vai trò cung cấp thông tin cho các chủ thể tham gia vào hoạt động giao dịch hàng hóa bất động sản; góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, khai thác nguồn thu cho ngân sách; ổn định trật tự, an ninh xã hội và thúc đầy đổi mới chính sách quản lý bất động sản.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng hiểu được vai trò của nghề môi giới. Và chỉ khi được minh chứng bằng kết quả thực tế, nó mới tạo dựng được niềm tin từ phía khách hàng.

Anh N.H.Long, chủ một căn hộ chung cư ở quận 7 chia sẻ, hiếm người đi mua nhà nào có thể biết được chủ đầu tư nào có uy tín, chất lượng dự án nào là đảm bảo... Khi có ý định mua một căn hộ chung cư nhưng chưa biết phải nhờ ai tư vấn thì anh được người bạn giới thiệu đến một công ty môi giới.

“Quả thật lần đầu tiên mua nhà qua người môi giới tôi cũng rất hồi hộp và hơi lo lắng vì trước đó nghe những lời đồn đại không hay về những người làm nghề này. Tuy nhiên sau khi được tư vấn, trao đổi về những căn hộ hợp túi tiền, về chủ đầu tư, hay lãi suất cho vay từ các ngân hàng tôi cảm thấy yên tâm hơn. Họ có chính sách chăm sóc khách hàng rất tốt, đặc biệt luôn tôn trọng ý kiến của mình”, anh nói.

Hơn ai hết, những người làm nghề môi giới hiểu rằng, có chiều lòng hết mức mới mong giữ được khách hàng, một nhân tố quan trọng quyết định doanh thu hàng tháng của họ. Chưa kể, đó cũng chính là cầu nối giữa nhà đầu tư, ngân hàng và các chính sách... đến với những người có nhu cầu mua nhà.

Hiện anh Long rất hài lòng vì đã mua được căn hộ như ý. Một bên được đảm bảo quyền lợi để thực hiện giao dịch và một bên có lợi nhuận, nói chung đây là mối quan hệ “có lợi cho cả đôi bên”.

Chị Thảo, ở quận 2 cũng bộc bạch: “Tôi định mua nhà và được giới thiệu tới anh N., một người làm nghề môi giới lâu năm, thấy anh ấy nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn, thậm chí còn chở tôi đến mấy nơi để xem và chọn căn hộ, tôi mới tin là mình đã không chọn nhầm người. Sau khi mua được nhà, tôi mới hiểu, những người làm môi giới riêng lẻ cũng rất vất vả mới có được khách hàng, họ hết lòng với khách hàng và chỉ mong mình tìm được căn nhà như ý.”

Được và mất


Để đạt được thành công, người làm môi giới có thể sẽ phải đánh đổi nhiều thứ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực tế, người làm nghề môi giới thực ra chịu rất nhiều áp lực. Chỉ có những người thực sự yêu nghề, quyết tâm gắn bó mới có thể tạo dựng được sự nghiệp.

DiaOcOnline.vn đã có cuộc trao đổi với chị P.N.H., một nhà môi giới có tiếng tại Gò Vấp, được chị chia sẻ kinh nghiệm suốt những năm vào nghề mới thấy để thành công trong nghề này bạn có thể phải đánh đổi nhiều thứ.

Chị H. cho biết, thu nhập hàng tháng của chị trên dưới 100 triệu đồng. Đó là một con số không nhỏ, và chỉ có những người có kinh nghiệm, biết cách tìm kiếm khách hàng mới có thể có được. Và để được như ngày hôm nay, chị đã có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, nhưng tấm bằng chưa đủ làm phương tiện, chị còn phải đi học thêm các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ môi giới, tìm đọc những quyển sách về nghệ thuật bán hàng của các diễn giả nổi tiếng, kinh nghiệm sale của các nước trên thế giới. Đặc biệt, những quyển sách nói về động lực để vươn lên đạt hiệu quả tốt trong công việc. Kinh nghiệm nhiều năm tại các công ty trong và ngoài nước đã giúp chị đứng vững trong nghề đến ngày hôm nay.

Còn theo anh Tuấn (Bình Chánh), nghề môi giới không hề đơn giản. Người làm nghề phải định hướng được mục tiêu của mình, vận dụng các mối quan hệ để có được khách hàng. Đặc biệt, khi lập gia đình phải có được một người bạn đời hiểu mình, vì đã xác định làm môi giới là không có ngày nghỉ. Khi nào khách hàng gọi là phải có mặt bất kể nắng mưa, đêm ngày. Chưa kể, thu nhập không phải lúc nào cũng ổn định mà phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường...

Tính cách của mỗi người cũng rất quan trọng, chị H. cho rằng, nếu không quyết tâm và nhẫn nại thì khó có thể trụ được với nghề. Anh Tuấn thì hi vọng môi trường trong nghề môi giới sớm được cải thiện và có tính chuyên nghiệp hơn, khi đó những người như anh sẽ đỡ vất vả trong việc tìm kiếm khách hàng.
 

Với thị trường bất động sản đang được cho “đóng băng” như hiện nay, cả anh Tuấn và chị H. đều chung quan điểm, muốn thành công phải có sự kiên trì, say mê với nghề. Luôn tìm các mối quan hệ mới để ổn định số lượng khách hàng.


>> Phần I: Môi giới - nghề… phục vụ


>> Phần II: Môi giới bất động sản trên thế giới: không đơn giản

>> Phần III: Nghề môi giới ở Việt Nam - Đối mặt và vượt qua thách thức

>>>Phần IV: Trở thành nhà môi giới chuyên nghiệp: Liệu có khó?


Đỗ Trần - DiaOcOnline.vn