Top

Sẽ lấy ý kiến rộng rãi việc xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn

Cập nhật 17/07/2011 10:40

Trước dư luận không đồng tình việc xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong giới khoa học và người dân về việc này.

Nhiều chuyên gia cầu đường cho là hiện người dân TPHCM chưa có thói quen đi bộ, xây dựng cầu đi bộ sẽ vắng khách, gây lãng phí. Nhiều người cho việc bỏ hàng ngàn tỷ đồng để xây cây cầu chỉ để đi bộ là… chuyện của nhà giàu.


Phối cảnh cầu đi bộ (ảnh: Ban quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm)

Ông Trang Bảo Sơn, Phó ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho rằng, công trình cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn không chỉ mang ý nghĩa là để đi lại mà đây sẽ là công trình điểm nhấn của thành phố, tích hợp nhiều yếu tố khác nhau. Nó không chỉ phục vụ người dân tham quan mà còn tạo sự hấp dẫn gần gũi để hấp dẫn khách du lịch đến với thành phố.

Theo thiết kế, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn dài 360m, mang hình chữ S cách điệu tượng trưng cho hình ảnh đất nước. Chức năng chính của cầu đi bộ là phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, đi lại, thưởng ngoạn và tổ chức lễ hội. Trên cầu có thiết kế những điểm dừng để hành khách có thể ngắm được các góc đẹp của sông Sài Gòn…

Ban đầu dự kiến cầu đi bộ sẽ nối công trường Mê Linh với Trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đến nay thành phố đã thống nhất cầu đi bộ sẽ nối Quảng trường trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với đường Đồng Khởi (quận 1).

Vị trí xây dựng cầu đi bộ

Theo ông Trang Bảo Sơn, thì từ năm 2008, thành phố đã tổ chức cuộc thi thiết kế nhằm tìm ý tưởng kiến trúc cho cầu đi bộ trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm với sự tham gia đông đảo các đơn vị trong và ngoài nước. Nhiều công ty cũng đã đăng ký nghiên cứu dự án này (tự bỏ kinh phí) nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu của thành phố. Do vậy, đến này dự án vẫn chỉ là ý tưởng.

Tuy nhiên, mới đây UBND TP đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thành phương án xây cầu đi bộ trình UBND TP xem xét. UBND TP cũng chỉ đạo phải lấy ý kiến các đơn vị như: Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật, Hội văn học nghệ thuật, các trường đại học Bách khoa, Giao thông vận tải, Kiến trúc… để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Phó ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng cho biết sắp tới sẽ tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, người dân thông qua nhiều hình thức khác nhau để tiếp nhận những ý kiến đóng góp thiết thực cho công trình.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí