Top

Một cái nhìn về nghề môi giới bất động sản

Phần I: Môi giới - nghề… phục vụ

Cập nhật 21/06/2011 08:20


Môi giới bất động sản rất phát triển ở các nước trên thế giới. Ảnh minh họa: Abound
Nghề môi giới bất động sản đã và đang khẳng định tầm quan trọng cũng như độ “hot” của mình trong thị trường bất động sản. Rất nhiều người trẻ hiện cũng tìm hiểu và chọn môi giới để hành nghề và phát triển sự nghiệp của mình.

Để quý độc giả hiểu hơn về nghề môi giới cũng như hoạt động và ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế nước ta, DiaOcOnline xin giới thiệu loạt bài về vấn đề này.

Thế nào là nghề môi giới?

Đất nước phát triển, quá trình đô thị hóa diễn biến ngày càng mạnh, nhu cầu về nhà đất luôn là một vấn đề nóng, được quan tâm hàng đầu. Nghề môi giới bất động sản vì thế cũng đã và đang khẳng định tầm quan trọng của mình trong các ngành dịch vụ.

Theo tài liệu đề án tư vấn giá đất của Cục quản lý giá Bộ Tài chính, các loại hình bất động sản được đưa vào kinh doanh bao gồm: nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, văn phòng cho thuê, và các loại nhà khác. Môi giới bất động sản là quá trình tư vấn các quan hệ giao dịch về bất động sản như: mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, và các dịch vụ hỗ trợ khác... giữa các chủ thể có liên quan. Cụ thể, giữa người đại diện chủ sở hữu, người có nhu cầu sử dụng đất với người tư vấn, môi giới.
Môi giới bất động sản là công việc trung gian giữa người mua (cần thuê) và người bán (cho thuê). Người môi giới được trả công theo một tỷ lệ hoa hồng đã được thỏa thuận trước dựa trên tổng giá trị giao dịch. Theo các chuyên gia đào tạo nghề, công việc này khác công việc bán hàng ở chỗ, người bán hàng chỉ bán cho người mua, còn nhân viên môi giới là cầu nối trong việc tìm kiếm - kết nối người bán và người mua.

Nền kinh tế phát triển thúc đẩy nhiều nhu cầu của con người ra đời, trong đó nhà ở luôn là vấn đề cấp bách đối với mỗi người, bởi có an cư mới lạc nghiệp. Cũng từ đó, các nhu cầu về mua/bán/cho thuê/ chuyển nhượng… nhà, văn phòng, đất đai tiếp tục phát sinh.

Tuy nhiên không phải ai cũng chọn cho mình được một căn hộ ưng ý, một văn phòng công ty hợp lý, phù hợp với túi tiền hiện có. Họ cần được tư vấn, tham khảo ý kiến từ những người có sự hiểu biết, kinh nghiệm… Nghề môi giới bắt đầu xuất hiện và phát triển để đáp ứng nhiều hơn các nhu cầu liên quan đến bất động sản của người dân.

Nghề môi giới ở các nước phát triển

Nghề môi giới được hình thành cách đây hơn 70 năm tại Mỹ, đất nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Cũng chính vì có thâm niên lâu năm trong việc hình thành nên các quy định hành nghề môi giới tại Mỹ cũng được xem xét rất kỹ lưỡng. Các nguyên tắc hoạt động đa phần hướng đến lợi ích và bảo vệ khách hàng.

Tiếp sau Mỹ là các nước Trung Quốc, Ba Lan, Thụy Điển… Có thời gian ra đời, hoạt động trên dưới 30 năm, những nơi này nghề môi giới cũng rất phát triển, sau đó phổ biến rộng khắp các nước trên thế giới.

Ở mỗi quốc gia đều có những quy định về chứng chỉ hành nghề hay những quy định thành lập công ty môi giới. Và cũng tùy vào từng quốc gia mà khung đào tạo cũng như nguyên tắc hoạt động trong nghề này cũng có những điểm khác nhau nhất định.

Thực tế chứng minh, nếu người làm môi giới được hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp, có kỹ năng chuyên môn và giàu kinh nghiệm sẽ có thu nhập tương đối cao từ những khoản hoa hồng nhận được sau mỗi giao dịch thành công. Một tài liệu đã đưa ra số tiền hoa hồng một người làm đại lý bất động sản ở Mỹ có được khoảng 35.000 - 92.000 USD/năm nếu tình hình thị trường thuận lợi và ổn định. Tuy nhiên, nghề môi giới cũng giống như thị trường bất động sản, dễ biến động.

Làm thế nào để duy trì được thu nhập trong nghề cũng như có những bước tiến mới trong việc phát triển nghề môi giới khi nền kinh tế có những thay đổi hay tỷ giá lên xuống thất thường? Ngoài việc tư duy, trau dồi kiến thức từ thực tế, người làm nghề môi giới cần ghi nhận, học tập kinh nghiệm hành nghề từ các nước phát triển trên thế giới.

>>Phần II: Môi giới bất động sản trên thế giới: Không đơn giản

Đỗ Trần - DiaOcOnline.vn