Top

Phải chi dự án đừng đến!

Cập nhật 05/10/2012 09:00

Dù ruộng đất không dính quy hoạch nhưng do nằm lân cận các KCN, khu dân cư mới nên đời sống người dân bị ảnh hưởng khá nặng nề

Dọc con đường Phan Văn Đối dẫn ra KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh - TPHCM), thay cho những thửa ruộng trồng lúa và hoa màu là hàng chục ki-ốt, mặt bằng dựng lên để buôn bán, cho thuê. Trong những con hẻm gần đó, nhà trọ, nhà ở mọc lên san sát, có căn nằm giữa cánh đồng còn ngập nước mênh mông.

Thở dài bên khu công nghiệp


Ông Phạm Văn Út (ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) nhớ lại: “Năm 2000, ở khu vực này toàn là lúa và lúa. Sau khi KCN mọc lên vài năm, dân tứ xứ đổ về, gây sốt giá đất. Nhà nhà đua nhau bán ruộng đất lấy tiền cất nhà, mua xe. Đến năm 2005-2006, tốc độ đô thị hóa nhanh, người ta đua nhau san lấp ruộng để bán hoặc làm nhà xưởng cho thuê.

Cứ vậy, ruộng mất dần, riêng những thửa kế bên KCN không san lấp cũng “hết xài” được luôn vì bị bít lối thoát nước”. Chỉ tay ra cánh đồng dọc con đường nhựa trước mặt, ông Út cho biết thêm: “Còn vài mảnh ruộng sót lại nhưng không thể trồng trọt được gì, người ta phải bỏ hoang cho cỏ mọc vì tứ bề đều có nhà nên lối thoát nước bị bít kín”.

Bị kẹp giữa các xí nghiệp nên những cánh đồng lúa thuộc ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - TPHCM bỏ hoang nhiều năm qua

Ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, tình hình không khá hơn. Ven đường Vĩnh Lộc nối từ tỉnh Long An lên TPHCM, giá đất nông nghiệp hiện cao gấp 6-8 lần so với năm 2000 nên người ta thi nhau bán. Mà không bán cũng không được bởi đây là khu vực nhiễm phèn, dân ngán ngẩm bán ruộng hoặc bỏ ruộng, kiếm nghề khác mưu sinh.
Dọc đường Phạm Văn Sáng (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), nhiều thửa ruộng cũng bị bỏ hoang nham nhở vì không thể trồng cấy do nằm kẹp giữa những nhà xưởng, xí nghiệp. Con đường dài chưa đến 1 km nhưng là nơi tọa lạc của hơn chục nhà máy, xí nghiệp. Đầu nậu cũng thu gom đất để dành, dựng tường rào chắn lại khiến những thửa ruộng nằm kề cũng bị “giam” theo.

Do không thể sản xuất nên cách đây 3 năm, nhiều hộ nông dân đã móc đất thịt bán cho thương lái, khiến ruộng sâu hoắm, không thể gieo cấy. Bà N.T.G (ấp 2, xã Xuân Thới Thượng) than thở: “Ruộng thì bỏ hoang, tôi lại già rồi, chỉ ở nhà trông cháu, con cái thì đi làm thợ chứ biết làm gì!”.

Trắng tay

Hỏi một người sống lâu năm gần KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi - TPHCM) về tình hình cuộc sống sau khi được đền bù tiền thu hồi đất, ông này lắc đầu: “Nhiều người còn khổ hơn trước gấp bội, như hộ bà Ba Quỳnh, ông Út Nhi, ông Ba Mơ…”.
Bà Tạ Thị Quỳnh (Ba Quỳnh, 70 tuổi, ở ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung) kể lại: “Sáu năm trước, khi KCN Tân Phú Trung đến, gần 2 ha ruộng và đất vườn của nhà tôi được bồi thường 1,5 tỉ đồng. Tôi trích 400 triệu đồng mua miếng đất, chia cho 2 con gái mỗi đứa 50 triệu đồng, số còn lại thằng con trai út giữ. Do ỷ lại số tiền đền bù đó, nó tiêu xài hết, đến khi phát hiện nó bị bệnh lao phổi thì gia đình đã trắng tay”.

Vợ chồng ông Đặng Văn Mơ phải lột củ hành thuê để kiếm sống

Chua xót hơn, hằng ngày bà phải lặn lội trên chính mảnh ruộng từng là của mình để trồng nhờ rau muống, đem bán kiếm chút tiền đắp đổi qua ngày. “Phải chi dự án không đến, không có tiền bồi thường thì biết đâu cuộc sống của gia đình tôi đỡ khổ hơn. Hồi trước, trên mảnh ruộng và vườn này, hết trồng lúa, tôi lại trỉa đậu, trồng cà… được mùa lắm, không sợ đói. Giờ đây, ruộng đất không còn, cuộc sống bấp bênh quá!” - bà Quỳnh rầu rĩ.

Vợ chồng ông Đặng Văn Mơ (ấp Bến Đò 2) thì phải lột củ hành thuê để kiếm sống. Khi được hỏi về cuộc sống trước đây, ông Mơ cho biết: “Được chủ đầu tư bồi thường hơn 500 triệu đồng, tôi mua miếng đất hơn 80 triệu đồng, còn lại chia cho con cái làm vốn, thế là hết. Từ nhỏ đến giờ, tôi gắn bó với ruộng đồng.

Nay giao đất cho dự án rồi, chẳng biết làm nghề gì, phải chạy gạo từng bữa”. Ở gần đó, lão nông Út Nhi, người từng nhận hơn 800 triệu đồng tiền đền bù, giờ cũng trắng tay, say xỉn suốt ngày. Bà Ngô Long Khước, vợ ông Nhi, buồn bã nói: “Lúc trước làm ruộng, ổng đâu có tệ vậy. Khi giao đất rồi, do ở không nên sinh tật”.

Khó chuyển nghề

Theo báo cáo mới đây của Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho đoàn giám sát HĐND TP về tình hình thực hiện Quỹ Hỗ trợ đào tạo và Giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi, các hộ dân có đất bị thu hồi trên 35 tuổi chiếm tỉ lệ lớn (trên 40%). Đây là lực lượng chính trong sản xuất nông nghiệp nhưng khi bị thu hồi đất, họ có nguy cơ mất việc, thất nghiệp kéo dài vì tuổi cao, khó tuyển dụng vào doanh nghiệp và khó thích nghi với công việc mang tính công nghiệp. Ngoài ra, đa số họ có trình độ học vấn thấp nên ngại tham gia các khóa đào tạo nghề; các nghề đào tạo lại chưa phong phú, không phù hợp với trình độ của người dân.

Để hỗ trợ người bị thu hồi đất tốt hơn, hội đồng quản lý quỹ này cho biết trong thời gian tới, từng quận, huyện phải xây dựng phương án hỗ trợ dạy nghề cho các người dân bị thu hồi đất, tổ chức tư vấn ngành nghề phù hợp với trình độ học vấn của họ và nhu cầu của doanh nghiệp, ưu tiên cho vay vốn sản xuất đối với người đã học nghề và có nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động