Top

Vô tư cho thuê lại nhà ở xã hội

Cập nhật 05/10/2012 08:00

Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng ngân sách xây dựng 515 căn nhà ở xã hội tại khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) để cho cán bộ, công chức thuê dài hạn với nhiều ưu đãi. Thế nhưng, nhiều căn hộ đang được cho mượn, cho thuê lại…

P508 A3 đã cho gia đình khác “ở nhờ, trông nhà”. Ảnh: Minh Tuấn.

Thuê nhà ở xã hội để nuôi chó


Anh Nguyễn Quốc Hưng và vợ là chị Nguyễn Diệu Thu trú tại căn hộ 603 nhà A4 khu CT19A đô thị Việt Hưng chỉ vào căn hộ 602 liền kề than phiền rằng, nhiều tháng qua, gia đình anh chị phải chung sống với mùi hôi nồng nặc của đàn chó Tây cao to trong căn hộ bên cạnh.

Chị Thu vén quần cô con gái hơn ba tuổi, chỉ vào những nốt sẹo đen trên đôi chân, nói rằng đó là hậu quả của đàn bọ chó tràn sang từ căn hộ kế bên.

“Mùi hôi kinh quá nên em thường xuyên đóng cửa. Không thấy chủ nhà đâu, chỉ thấy có người đàn ông nuôi đàn chó Tây ở đây thôi”, anh Hưng nói.

Dự án nhà xã hội tại khu đô thị Việt Hưng có vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, gồm 800 căn hộ. Trong đó, 515 căn hộ cho cán bộ, công chức thuê với giá ưu đãi và gần 300 căn mua trả góp. Điều kiện được thuê nhà ở xã hội là: Cán bộ, công chức của thành phố Hà Nội không có nhà ở hoặc có nhà ở dưới 5m2/người, có nguyện vọng...
Chị Tạ Thị Yến Hoa sống tại căn hộ 302 A4 kể rằng, chị nhiều phen hết vía khi nhìn thấy hai con chó Tây màu đốm đi cùng cầu thang.

“Nhìn hai con chó cao lớn quá tôi rất sợ. Tại sao người ta lại cho nuôi chó trong khu căn hộ?”, chị Hoa nói.

Bà Lê Thị Đạm sống cùng vợ chồng người con trai tại phòng 404 A3 cho rằng, trong khi còn biết bao nhiêu cán bộ, công chức không có nhà ở thì hành động cho thuê lại nhà xã hội để nuôi chó là việc không thể chấp nhận được.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại úy Đỗ Trọng Dự, Công an phường Giang Biên (quận Long Biên) là cảnh sát khu vực, khẳng định, căn hộ 602 A4 đã được cho thuê lại. Người thuê lại nuôi 4 con chó.

“Có lần tôi vào kiểm tra buổi tối và đã gặp người thuê lại với 4 con chó rất to”, đại úy Dự cho biết.

Nhiều căn hộ cho mượn

Nhiều ngày tìm hiểu tại khu nhà ở xã hội CT19 A Việt Hưng, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi có hàng chục căn hộ chính chủ hợp đồng thì không thấy, chỉ thấy toàn người nhà… sinh sống với lý do “ở nhờ, trông nhà hộ”! Tại căn hộ tầng 3 nhà A3, chúng tôi được một phụ nữ chừng ngoài 60 tuổi mời vào nhà.

Bà nói, thỉnh thoảng cuối tuần vợ chồng người con trai mới về, chứ thường ngày chỉ có hai ông bà già về hưu ở với nhau. “Vợ chồng anh con trai vẫn ở bên phố Hoàng Quốc Việt cho gần cơ quan”, bà nói.

Tại phòng 508 nhà A3, chúng tôi không gặp được chính chủ mà là một phụ nữ chừng 40 tuổi. Người này thừa nhận không phải chính chủ mà vợ chồng mình ở đây để trông nhà giúp bà chị đang làm cán bộ tại UBND một quận nội thành.

Bà Nguyễn Thị Minh Thu trú tại phòng 306 nhà A3 khẳng định riêng tại tầng 3 nhà A3 đã có tới 3 căn hộ cho thuê lại hoặc cho ở nhờ, đó là căn 301, 303 và 305.

“Khi duyệt nhà cho thuê, cần rà soát kỹ để phân đúng đối tượng thật sự có nhu cầu”- bà Thu kiến nghị.

Đại úy Đỗ Trọng Dự cho biết, sau hơn 1 năm dự án nhà ở hoàn thành, trong số 515 căn nhà xã hội cho cán bộ, công chức thuê, mới có 230 hộ thường xuyên ăn ở đến đăng ký tạm trú.

Ngoài ra, hàng chục hộ khác thường chỉ đến ngủ vào thứ bảy, chủ nhật. Thậm chí có nhiều hộ chỉ đến vào ngày rằm, mồng một thắp hương xong lại về.

“Hàng chục hộ đã không ở và cho thuê lại. Nhiều trường hợp cho người nhà như anh chị em ruột, bố mẹ ở nhờ”, đại úy Dự nói.

Đại diện ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý khu CT19A) thừa nhận có hiện tượng cho thuê lại, cho ở nhờ tại quỹ nhà xã hội...

Sẽ xử lý nghiêm sai phạm

Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, sau khi nhận được báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà tái định cư về hiện tượng cho thuê lại, cho ở nhờ tại quỹ nhà xã hội CT19A Việt Hưng, lãnh đạo Sở Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo cụ thể.

Sở Xây dựng yêu cầu Ban quản lý dự án thực hiện đầy đủ trách nhiệm của bên cho thuê nhà, tổ chức kiểm tra, lập biên bản các vi phạm của bên thuê nhà, thông báo tới bên thuê nhà hành vi vi phạm, phối hợp các cơ quan liên quan xử lý và báo cáo kết quả về Sở Xây dựng.

Sở Xây dựng khẳng định, căn cứ để xử lý vi phạm là Quyết định 45/2010 ngày 13-9-2010 của UBND thành phố Hà Nội.

Theo đó, các trường hợp thu hồi nhà xã hội gồm: Người thuê nhà ở xã hội không còn nhu cầu (không ở liên tục đúng đối tượng trong thời hạn 6 tháng, không có lý do chính đáng, cho người khác sử dụng) hoặc tự ý chuyển quyền được thuê nhà cho người khác trong thời gian thuê mà không được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Xây dựng hoặc theo phân cấp...

Sở Xây dựng cũng yêu cầu Ban quản lý dự án liên hệ Phòng Quản lý nhà của Sở để hướng dẫn trình tự, thủ tục thành lập Ban quản trị nhà chung cư và tổ dân phố lâm thời theo quy định.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về trách nhiệm của đơn vị xét duyệt hồ sơ đến đâu khi xảy ra hiện tượng nêu trên, đại diện Sở Xây dựng khẳng định, thủ trưởng cơ quan, sở ngành, quận huyện khi xác nhận vào hồ sơ đề nghị thuê nhà ở xã hội phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, về tiêu chuẩn, nguyện vọng của cán bộ do mình quản lý trực tiếp.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong