Top

“Ông trùm” BĐS Đức vào Việt Nam: Lợi ít, mất nhiều?

Cập nhật 06/05/2013 14:10

“Người VN sẽ làm thuê cho nước ngoài và lại phải mua những sản phẩm giá cao của nước ngoài. Cuối cùng, người VN không được hưởng lợi ở sự cạnh tranh này” – Lãnh đạo Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành nhận định về động thái những đại gia BĐS nước ngoài đang tìm cơ hội đầu tư vào VN.

>> Muốn thắng lớn ở VN, “ông trùm” BĐS Đức nên đầu tư vào đâu?

“Ông trùm” BĐS Đức vào VN, cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt

Trước thông tin “ông trùm” BĐS người Đức Thomas Kramer sẽ đến Việt Nam vào tháng 7 tới, ông Nguyễn Văn Đực - PGĐ Công Ty TNHH Địa ốc Đất Lành, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng: Trong tương lai, sẽ không chỉ có triệu phú người Đức mà sẽ còn có nhiều những “ông trùm” khác đầu tư vào Việt Nam.

Lý giải về điều này, ông Đực cho biết: Bất động sản (BĐS) khó khăn, nhiều nhà đầu tư VN đứng trên bờ vực phá sản, người ta sẵn sàng bán dự án cho những người có tiền để thoát khỏi khó khăn, giảm bớt áp lực mà các doanh nghiệp VN đang phải gánh chịu.

Việc ông Thomas Kramer, triệu phú BĐS hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá hơn 90 triệu USD dự định đầu tư vào Việt Nam – một phần chứng tỏ sự thất bại của các doanh nghiệp BĐS VN?! (Ảnh: Thomas Kramer)

Và đây cũng có thể coi là sự thất bại cuối cùng của VN, bởi nhiều ngành nghề khác đã thất bại rồi như ngành phân bón, chăn nuôi, thực phẩm,… bị các doanh nghiệp nước ngoài vào mua hoặc xâm lấn. Làn sóng người nước ngoài vào đầu tư và chiếm lĩnh thị trường VN đã mở rộng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một ví dụ điển hình mới đây là trường hợp của “gã khổng lồ” cà phê Starbucks vào VN đang lấn lướt các DN cà phê VN.

Khi một “triệu phú” BĐS đầu tư vào VN, những doanh nghiệp BĐS còn tồn tại sau cuộc khủng hoảng với nhiều “thương tật”, sẽ phải chịu một sự cạnh tranh khốc liệt, nặng nề để tồn tại hoặc không tồn tại. Vì những người chủ mới nước ngoài là người có tài trí, có nhiều thâm niên làm BĐS hơn, đặc biệt có tiềm lực về tài chính to lớn, giống như Coca Cola hay Pepsico tràn vào VN mấy chục năm trước đây.

“Trong tình hình khó khăn như hiện nay, với thị trường BĐS, tôi cho rằng: Sẽ có khoảng 60 – 70% doanh nghiệp BĐS chết sẽ bị mua lại và như vậy 60 – 70% dự án BĐS thuộc về những người có tiền nước ngoài. Đó là một điều không vui cho nền kinh tế VN, cho các doanh nghiệp VN” – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận xét.

Người nước ngoài đầu tư vào BĐS VN: Lợi ít, mất nhiều?

Việc “ông trùm” BĐS người Đức Thomas Kramer hay một “đại gia” nước ngoài bất kỳ đầu tư vào VN, theo quan điểm của PGĐ Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, ở một thời điểm nào đó, có thể người dân được lợi vì họ sẵn sàng đưa ra mức giá rẻ để cạnh tranh.

Bởi lẽ, tầm nhìn của người tư bản nước ngoài rất dài, không phải chỉ dừng lại ở 5 hay 10 năm, hơn nữa, đồng vốn của họ rất lớn nên khi đầu tư phân khúc nào, ban đầu, họ có thể bán phá giá, chấp nhận thua lỗ.

Giống như khi Coca Cola vào VN, nhãn hàng đồ uống nổi tiếng thế giới này tung ra các chương trình khuyến mại, tặng sản phẩm, chào bán với mức giá cực rẻ để thu hút mọi tầng lớp người dân từ người già tới trẻ em, khiến người tiêu dùng quay lưng lại với Tribeco, Chương Dương. Nhưng sau đó, khi Coca Cola đã kiểm soát, thống lĩnh được thị trường thì họ áp đặt lại mức giá mới.

Ông Đực giải thích: Nguyên tắc của tư bản là đồng tiền. Ban đầu, họ bán giá rẻ không phải là vì thương đồng bào, thương dân tộc VN mà vì muốn chiếm lĩnh thị trường hoặc muốn tiêu diệt đối thủ khác. Sau khi tiêu diệt được rồi, chiếm thế độc quyền thì họ sẽ phân chia lại thị trường, bắt tay, liên kết với các tập đoàn lớn để khống chế về giá. Đó là những bài học nhãn tiền đã được chứng minh tại VN như trong lĩnh vực sữa, trứng gà hay thức ăn gia súc…

Như vậy, “người VN sẽ làm thuê cho nước ngoài và lại phải mua những sản phẩm giá cao của nước ngoài. Cuối cùng, người VN không được hưởng lợi ở sự cạnh tranh này” – Lãnh đạo Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành kết luận.

Khi các triệu phú BĐS nước ngoài thâm nhập vào thị trường VN, các doanh nghiệp BĐS VN cũng có thể chỉ tồn tại được ở một phân khúc nhỏ như nhà ở thu nhập thấp – phân khúc mà người nước ngoài thường bỏ rơi. Vì khi vào VN, các nhà đầu tư nước ngoài thường ưu tiên tìm đến phân khúc cao cấp và siêu cao cấp phục vụ người có thu nhập cao. Và khi “quân của nước ngoài tràn vào, nhắm vào phân khúc nào là thắng ở phân khúc đó, doanh nghiệp VN sẽ từ từ mất thị phần” – ông Đực nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Giáo Dục