Top

Dân chung cư cũ ở Hà Nội: Bán nhà có thể được miễn thuế

Cập nhật 06/05/2013 13:54

Nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô, tại phiên họp thường kỳ của tập thể UBND TP Hà Nội (ngày 4/5), các đại biểu đã cho ý kiến về một số biện pháp để cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn.

Từ năm 2005, Hà Nội đã có chủ trương cải tạo chung cư cũ, nhưng đến nay chủ trương này gần như giậm chân tại chỗ.

Mới hoàn thành 1%

Theo Sở Xây dựng, Hà Nội hiện có khoảng 1.155 nhà chung cư cao tầng, 10 khu nhà cũ (1-3 tầng) và các nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, tập trung tại các quận nội thành với tổng diện tích khoảng 5 triệu m2. Sở Xây dựng cho biết, về cơ bản chất lượng hiện trạng tại các khu chung cư cũ đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Từ năm 2005, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hàng loạt những khó khăn từ chính sách như: việc xã hội hóa cải tạo, xây mới chung cư; giảm mật độ dân số khu nội đô; kiểm soát chiều cao khu nội thành… đã khiến chủ trương trên gần như giậm chân tại chỗ.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, thành phố mới chỉ tập trung giải quyết các nhà chung cư nguy hiểm cấp D phải di dời để đảm bảo an toàn cho người sử dụng (B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I 1, 2, 3 Thành Công; C7, D6, D2 Giảng Võ; 148 – 150 Tây Sơn). Trong 3 khu chung cư cũ thí điểm, hiện mới xây dựng được 4/14 nhà tại khu B Kim Liên và khởi công nhà A1, A2 khu tập thể Nguyễn Công Trứ, còn khu Văn Chương vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn: “Cho đến nay, Hà Nội mới giải quyết được 1% số nhà chung cư cũ, triển khai 2/3 khu thí điểm theo kế hoạch đề ra”.

Nhiều ưu tiên cho người dân

Phát biểu ý kiến về  việc cải tạo xây mới chung cư cũ, đa số các đại biểu đều cho rằng nếu chỉ trông chờ vào việc xã hội hóa thì rất khó thực hiện thành công. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Văn Viện (quận Hoàn Kiếm không thực hiện được dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ nào – PV) cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ là việc khó nên không chỉ trông chờ vào xã hội hóa mà cần nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước.

Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, trong dự thảo tờ trình của thành phố lần này đã đưa ra nhiều giải pháp ưu đãi với người dân và chủ đầu tư. Theo đó, người dân được cùng tham gia đầu tư theo phương thức góp vốn bằng chính quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất nếu dự án có hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, nếu người dân không có nhu cầu mua nhà tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các dự án trên địa bàn thành phố. Trong trường hợp người dân bán căn hộ cũ thuộc quyền sở hữu của mình cho chủ đầu tư để chuyển đến nơi khác ở thì được miễn các loại thuế liên quan đến mua bán căn hộ cũng như thuế thu nhập cá nhân (nếu có).

Kết luận về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh lưu ý, từ thực tế đối với quy định cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp, các cơ quan soạn thảo cần bổ sung chế tài đối với các trường hợp cố tình không thực hiện. Ông Khanh cũng đề nghị cần có biện pháp ưu tiên để ngoài việc chuyển tới nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ, thành phố cần ưu tiên cho họ trong việc mua nhà tái định cư cả về vị trí, diện tích.

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình