Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, tổng số công nhân khu công nghiệp đạt khoảng 7,2 triệu người.
Số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng 28% công nhân có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải đi thuê chỗ ở với điều kiện cơ sở vật chất, sinh hoạt không đảm bảo...
Mới chỉ đáp ứng được 28%
Hiện tình trạng nhiều công nhân ở các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành cả nước đang phải đi thuê nhà để ở, cùng với đó là điều kiện cơ sở vật chất kém, an ninh không bảo đảm đang là một “hồi chuông” đáng báo động. Điều này không chỉ khiến đời sống người công nhân không được nâng cao, mà còn khiến người công nhân không mặn mà với công việc mà mình vẫn hàng ngày làm việc.
Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp và một số doanh nghiệp chăm lo đời sống tốt cho người công nhân đã và đang tạo động lực để nhiều công nhân gắn bó với đơn vị, công ty mình đang làm hơn. Điển hình là Công ty Sam Sung Bắc Ninh. Hiện hàng nghìn công nhân, nhân viên đang làm việc tại đây đã được công ty hỗ trợ nhà ở với giá thuê chỉ 50.000 đồng/tháng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng, nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu, số còn lại vẫn phải đi thuê với điều kiện chật hẹp, vệ sinh, môi trường không đảm bảo, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu. Như vậy, số lượng nhà ở cần đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu cho công nhân tại các khu công nghiệp trên cả nước vẫn là rất lớn.
Được biết, nhiều doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp có quy mô lớn, như: Tổng Công ty Becamex Bình Dương đã hoàn thành đầu tư xây dựng trên 3.500 căn hộ tại Bình Dương. Tổng Công ty IDICO (Bộ Xây dựng) đã hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 1.100 căn hộ tại tỉnh Đồng Nai. Công ty Sam Sung – Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng khoảng 2.470 căn hộ tại khu công nghiệp Yên Bình 1, tỉnh Thái Nguyên để giải quyết chỗ ở cho khoảng 20.000 công nhân.
Tổng Công ty Vinaconex đã hoàn thành 1.100 căn hộ đáp ứng cho khoảng 5.500 công nhân tại khu công nghiệp Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Tổng Công ty cổ phần Viglacera đang là nhà đầu tư khu công nghiệp lớn nhất miền Bắc và lớn thứ 3 trên cả nước, sở hữu 10 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.580 ha và tại mỗi khu công nghiệp này Viglacera đều dành trên 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Cần chính sách để hút… vốn
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người cần có nhu cầu về nhà ở. Bằng nhiều nguồn khác nhau, mới chỉ có thể giải quyết được 8 - 10% trong số này - 1,5 triệu người còn lại phải đi thuê nhà dân để ở với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và tác động đến năng suất lao động.
Đến năm 2020, khoảng 4,2 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở và đây là bài toán nan giải đối với Chính phủ và các bộ, ngành. Trong khi đó, nguồn lực dành cho nhà ở xã hội (nhà ở cho người nghèo ở thành thị, nông thôn, nhà ở cho người có công với cách mạng, nhà thoát lũ) hiện chỉ có hơn 1.260 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang tiếp tục triển khai 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, với nguồn vốn hạn hẹp và tốc độ đầu tư xây dựng như hiện nay, chỉ một số khu công nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở cho công nhân.
Trước những khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng đã có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ, tạo điều kiện nhằm khuyến khích, thu hút nguồn vốn xã hội hóa tham gia phát triển phân khúc xây nhà ở công nhân. Trong đó, quan tâm nhất đến vấn đề bổ sung cơ chế, chính sách cho vay và sử dụng vốn ODA theo hướng bổ sung lĩnh vực xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên vay. Qua đó đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
Thiếu hụt nhà ở cho công nhân tại các KCN vẫn luôn là vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Đây cũng là mục tiêu trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động tại các KCN từ nay đến năm 2020 mà Chính phủ đã đề ra. Vì thế, trong thời gian tới cơ quan quản lý phải cần chính sách hỗ trợ mới để khuyến khích, thu hút nguồn vốn xã hội hóa tham gia phát triển phân khúc này.
DiaOcOnline.vn - Theo Giáo dục Thời đại
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: