Top

Dân bức xúc vì giải tỏa hành lang giao thông kiểu “răng lược”

Cập nhật 03/03/2018 08:22

Cho rằng chính quyền địa phương triển khai giải tỏa hành lang giao thông không hợp lý, nhiều hộ dân tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu, Nghệ An) bức xúc kiến nghị làm triệt để, công bằng.


Cùng vi phạm, nhưng có ki ốt bị yêu cầu tháo dỡ, ki ốt khác thì không? Ảnh: QĐ

Báo Lao Động nhận được phản ánh của một số hộ dân tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu, Nghệ An) phản ánh việc UBND xã này tổ chức giải tỏa hành lang giao thông không hợp lý, không công bằng.

Cụ thể, vào năm 1994, HĐND xã Diễn Thịnh ra nghị quyết, cho vài chục hộ dân thuê đất thuộc hành lang giao thông quốc lộ 1A để xây ki-ốt kinh doanh dịch vụ. Mỗi ki-ốt có chiều ngang bám quốc lộ khoảng 6m. Các hộ đã đăng ký, nộp tiền, xây dựng ki-ốt kinh doanh buôn bán.

Một số hộ đưa cả gia đình đến ki-ốt sinh sống; một số đã chuyển nhượng (bán trao tay) cho hộ khác. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chính quyền địa phương đã yêu cầu tất cả các ki-ốt phải đập lùi vào 3m, các hộ đã thực hiện nghiêm túc, bỏ chi phí để khắc phục.

“Chúng tôi vừa lùi ki-ốt vào, xã lại tuyên bố phải tự tháo dỡ, trả lại mặt bằng hành lang giao thông, nếu không thì sẽ cưỡng chế”, một hộ dân phản ánh.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả các ki-ốt xã cho thuê trái phép không bị yêu cầu tháo dỡ, mà chỉ những ki-ốt độc lập; còn các ki-ốt của các hộ có đất liền kề thì chưa phải tháo dỡ.

Như vậy, tình trạng “răng lược” sẽ xảy ra: Cùng là ki-ốt xây dựng trên đất được cho thuê trái phép, nhưng hộ thì phải đập bỏ, hộ thì không. Điều này dẫn đến mất mỹ quan, mất công bằng và không có tác dụng gì đối với tạo sự thông thoáng cho hành lang giao thông.

“Nếu làm đồng loạt thì chúng tôi nhất trí, còn làm như trên là không công bằng”, nhiều hộ dân nói.

Ông Hoàng Bá Ái – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh thừa nhận phản ánh, bức xúc của người dân là có cơ sở.

Tuy nhiên, ông Ái giải thích thêm là việc làm như trên đã được huyện Diễn Châu thống nhất. “Chúng tôi phân chia thành hai giai đoạn: Trước mắt giải tỏa những ki-ốt nằm độc lập trên đất hành lang, còn những ki-ốt có gắn với đất ở liền kề của các hộ thì sẽ giải tỏa sau khi làm rõ về diện tích, mốc giới thửa đất”, ông Ái nói.

Theo cán bộ này, năm 1994-1999, HĐND xã đã ban hành nghị quyết cho 43 hộ thuê đất hành lang an toàn giao thông để kinh doanh dịch vụ trong thời hạn 5 năm. Nhận thấy sự sai trái của nghị quyết nói trên, nhiều năm qua, UBND xã không thu tiền thuê đất của các hộ, và vào năm 2013 đã thông báo hết hạn cho thuê đất, yêu cầu các hộ tự tháo dỡ. Một số hộ đã thực hiện.

Một cán bộ UBND huyện Diễn Châu thừa nhận việc làm giải tỏa mặt bằng kiểu “răng lược” như trên là không đúng, không có tác dụng đối với hành lang giao thông. “Chúng tôi đã có chủ trương, đã làm là làm đồng loạt, để tạo hành lang thông thoáng”, vị này cho hay.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động