Việc sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) được kỳ vọng sẽ tháo những nút thắt để có thể triển khai hiệu quả nhiều dự án PPP.
Nhu cầu đầu tư hạ tầng tại Việt Nam vẫn rất cao, cần nhiều nhà đầu tư tham gia. Ảnh: THÀNH HOA |
Những nút thắt nào sẽ được gỡ?
Sau hai năm thực hiện, Nghị định 15 nói trên và Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã bộc lộ nhiều hạn chế dẫn đến dự án PPP đăng ký nhiều nhưng thực hiện được rất ít. Trong bài này, người viết không đề cập lại những hạn chế đó mà chỉ tập trung đề cập đến việc sửa đổi nghị định ra sao để thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP.
Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 15 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và đang lấy ý kiến góp ý có một số điểm mới phần nào có thể tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Một trong những điểm mới đáng chú ý là cơ chế thanh toán cho dự án BT (hay còn gọi là hình thức đổi đất lấy hạ tầng) sẽ được bổ sung một số hình thức thanh toán khác chứ không nhất thiết phải đổi bằng đất như trước. Cụ thể, ngoài phương thức thanh toán bằng quỹ đất như trước đây, dự thảo nghị định bổ sung phương thức thanh toán bằng quyền khai thác, kinh doanh một phần dịch vụ từ công trình. Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đề xuất thanh toán ngang giá hoặc bù trừ chênh lệch giữa giá trị của dự án BT với giá trị của dự án khác.
Thực tế cho thấy khi làm dự án BT, nhà đầu tư luôn nhắm đến đất ở các vị trí đẹp hay vẫn gọi là khu đất “vàng”, khi đất “vàng” ngày càng ít đi thì hình thức đổi đất không còn hấp dẫn nhà đầu tư. Chính vì thế việc thanh toán bằng nhiều hình thức khác nhau sẽ giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn. Ví dụ, các nhà đầu tư dự án giao thông khi làm theo hình thức BT có thể khai thác các bảng quảng cáo dọc đường hoặc các trạm dừng nghỉ…
Theo ông Trần Việt Dũng, Chánh văn phòng hợp tác công - tư, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dự thảo nghị định đã đề xuất sửa đổi theo hướng mở để tùy từng trường hợp cụ thể, các nhà đầu tư dự án BT có thể được thanh toán qua việc khai thác tài nguyên, treo bảng quảng cáo, hoặc sử dụng một phần diện tích trong công trình dự án...
Đối với các dự án hạ tầng giao thông, cần bổ sung quy định có thể kết hợp giữa hình thức BOT và BT hoặc kết hợp giữa nhiều hình thức để khắc phục tình trạng khó hoàn vốn khi thực hiện BOT. Như vậy thời gian thu phí hoàn vốn sẽ ngắn lại, người dân sẽ dễ chấp nhận hơn.
Về quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BT, dự thảo nghị định đưa ra hai trường hợp nhằm giải quyết tối đa những hạn chế trong việc chọn nhà đầu tư. Trường hợp 1 khi chỉ có một nhà đầu tư quan tâm và đáp ứng các tiêu chí sơ bộ, khi đó sẽ thực hiện theo quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư. Trường hợp 2 khi có hai nhà đầu tư tham gia, sẽ thực hiện quy trình đấu thầu với tiêu chuẩn đánh giá không nghiêng về hướng khai thác địa tô cao nhất từ đất mà hướng tới các ràng buộc để thực hiện dự án hiệu quả nhất.
Đối với phần vốn góp của Nhà nước tham gia vào dự án PPP, dự thảo nghị định sửa đổi theo hướng bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, vốn góp của Nhà nước vào dự án thì được bổ sung thêm nguồn vốn là giá trị tài sản công, quyền khai thác tài sản công.
Về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, so với Nghị định 15, dự thảo nghị định này nâng tỷ lệ đối với dự án lớn. Cụ thể, đối với dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 1.500 tỉ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư (quy định hiện nay là 15%). Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ Giao thông Vận tải), cho rằng việc tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư như dự thảo nghị định là rất cần thiết vì các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông thường có tổng vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài nên việc nâng tỷ lệ vốn tối thiểu lên 20% sẽ đảm bảo lựa chọn được những nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, loại bỏ được những nhà đầu tư làm dự án kiểu “tay không bắt giặc” như thời gian qua.
Ngoài ra, để ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư được lựa chọn qua đấu thầu dự án PPP, hạn chế việc mượn danh đấu thầu, chuyển nhượng dự án, dẫn đến chậm tiến độ và nhiều hệ lụy khác, dự thảo nghị định đề xuất nhà đầu tư chỉ được phép chuyển nhượng dự án cho bên cho vay hoặc nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành xây dựng công trình hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành.
Để PPP thực sự hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân
Theo các nhà đầu tư, để hình thức đầu tư PPP thật sự hấp dẫn thì nghị định mới phải tách bạch được việc quản lý giữa phần tư nhân và phần nhà nước. Giám đốc một doanh nghiệp trước đây đã từng rút khỏi dự án PPP (đề nghị không nêu tên) kể rằng khi doanh nghiệp ông đề xuất một dự án PPP thì phải qua rất nhiều khâu, nhiều cấp phê duyệt, thời gian chờ đợi kéo dài hàng năm. Việc quản lý cũng áp dụng giống như đầu tư công nên rất nhiêu khê.
Vị giám đốc này góp ý khi thực hiện dự án PPP, việc phê duyệt qua nhiều cấp chỉ nên áp dụng đối với phần vốn nhà nước thực hiện, còn phần vốn tư nhân thực hiện chỉ cần qua một cấp là được, nếu qua nhiều cấp phê duyệt nhà đầu tư sẽ rất ngại. “Khi nhà đầu tư bỏ vốn ra thì không thể áp dụng các thủ tục như đầu tư công mà phải tạo thuận lợi thông thoáng như nhà đầu tư nước ngoài”, vị này nói.
Có ý kiến cho rằng về việc đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, cần bổ sung quy định có thể kết hợp giữa hình thức BOT và BT hoặc kết hợp giữa nhiều hình thức để khắc phục tình trạng khó hoàn vốn khi thực hiện BOT. Khi kết hợp nhiều hình thức hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn sẽ ngắn lại, người dân sẽ dễ chấp nhận hơn.
Năm 2017, nhiều nhà đầu tư đã gửi kiến nghị lên Chính phủ đề nghị sửa đổi Nghị định 15, trong đó cần quy định thời gian cụ thể từ khi đề xuất đến khi duyệt dự án. Ví dụ, UBND cấp thành phố (tỉnh) phải ra công văn chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư lập dự án sau 30 ngày kể từ ngày nhà đầu tư có hồ sơ báo cáo đề xuất dự án sơ bộ. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhà đầu tư trình hồ sơ dự án lên sở kế hoạch và đầu tư, UBND cấp thành phố (tỉnh) phải phê duyệt dự án.
Theo các nhà đầu tư, quy định thời gian cụ thể như vậy vào nghị định mới để các nhà đầu tư cũng như cơ quan nhà nước có cơ sở thực hiện, tránh việc kéo dài thời gian vì có những dự án bị “giam” quá lâu khiến nhà đầu tư nản lòng. Khi dự án bị chờ quá lâu sẽ làm lỡ kế hoạch của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng loại hình dự án PPP là mời gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia vào dự án chứ không phải là cho hay không cho nhà đầu tư tham gia dự án. Chính vì thế, nghị định mới cần đưa ra các quy định phù hợp với điều kiện thực tế, đơn giản hóa nhiều thủ tục, đồng thời vẫn quản lý chặt chẽ quá trình lựa chọn nhà đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: