TPHCM có khoảng 120.000 ha đất nông nghiệp, nhưng trong quá trình đô thị hoá, từ năm 2000 đến nay đã có hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp biến thành đất ở, đất chuyên dùng. Nông dân bán đất với một khoản tiền quá lớn nhưng không phải ai cũng sử dụng đồng tiền này một cách hiệu quả.
Bán đất: người được, người mất
Ông Mai Văn Thọ ở phường Linh Đông, quận Thủ Đức, dẫn tôi dạo quanh căn nhà khang trang vừa mới xây được từ tiền bán đất. Ông cho biết, gia đình ông lâu nay sống nhờ mảnh vườn trồng cây ăn quả và trồng lúa. Nhưng thu nhập ngày càng thấp do những năm gần đây môi trường thay đổi, năng suất thu hoạch bấp bênh, căn nhà đang ở đã xuống cấp, vì vậy khi có người hỏi mua đất được giá là bán ngay.
Bán 600 m2 đất được khoảng 700 triệu đồng, ông Thọ dùng một phần để xây dựng lại căn nhà của mình, số ít còn lại cho các con. Trong cơn lốc đô thị hoá, không chỉ gia đình ông Thọ bán đất mà các gia đình hàng xóm của ông đều như vậy. Gia đình ở cạnh nhà ông Thọ cũng đã bán khu vườn 2.500 m2 được 50 cây vàng rồi mua một căn nhà nhỏ ở quận 9 để ở, số còn lại gửi ngân hàng để lấy lãi hàng tháng.
Phần lớn nông dân ở các quận ven và huyện ngoại thành sau khi bán đất thì sử dụng tiền để sửa sang nhà cửa hoặc mua nhà khác, số còn lại chia cho các con. Tuy nhiên, số người biết sử dụng số vốn này để đầu tư làm kinh tế một cách căn cơ và hiệu quả không nhiều.
Có những trường hợp bán đất xong chi tiêu không có kế hoạch, lãng phí, thậm chí sinh tật ăn chơi, vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn đã lâm vào cảnh làm thuê kiếm sống qua ngày. Tệ hơn, nhiều người không còn nhà cửa. Một người dân ở phường Tam Bình cho biết, có người trong xóm bán đất nắm tiền tỷ trong tay nhưng đến nay phải đi cắt thuê rau muống kiếm từng đồng sống qua ngày.
Định hướng làm ăn: không dễ
Ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ Phòng Kinh tế quận 9, cho biết: Để giúp các nông dân sau khi bị mất đất có công ăn việc làm ổn định, quận đã mở một số chương trình tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, bò sữa, trồng cây cảnh và cá cảnh… Như hộ ông Ba Phép, Tư Hoa ở phường Long Thạnh Mỹ khá lên nhờ nuôi cá kiểng, chăn nuôi vịt, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, không phải muốn hỗ trợ là được.
Một cán bộ UBND phường Long Thạnh Mỹ cho biết, vừa qua Khu công nghệ cao có chủ trương tuyển dụng con em trên địa bàn bị thu hồi đất để đào tạo giải quyết việc làm. Tổng số hồ sơ của toàn phường nộp vô khoảng 300 bộ nhưng chỉ có 30 hồ sơ đủ điều kiện (tốt nghiệp THPT). Thời gian qua, nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ khi nông dân bị mất đất, nhưng cũng chỉ mới dừng lại cho những người dân có đất trong các dự án bị giải tỏa, còn những nông dân tự ý bán đất để lấy tiền thì chính quyền dường như không can thiệp được.
Một cán bộ phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức cho biết: Tại địa phương, có những hộ dân bán đất rất nhiều tiền, thiếu kế hoạch sử dụng đồng tiền, chi xài lãng phí nhưng chính quyền địa phương không thể góp ý hay can thiệp vì đó là quyền và chuyện riêng tư của cá nhân. Một cán bộ ở một phường nọ đã bị một người dân mắng té tát vì đã có ý nhắc nhở hộ này tìm cách sử dụng đồng vốn cho có hiệu quả khi bán đất. Sau vụ việc này chẳng còn ai dám nghĩ đến chuyện “tư vấn” sử dụng vốn khi người dân bán đất.
Nông dân bán đất, mất đất do bị thu hồi để thực hiện dự án đã đi về đâu, làm gì? Vẫn chưa có một điều tra xã hội học thật cụ thể. Không ít trong số này có cuộc sống không ổn định bằng trước đó. TP và chính quyền các quận - huyện đã có những nỗ lực nhằm ổn định đời sống người dân khi không còn đất để sản xuất nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Hơn ai hết, mỗi nông dân phải lập kế hoạch riêng cho mình khi có tiền nhưng đất không còn nữa.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: