Top

Nợ xấu bất động sản khoảng 3%

Cập nhật 18/08/2011 10:50

Nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 3% tổng dư nợ lĩnh vực này, trong đó, đáng chú ý là nợ thuộc nhóm 5 khoảng 40%.

Ảnh: Getty

Thông tin trên được TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia đề cập tại hội thảo “Tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách”, được tổ chức sáng nay (18/8).

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, dư nợ bất động sản đến tháng 6/2011 khoảng 245 nghìn tỷ đồng, tương đương với 10% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong bối cảnh thị trường này khá ảm đạm, nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 3% tổng dư nợ lĩnh vực này, trong đó, đáng chú ý là nợ thuộc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) khoảng 40%.

Cũng theo ông Nghĩa, tín dụng bất động sản khá tập trung vào hai thị trường Tp.HCM và Hà Nội với tỷ lệ tương ứng là 45% và 18% tổng dư nợ bất động sản.

Một thông tin đáng chú ý khác cũng được ông Nghĩa đề cập trong bài phát biểu, liên quan đến dòng tiền đang thay đổi với thị trường này. Cùng với tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp trong năm nay, 6 tháng đầu năm mới tăng 3,06%, đi kèm là các hạn chế hành chính như hạn mức tín dụng nói chung và tín dụng bất động sản nói riêng, dòng đầu tư từ bên ngoài vào thị trường này cũng thay đổi rất nhanh.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản giảm mạnh, vốn đăng ký từ mức 26,6 tỷ USD năm 2008 xuống 6,84 tỷ USD năm 2010 và 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 305 triệu USD.

Ngược lại, ông Nghĩa cho biết, lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản đang tăng. Theo điều tra 4.000 hộ nhận kiều hối, có tới 52% kiều hối được đầu tư vào bất động sản, số còn lại gửi tiết kiệm và tiêu dùng.

Đề cập đến rủi ro của bất động sản với ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý đặc điểm tín dụng bất động sản Việt Nam tập trung ở các ngân hàng nhỏ, một số ngân hàng có tỷ trọng dư nợ bất động sản chiếm tới 30-40%.

“Tỷ lệ này cao đáng lo ngại”, ông Nghĩa cho hay.

Trong khi đó, tín dụng bất động sản cũng gắn với các cổ đông lớn của ngân hàng. Ông Nghĩa cho rằng: “Cho vay nội bộ là rủi ro lớn nhất”.

Về phía các ngân hàng, theo ông Nghĩa việc quản lý rủi ro đối với bất động sản khá yếu kém, hệ số rủi ro 250% cũng không ngăn ngừa được rủi ro này và việc định giá bất động sản thấp với tỷ lệ 50-70% chỉ có tác dụng phòng ngừa nhất định trong điều kiện bình thường.

“Biến động trên thị trường bất động sản chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính”, tân Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoại cho hay.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nghĩa cho rằng cùng với diễn biến trên thị trường bất động sản gần đây, giá cổ phiếu có giai đoạn giảm rất mạnh, giá trị giao dịch cũng giảm và thanh khoản cạn kiệt.

Trong dòng chảy này, cổ phiếu bất động sản giảm 70% (58 cổ phiếu), đi theo là lợi nhuận kinh doanh bất động sản giảm mạnh, giao dịch không đáng kể.

DiaOcOnline.vn - Theo NDH Money