Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng chục công trình lớn nhỏ được xây dựng dở dang rồi bỏ hoang nhiều năm trời, đang hư hỏng, gây lãng phí lớn và làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị...
Một ngôi nhà 6 tầng với tổng diện tích mặt sàn gần 3.000m2 đứng sừng sững như một trái núi ngay sát ngã tư phố Đội Cấn - Văn Cao - Liễu Giai (thuộc địa bàn phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội). Một số người dân ở đây cho biết, ngôi nhà này được khởi công xây dựng từ gần chục năm nay với mục đích để làm siêu thị. Nhưng không hiểu sao, khi công trình mới được thi công xong phần thô thì đã bị đình lại, và kể từ đó, nó gần như đã bị lãng quên, mặc dù, số vốn đầu tư vào đó cũng lên tới hàng tỷ đồng. Suốt bao năm đứng nhìn trời, hứng mưa, chịu nắng, công trình này đang dần bị hư hại. Cách đây vài năm, UBND quận Ba Đình đã khai thác tầng 1 và khoảng sân của khu nhà để làm chợ Cống Vị, còn từ tầng 2 trở lên thì vẫn bỏ hoang.
Tương tự như vậy là tình cảnh của một dự án xây dựng nhà chung cư nằm ven tuyến đường Hồng Hà (thuộc địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội). Khu nhà này có diện tích mặt sàn mỗi tầng gần 2.000m2, và Công ty xây dựng Hà Nội khởi công xây dựng từ năm 2001. Nhưng khi khu nhà đã được đổ bê tông mái tầng 1 và một phần mái của tầng 2 với số kinh phí đã đầu tư vào đó gần 10 tỷ đồng thì vấp phải sự phản đối quyết liệt của cơ quan quản lý đê điều thuộc Bộ NN&PTNT với lý do: Công trình này đã xâm phạm hành lang bảo vệ đê. Vậy là công trình đã phải ngừng thi công (ảnh). Kể từ đó đến nay đã có nhiều cuộc họp, bàn thảo ở cấp quận và thành phố nhưng vẫn chưa tìm ra cách nào để giải quyết thỏa đáng.
Nhiều công trình giao thông trên địa bàn thành phố cũng đã ở trong tình trạng bị “mang con bỏ chợ”, nhất là những tuyến đường giao thông, đường nội bộ trong các khu đô thị mới. Bởi đối với những dự án này thì thường là người ta làm đường trước rồi mới xây dựng các công trình hạ tầng sau. Nhưng ở nhiều nơi, đường đã làm xong từ 3 - 4 năm mà các công trình hạ tầng vẫn chưa được xây dựng, đồng nghĩa với việc tuyến đường được đầu tư xây dựng rất khang trang nhưng mãi không được sử dụng và bảo quản nên lại nhanh chóng bị xuống cấp. Mặt đường võng lún từng đoạn, vỉa hè bong tróc, cỏ mọc um tùm. Nhiều đoạn đường đã trở thành bãi đổ phế thải, rác thải...!
Thiết nghĩ, các công trình nêu trên dẫu được làm bằng bất cứ nguồn vốn nào thì đó cũng là tài sản của nhà nước và nhân dân, mọi sự lãng phí đều cần được ngăn chặn và khắc phục. Các nhà quản lý cũng cần rút kinh nghiệm trong việc quy hoạch đô thị, phê duyệt dự án, thiết kế và cấp phép xây dựng. Nếu các phần việc này được thực hiện một cách cẩn thận trên cơ sở có cân nhắc thấu đáo, thì đã không có hàng loạt các công trình lớn được xây dựng rồi phải đình chỉ hoặc đã xây dựng xong nhưng lại bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: