648 khu đất công đang nằm ngoài sổ sách, chính quyền bỏ ngân sách mua lại hàng chục nghìn căn hộ và nền đất phục vụ tái định cư nhưng đến nay bỏ hoang. Hàng trăm khu đất lớn do các tổng công ty và công ty vốn nhà nước quản lý để cho cỏ dại mọc hoặc sử dụng sai mục đích. Đó là câu chuyện dài kỳ và là bức xúc được công khai tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM.
Khu vực dự án Phước Kiển (Nhà Bè, TP.HCM) 32ha đất công sản đã được bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá "bèo". |
Rẻ như thuê đất công Hiện nay, mức giá của nhiều đơn vị có chức năng quản lý và cho thuê nhà, đất công đang biểu hiện sự tùy tiện. Cụ thể, có nơi tính theo giá thị trường, đấu giá quyền thuê mặt bằng nhưng có nơi vẫn còn áp theo giá thuê theo một quyết định của UBND TP.HCM từ 24 năm trước (QĐ số 3346/QĐ-UBND năm 1994). Thành thử giá cho thuê rẻ giống như cho. Cụ thể, HTX TM-DV phường Bến Nghé - Cửa hàng vật tư ngành ảnh thuê tại số 97 (trệt) đường Mạc Thị Bưởi phường Bến Nghé, quận 1, diện tích cho thuê 12,25m2 ký hợp đồng từ năm 1985 đến nay, giá cho thuê hiện nay là 4,81triệu đồng/tháng. Trường hợp khác là HTX TMDV phường Bến Nghé – Cửa hàng thực phẩm tươi sống thuê mặt bằng tại số 92 Tôn Thất Đạm phường Bến Nghé, quận 1, diện tích cho thuê 15,63m2, giá cho thuê là 4,47 triệu đồng/tháng hay Viện Khoa học an toàn, vệ sinh lao động thuộc Sở LĐ - TBXH TP HCM thuê 895m2 đất (tại số 160, đường 14, phường Phước Bình, quận 9) với giá thuê là 28.000 đồng/m2/năm. |
Cụ thể, theo báo cáo giám sát của HĐND TP HCM, qua kiểm tra 346 khu đất do 10 tổng công ty, công ty có vốn nhà nước quản lý, sử dụng như: Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Bò sữa, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV và Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist… Kết quả phát hiện tới 112/346 khu đất sử dụng không đúng như báo cáo. Các doanh nghiệp đang quản lý đã cho thuê lại hoặc bỏ trống nhưng vẫn kê khai là đất đang sử dụng vào mục đích hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Nổi cộm nhất là hơn 220 ha đất tại Nông trường Láng Le (huyện Bình Chánh) hoang hóa như vô chủ nhiều năm qua. Hiện nay chỗ thì bỏ hoang, nơi để người dân tận dụng trồng hoa màu. Nguyên nhân nông trường này đã giải thể từ năm 2016 nhưng đến giờ này vẫn chưa có quyết định thu hồi đất, chưa đo đạc diện tích để thu hồi giao lại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá. Chỉ tính riêng quận 8, có tới 3 dự án với tổng diện tích hàng chục nghìn m2 đã thu hồi bồi thường xong rồi bỏ hoang, nhiều nơi thành bãi chứa rác, ô nhiễm cả khu dân cư.
Qua kiểm tra giám sát, HĐND TP HCM còn những phát hiện nhiều số liệu bất ngờ khác: Có 648 khu đất công chưa được kê khai, bổ sung cập nhật biến động vào danh sách, dù các cơ quan, công ty vốn nhà nước báo cáo “đã cơ bản hoàn thành việc xử lý sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước”. 648 khu đất này nằm rải rác ở 8 quận huyện gồm các quận: 2, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi.
Đáng lo ngại nữa, không ít địa chỉ nhà do nhà nước quản lý bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại, liên doanh liên kết không đúng thẩm quyền. HĐND TP HCM còn phát hiện đến 149 địa chỉ nhà đất công rơi vào tay người khác sử dụng, dù trên giấy tờ thuộc Sở NN&PTNT quản lý.
Mười năm trước, Chính phủ đã có chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do cơ quan, đơn vị, tổ chức, công ty nhà nước Trung ương và địa phương (TP HCM) đang quản lý, sử dụng. Chương trình này giao cho Bộ Tài chính và UBND TP HCM chủ trì. Đến nay, vẫn còn 41 địa chỉ nhà đất chưa thu hồi, trong đó khối Trung ương là 13 địa chỉ nhưng có tổng diện tích lên đến gần 16ha, khối thành phố còn 28 địa chỉ với tổng diện tích gần 6ha. Nhiều vị trí đất có giá trị lớn như: khu đất hơn 1,2 ha do Công ty cổ phần phân bón Miền Nam quản lý (phường An Lạc, quận Bình Tân), khu đất 5,8 ha Đài Phát sóng Quán Tre (phường Đông Hưng Thuận, quận 12). Có một thực tế, HĐND TP HCM muốn đẩy nhanh tiến độ thu hồi, điều này không hề dễ dàng với những khu đất vàng trên?
Một đại biểu HĐND TP HCM đã phải lấy hình ảnh bệnh viện và trường học trong thành phố để so sánh với thực trạng quản lý sử dụng đất công hiện nay, để làm bật lên sự bất hợp lý: Nhiều nhà đất công bỏ không, lợi nhuận không vào ngân sách nhưng vào túi riêng cá nhân, tổ chức. Trong khi đó nhiều trường học chật hẹp, thiếu đất làm bệnh viện… Một sự thật nhiều vị đắng!
Bỏ tiền ngân sách mua đất rồi để hoang
Cũng hơn 10 năm trước, một chủ trương lớn của thành phố là dùng tiền ngân sách đầu tư hoặc mua lại căn hộ và nền đất phục vụ việc giải tỏa, di dời và tái định cư. Cụ thể, giai đoạn từ 2006-2017, TP HCM đã dùng ngân sách đầu tư và mua lại 38.251 căn hộ và nền đất (trong đó có 23.568 căn hộ và 14.683 nền đất) để phục vụ tái định cư. Căn hộ và nền đất trên tập trung ở các khu tái định cư như Thạnh Mỹ Lợi, khu 38,4 ha Bình Khánh (quận 2), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh)... Tuy nhiên tới giờ này còn gần 14.000 căn hộ và nền đất (chiếm 35%) vẫn để không. Nhiều khu vực hàng ngàn căn chung cư đã xuống cấp, hoang hóa vì không người ở. Nhiều căn hộ chung cư đã hoàn thành tính đến nay gần 15 năm nhưng không hề có một bóng người sinh sống.
Điển hình là Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) sau nhiều năm chậm tiến độ dự án trên đã trượt giá gần gấp đôi (tăng thêm 519 tỉ đồng - 195,7%) so với tổng vốn đầu tư ban đầu. Thế nhưng 7 năm sau khi hoàn thành, hiện dự án này cũng chỉ mới bố trí được 479/1939 căn hộ (tỷ lệ chỉ hơn 24%).Thiệt đơn thiệt kép.
Bên cạnh tình trạng đất công ở những mặt đường trung tâm quận 1 được xếp hạng “kim cương” nhưng lại bị cho thuê với giá “như cho” đến mức khó tưởng tượng. Cá biệt, có khu đất chỉ cho thuê với giá mỗi mét vuông 28.000 đồng/năm, chưa đủ mua một tô phở lề đường.
Không phải cá biệt, một số UBND quận, huyện đã giao một số địa chỉ nhà, đất thuộc thẩm quyền quản lý của mình cho cơ quan cấp dưới (không có chức năng cho thuê) ký hợp đồng với các đơn vị kinh tế để cho thuê. Cụ thể, quận 10 (UBND phường ký hợp đồng cho thuê), quận 8 (Văn phòng HĐND và UBND quận ký hợp đồng cho thuê)...
Ngược lại, đối với đơn vị có chức năng cho thuê nhà đất thì lại chây ì nộp lại tiền cho ngân sách nhà nước. Điển hình, Công ty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố hiện đang bị nợ hơn 73 tỉ đồng do người dân thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước chưa trả.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: