Với những bất cập bắt nguồn từ ban hành chính sách đến thực hiện các chính sách, quy định về đất đai, nhiều người dân đã không có điều kiện để được cầm “sổ đỏ", thậm chí cả với diện tích đất do cha ông để lại, trong khi nhiều người khác lại không "thèm" đến lấy "sổ đỏ".
Sáng nay (19/11), Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP) tổ chức Hội thảo “thực trạng và những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (QSDĐ)”.
Đây là kết quả từ quá trình thực hiện Dự án để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ (“sổ đỏ”) cho người dân ở vùng nông thôn thông qua vận động chính sách, tư vấn pháp luật, thực hiện đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi do VUJUSAP thực hiện .
Hội thảo “thực trạng và những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất”
|
ĐB Bùi Văn Xuyền – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, Luật đất đai 2013 có nhiều quy định tạo thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân sử dụng QSDĐ của mình để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Song thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần thực hiện để triển khai Luật và vấn đề khó nhất là cấp “sổ đỏ” ở nông thôn do những hậu quả từ thực tiễn quản lý đất đai trong thời gian dài và những quy định về thủ tục, hạn mức sở hữu đất...
Hiện vẫn còn nhiều tranh chấp đất đai không bao giờ được giải quyết nên các chủ thể tranh chấp đều không được cấp “sổ đỏ”. Như phản ánh của ông Huỳnh Xuân – Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo, dân tộc thiểu số thuộc VUJUSAP tại Phú Yên, bất cập trong cấp “sổ đỏ” xuất phát từ việc trước đây chính quyền chỉ giao quyết định giao đất mà không giao sổ đỏ nên bây giờ giao “sổ đỏ” thì chênh lệch giá đất giữa hai thời điểm quá cao nên người dân không đi lấy “sổ đỏ”. Thậm chí, có trường hợp, cấp đất có thu tiền cho người dân nhưng sau này lại thu hồi quyết định giao đất rồi lại bán đấu giá, khiến dân khiếu kiện.
Ngay tại Hà Nội cũng có nhiều bất cập dẫn đến tồn đọng việc cấp “sổ đỏ” ở nông thôn. Hậu quả là người được cấp sổ không "mặn mà", còn “các hộ nghèo không có “sổ đỏ” thế chấp, vay tín dụng làm kinh tế do đó hộ nghèo càng nghèo thêm” – ông Chu Văn Hệ, UBND xã Cổ Loa, Đông Anh cho biết.
Ông Chu Văn Hệ (UBND xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) cho biết "người dân chưa "mặn mà" với "sổ đỏ" vì không đủ tiền đóng thuế
Nguyên nhân theo ông Hệ, căn cứ Luật 2013 các phần thuế phải nộp để được cấp “sổ đỏ” là quá cao (50-100%) so với điều kiện kinh tế của người dân ở nông thôn, mặc dù các thửa đất đã ở ổn định đúng vùng quy hoạch của địa phương nên người dân không đủ điều kiện để được nhận sổ. Hoặc nhận sổ nhưng bị "phê" nợ thuế cũng không làm gì được thì "cấp vậy cũng bằng không" - ông Hệ nhận xét.
Giải thích thêm nguyên nhân, đại diện lãnh đạo Cục Công sản, Bộ Tài chính cho rằng, tình trạng người dân không nhận “sổ đỏ” không hẳn vì vấn đề tài chính, mà vì không đồng tình với việc chỉ được cấp sổ cho một phần diện tích mà họ thực tế đang sử dụng do hạn mức đất, phần còn lại phải nộp thuế cao…
Do đó, bà Tạ Thị Minh Lý – Chủ tịch VUJUSAP nhấn mạnh, tỷ lệ khiếu kiện cao về đất đai, trong đó có liên quan đến cả việc cấp "sổ đỏ" hiện nay là mất mát lớn cho người dân và xã hội. Do đó, “đất không chân”, không tự dịch chuyển nên cơ quan chức năng phải tính toán khi quy hoạch, quản lý đất đai, tháo gỡ bất cập trong quản lý đất đai, không để dân phải khiếu kiện.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật VN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: