Top

Nhìn lại gần 1 năm phá băng thị trường bất động sản

Cập nhật 20/12/2013 14:25

Sau gần 1 năm nỗ lực “phá băng” thị trường bất động sản (BĐS) theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, thị trường bất động sản đã có bước chuyển biến khi nhiều dự án được khởi động trở lại và nhu cầu tăng dần.


Đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Bộ Xây dựng cho biết, sau những bước khởi động chậm chạp hồi đầu năm 2013, tới nay, thị trường BĐS đã có bước chuyển biến tích cực.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, bước chuyển đáng ghi nhận của thị trường BĐS trong năm 2013 là sự thay đổi trong tư duy của các chủ đầu tư dự án về phân khúc nhà ở xã hội.

Thay vì những căn hộ cao cấp, giá bán cao, doanh nghiệp đã tập trung chủ yếu vào xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ hơn, giá bán thấp hơn, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân.

Về tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm này, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 1.256 khách hàng, tổng số tiền 1.562 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng 470,8 tỷ đồng.

Cụ thể, các ngân hàng đã cam kết cho 1.246 khách hàng cá nhân vay, với tổng số tiền 452,1 tỷ đồng; đã giải ngân cho 1.231 khách hàng, với dư nợ 294,7 tỷ đồng. Khách hàng là doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại có 10 doanh nghiệp được vay, với số tiền cam kết 1.110 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 5 doanh nghiệp với số tiền 176,07 tỷ đồng.

Dự báo tình hình giải ngân gói tín dụng trong năm 2014, ông Vũ Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, khả năng giải ngân sẽ tăng mạnh khi các dự án được khởi công trong năm 2013 có thể bán đến tay khách hàng, bởi theo quy định hiện hành, ngân hàng chỉ giải ngân cho khách hàng khi có hợp đồng mua bán căn hộ giữa chủ đầu tư với khách hàng.

Tổng hợp tình hình triển khai việc phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng cho biết, hiện nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, nhưng bước đầu đã vào nhịp, khi một số chủ đầu tư dự án đã bắt đầu xét duyệt, ký hợp đồng bán nhà (Viglacera, Vinaconex, Sông Đà, Becamex IDC Corp, IDICO...). Chính phủ mới ban hành Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Nhà nước và quy trình thủ tục rõ ràng hơn; điều kiện xác định đối tượng thông thoáng hơn. Bộ Xây dựng sẽ cùng UBND các thành phố lớn tiếp tục triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị định 188/2013/NĐ-CP về quản lý nhà ở xã hội. Lúc đó, chắc chắn nguồn cung sẽ tăng mạnh hơn, góp phần điều hòa giá bất động sản trên thị trường.

Tính đến thời điểm này, tại TP. Hà Nội, UBND Thành phố đã chấp thuận cho phép khởi công 14 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 12,9 ha, quy mô 1,24 triệu m2, với 15.412 căn hộ. Trong đó, 6 dự án đã hoàn thành và đã bán trên 3.100 căn hộ. Hiện có 8 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng, với quy mô khoảng 12.300 căn hộ, trong đó, Dự án Đặng Xá của Viglacera sẽ được bàn giao trước Tết Nguyên đán, với mức giá thấp nhất là 310 triệu đồng/căn hộ (đã bao gồm VAT).

Tại TP.HCM, địa phương đã chấp thuận đầu tư 25 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 83,7 ha để xây dựng khoảng 21.750 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích sàn xây dựng 1.754.360 m2. Trong đó, có 20 dự án nhà ở xã hội có nguồn gốc đất là đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, với tổng diện tích đất 73,162 ha, dự kiến đầu tư khoảng 16.000 căn nhà ở xã hội, tổng mức đầu tư 10.470 tỷ đồng. Ngoài ra, có 5 dự án sử dụng quỹ đất do doanh nghiệp tự bồi thường giải phóng mặt bằng (theo quy định tại Quyết định 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tường Chính phủ), tổng diện tích đất 10,54 ha, quy mô khoảng 5.800 căn hộ.

Ngoài ra, hiện có 15 dự án trên địa bàn Hà Nội và 26 dự án trên địa bàn TP.HCM xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội đang được xem xét làm thủ tục chuyển đổi. Trong năm 2014, các dự án này sẽ tạo nên một trào lưu mới trong việc tìm kiếm nhà ở của người dân. Những người có mức thu nhập trung bình như công nhân khu công nghiệp, người nghèo đô thị, viên chức nhà nước... có hy vọng sở hữu căn hộ, dù có thể phải trả góp trong nhiều năm.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư