Top

Nhà thuộc sở hữu nhà nước ở Hà Nội: Không mua cũng chẳng mất

Cập nhật 20/12/2013 13:33

Thành phố đang “nợ” người dân quy trình mới thực hiện việc bán nhà theo Nghị định 34 (thay thế Nghị định 61 về bán nhà sở hữu nhà nước ); Số tiền “nợ” của người dân đã ký hợp đồng mua nhà lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng họ cũng chẳng buồn đi nộp tiền... Đây là một vài nét chấm phá trong bức tranh mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội.

Người dân vẫn có thể ký hợp đồng thuê nếu không mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Ảnh: Chí Cường.

Trên 25.000 hồ sơ xin mua

Ngày 18/12, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày “khóa sổ” bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo nghị định 61/NĐ-CP (ngày 5/6/2013), các đơn vị đã có báo cáo số liệu chốt 25.601 hồ sơ. Cụ thể, Công ty TNHH Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã tiếp nhận 9.911 hồ sơ. Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) tiếp nhận 4.743 hồ sơ…

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng, sau khi Bộ Xây dựng có Thông tư số 14/TT-BXD hướng dẫn thực hiện việc bán nhà theo Nghị định 34/NĐ-CP, Sở Xây dựng phải dự thảo, trình UBND thành phố ban hành quy trình bán nhà mới trên địa bàn Hà Nội. Vì thế trong thời gian “chuyển tiếp” chờ quy trình mới, Sở đã kiến nghị và được UBND thành phố chấp thuận một số giải pháp để xử lý số hồ sơ xin mua nhà các đơn vị đã tiếp nhận trước ngày 6/6/2013.

Theo đó, đối với các hồ sơ mua nhà đã ký hợp đồng mua bán nhà trước ngày 6/6 nhưng chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, các đơn vị thông báo cho người mua nhà được biết để có đơn đề nghị được gia hạn hợp đồng mua bán và nộp tiền mua nhà.

Người dân không mặn mà

Theo ông Hoàng Tú (Trưởng ban 61 - Sở Xây dựng Hà Nội), thời điểm chuẩn bị chốt sổ mua bán nhà theo quy định cũ, người dân nườm nượp đến nộp hồ sơ, cán bộ các đơn vị tiếp nhận hồ sơ phải làm việc đến tận đêm khuya. Tuy nhiên, sau khi đã nộp được hồ sơ, một số người dân lại “dửng dưng” trong việc nộp tiền vào ngân sách nhà nước (những trường hợp đã ký hợp đồng mua nhà). Ông Tú cho rằng, hiện không có chế tài nào cho việc đã ký hợp đồng mua nhà nhưng không đóng tiền. Hơn thế, nếu người dân không mua vẫn được ký hợp đồng thuê nhà nên nhiều người không sốt sắng trong việc được sở hữu căn hộ mình đang ở.

Đối với hồ sơ chưa ký hợp đồng mua bán nhà, nếu hồ sơ mua đủ điều kiện được bán, các đơn vị tổ chức thụ lý hồ sơ (đo vẽ, tính giá bán) theo quy định và lập danh sách, gửi kèm theo hồ sơ báo cáo Sở Xây dựng.

Các trường hợp không đủ điều kiện mua nhà và các hồ sơ nộp sau ngày 6/6 (thời điểm Nghị định 34 có hiệu lực) sẽ được thực hiện theo Quyết định của UBND thành phố ban hành Quy định về tiếp nhận nhà ở cơ quan tự quản, bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 34.

Hàng chục nghìn căn hộ sẽ ký hợp đồng giá mới

Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, trong số trên 25.000 hồ sơ đã chốt ở trên, số hồ sơ do UBND các quận, huyện, thị xã tiếp nhận là 10.947 trường hợp. Trong đó, phần lớn hồ sơ nằm ở các quận nội thành Hà Nội và một số huyện giáp ranh: quận Hoàng Mai tiếp nhận với 2.250 hồ sơ, quận Hai Bà Trưng nhận 1.625 hồ sơ, huyện Gia Lâm nhận 1.616 hồ sơ, quận Tây Hồ nhận 1.020 hồ sơ, quận Đống Đa có 934 hồ sơ, quận Cầu Giấy có 804 hồ sơ; quận Hoàn Kiếm có 864 hồ sơ, quận Hà Đông nhận 959 hồ sơ, huyện Từ Liêm nhận 741 hồ sơ, huyện Sóc Sơn có 62 hồ sơ, huyện Thường Tín có 72 hồ sơ.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, đây là số nhà ở có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, đơn vị giao cho các hộ gia đình, cá nhân tự quản. Sở Xây dựng đã yêu cầu Công ty TNHH Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với các quận, huyện, thị xã để kiểm tra thực trạng nhà ở, đất ở, phân loại hồ sơ đã nhận. Với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định thì báo cáo Sở Xây dựng ban hành quyết định tiếp nhận, bàn giao quỹ nhà ở này.

Sở Xây dựng cũng yêu cầu Công ty TNHH Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Quốc phòng) tổ chức thực hiện việc ký hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 34 của Chính phủ và Thông tư 14 của Bộ Xây dựng.

Trao đổi với chúng tôi ngày 18/12, ông Hoàng Tú (Trưởng ban 61 - Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, công tác bán nhà không có gì vướng mắc nhưng do số hồ sơ phải thụ lý khá lớn nên cần thời gian dài mới giải quyết được hết. Theo ông Hoàng Tú, hiện nay Sở đã hoàn thành dự thảo quy trình bán nhà mới và đang lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan. Trong thời gian sớm nhất, Sở Xây dựng sẽ trình UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt. “Hiện nay, các cơ quan liên quan đang tiến hành phân loại, thống kê chi tiết nên trong tổng số 25.601 hồ sơ, chưa rõ có bao nhiêu trường hợp sẽ được giải quyết ngay và bao nhiêu phải chờ quy trình mới”, ông Tú nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Gia đình