Cho phép xây dựng nhiều dự án trên một khu vực hay cho điều chỉnh số tầng, điều chỉnh chức năng khu văn phòng thành nhà ở…, cách làm “quy hoạch” của Hà Nội đang phá vỡ quy hoạch của khu đô thị nói riêng và Thủ đô nói chung.
Dự án Hapulico, quận Thanh Xuân được xây dựng giữa khu dân cư đông đúc khiến hạ tầng giao thông thường xuyên quá tải - Ảnh: Nguyên Minh
|
Khoảng 3 năm trước đây, trên con phố nhỏ Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) xuất hiện Dự án tổ hợp chung cư Hapulico gồm 5 - 6 tòa nhà. khiến cư dân sống xung quanh khu vực này rất bức xúc.
Bức xúc là bởi, con phố Nguyễn Huy Tưởng chỉ rộng 4 - 5 m, mật độ cư dân của khu vực này lại rất đông, gần nhiều trường đại học, nên tắc đường xảy ra như cơm bữa, nay bỗng nhiên lại xuất hiện cả tổ hợp chung cư, văn phòng 5 - 6 tòa tháp, thu hút vài nghìn người, cùng với hàng nghìn phương tiện giao thông tập trung thường xuyên. Nhưng đâu phải có chỉ có vậy, sau khi Tổ hợp chung cư Hapulico hoàn thành, trên trục đường này tiếp tục mọc thêm hàng loạt chung cư mới như tòa Hei Tower, Chung cư Mỹ Sơn…
Tại Hà Nội, những khu dân cư, hoặc khu đô thị bị vỡ quy hoạch như vậy không phải là chuyện hiếm.
Đầu năm 2014, Dự án Kim Văn - Kim Lũ của Vinaconex 2 bất ngờ được tái khởi động và tất nhiên là có những thay đổi lớn về quy hoạch. Trước kia, dự án này được phê duyệt quy hoạch với số dân chưa đến 5.000 người, gồm các khu nhà thấp tầng, cao tầng và cả tòa nhà văn phòng, nhưng nay chủ đầu tư điều chỉnh lại chức năng nhiều tòa nhà, đồng thời điều chỉnh cả quy mô dân số dự án.
Việc chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch dự án sau một thời gian dài khó khăn là câu chuyện khá phổ biến tại Hà Nội, nhưng trường hợp điều chỉnh của Dự án Kim Văn - Kim Lũ thực sự khiến nhiều người… choáng váng!
Nếu như trước kia, dự án được quy hoạch cho khoảng 4.800 người ở, thì sau điều chỉnh, quy mô dân số đã tăng lên 10.550 người. Việc tăng quy mô dân số khiến hàng loạt chỉ tiêu sử dụng đất, như đất ở, đất trường học, đất đỗ xe, cây xanh… tính trên đầu người giảm mạnh. Điều đó có thể khiến đời sống cư dân tại khu đô thị này gặp nhiều khó khăn sau khi dự án hoàn thiện.
Khu đô thị Linh Đàm của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) từng một thời được công nhận là đô thị kiểu mẫu, với các tòa nhà chung cư dưới 20 tầng, xen giữa là vườn hoa, thảm cỏ, đường nội bộ rợp bóng cây. Nhưng từ năm 2009, quy hoạch này từng bước bị băm nát, khi hàng chục tổ hợp chung cư cao tầng mọc lên xen lẫn với những khu nhà cũ do HUD xây dựng. Không ít tổ hợp chung cư hiện nay vốn có chức năng nhà văn phòng được chuyển đổi thành nhà ở.
Chẳng hạn tổ hợp VP6 Linh Đàm trước kia vốn là một tổ hợp văn phòng cao 25 tầng. Thế nhưng, sau khi sang tên đổi chủ, tòa VP6 được chuyển đổi sang chức năng chung cư, chiều cao cũng được nâng lên đến 41 tầng.
Thời gian gần đây, hàng loạt dự án chung cư (đa số thuộc sở hữu của Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên của đại gia Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư) được đưa vào sử dụng, như VP5, VP6, VP4. Ngoài ra, hơn chục khối nhà cao từ 36 - 41 tầng thuộc khối HH1 đến HH4 đã và đang được hoàn thiện bàn giao, cùng các tòa chung cư của BIC Việt Nam, HUD dự kiến cũng sẽ hoàn thiện trong thời gian tới.
Việc phát triển nhà ở giá rẻ, diện tích nhỏ, xây cao tầng, khiến mật độ cư dân tại Khu đô thị Linh Đàm tăng mạnh. Chỉ tính riêng các dự án nhà giá rẻ của Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Điện Biên, Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm dự kiến sẽ đón nhận thêm vài chục nghìn cư dân mới.
Quy mô dân số tăng vọt khiến hạ tầng giao thông tại Khu đô thị Linh Đàm trở nên quá tải. Tình trạng tắc đường tại cửa ngõ Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm giờ trở thành chuyện thường ngày, chứ không còn là chuyện hy hữu như trước kia nữa. Cái tên đô thị kiểu mẫu giờ đã trở thành hoài niệm của cư dân nơi đây.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: