Top

Việt kiều mua nhà tại Việt Nam: Khó khăn nhất là khâu xác minh quốc tịch

Cập nhật 29/09/2015 15:06

Trước thời điểm Nghị định 76/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS 2014, những Việt kiều và người nước ngoài sẽ có cơ hội rất thuận lợi trong việc mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Phóng viên Báo Xây dựng có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) về thực trạng, khó khăn vướng mắc, nhu cầu cũng như cơ hội của các chủ đầu tư dự án BĐS có sản phẩm hướng đến đối tượng khách hàng này khi Nghị định 76 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/11/2015 tới.


* Theo đánh giá của ông, Việt kiều mua và sở hữu nhà tại Việt Nam còn những khó khăn vướng mắc gì?

- Đối với Việt kiều, khi chứng minh nguồn gốc quốc tịch sẽ không ảnh hưởng đến quốc tịch hiện tại của họ. Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, chứng nhận nguồn gốc người Việt hiện nay đang giao cho các cơ quan đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài. Thứ hai là giao cho Sở Tư pháp của 63 tỉnh, thành xác nhận. Thứ ba là giao cho Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao xác nhận.

Do điều kiện lịch sử để lại, nhiều người nước ngoài tại Việt Nam không có khai sinh, không có chứng từ hộ tịch để xác nhận nên đó là khó khăn vướng mắc lớn nhất. Vì vậy, Horea đề nghị cơ chế là cho toà dân sự ra bản án gọi là bản án thế vị khai sinh cho những người không có giấy khai sinh có cơ hội được khai sinh để họ được hưởng các quyền lợi như người mua nhà trong nước. Đề nghị sửa Bộ luật Dân sự và bổ sung nghị định hướng dẫn thì sẽ làm được điều này cho thông thoáng hơn.

* Ông đánh giá thế nào về chủ trương “nới” hết cỡ cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam?

- Đối với người nước ngoài chỉ cần nhập cảnh hợp pháp thì được mua dự án nhà ở thương mại trong nước. Chính sách đó thoáng hơn nhiều quốc gia khác. Ví dụ, từ năm 2008, Singapore cho phép người nước ngoài được mua biệt thự nhưng chỉ ở 3 địa điểm mà thôi. Còn Việt Nam cho người nước ngoài được mua tất cả các loại nhà biệt thự, nhà phố, nhà chung cư trong tất cả các dự án nhà ở thương mại. Một số nước chỉ cho người nước ngoài mua nhà ở cao cấp không được mua nhà ở bình dân nhưng ở Việt Nam họ được mua cả nhà giá trung bình.

Số lượng hạn chế theo quy định như không được quá 30% số lượng căn hộ toà nhà, không được mua quá 250 căn nhà trong một dự án đơn vị hành chính cấp phường. Đó là hạn chế không phù hợp với một số đô thị như Hà Nội, TP.HCM và một số vùng tập trung nhiều người nước ngoài. Horea đề nghị với Chính phủ nên giao quyền đó cho UBND từng tỉnh, thành phố xem xét quyết định cho phù hợp với từng địa phương.

* Tình hình mua bán thực tế từ trước đến nay như thế nào?

- Tổng số người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đến thời điểm tháng 11/2014 khi Luật Nhà ở được thông qua thì toàn quốc đã có hơn 500 trường hợp người nước ngoài đủ điều kiện mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Từ 01/7/2015, có khoảng 8 trường hợp người nước ngoài được cấp sổ đỏ nhưng đó là chủ quyền mua theo kiểu cũ chưa có thủ tục mới.

Về thủ tục mới, Chính phủ mới ban hành Nghị định 76 hướng dẫn hợp đồng mẫu nhưng thời gian có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/11/2015. Hiện có 500 trường hợp đang chờ để hoàn tất chủ quyền.

* Khách hàng người nước ngoài quan tâm đến phân khúc nhà ở nào nhất?

- Người nước ngoài quan tâm nhiều vào dự án BĐS cao cấp. Tại TP.HCM thì một số dự án nhà ở trung bình họ vẫn quan tâm vì TP.HCM lượng người nước ngoài được thống kê là người Hàn Quốc gồm 80 ngàn người trong khi số người Hàn Quốc trên toàn quốc là 140 ngàn người. Người Nhật ở TP.HCM là 8 ngàn người, người Đức khoảng 1.200 người, Philipines khoảng 6 ngàn người và một số nước khác tầm khoảng vài ngàn người.

Riêng dự án Vinhomes, ngày 1/7 có 112 người nước ngoài đăng ký mua nhà, ký ghi nhớ nhưng chưa có hợp đồng, hướng dẫn thực hiện. Dự án khác như Geteway số khách người nước ngoài mua chiếm 25% số khách hàng mua tại dự án. Dự án đó đã bán được 66% sản phẩm. Các dự án của Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long, TNR… người nước ngoài cũng rất quan tâm.

* Cơ hội và thách thức của BĐS phục vụ đối tượng này như thế nào?

- Người nước ngoài là một tiềm năng của thị trường BĐS nhưng để nói rằng họ tạo ra cú bùng nổ của thị trường này thì chưa có và các nhà đầu tư kinh doanh BĐS không nên quá kỳ vọng.

Người Á Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc họ có tâm lý sở hữu nhà nhưng người Châu Âu và Châu Mỹ, Nhật Bản họ thích thuê nhà, đừng ảo tưởng họ sẽ thích mua. Vấn đề là sản phẩm của chúng ta đáp ứng yêu cầu những cái chuẩn, những cái phong cách tập quán của từng kiều dân, giá cả hợp lý.

Ví dụ người Nhật mua 30% số lượng nhà tại một dự án nhưng họ muốn cho người Nhật thuê chứ không cho người nước khác thuê thì chủ đầu tư cần hướng đến 70% sản phẩm còn lại cũng cho thuê.

Mặt khác, phân hoá về kinh doanh BĐS, chúng ta chưa đáp ứng được là vấn đề thanh toán. Ở nước ngoài, phương thức thanh toán rất dài, thậm chí 15 năm trở lên. Hàng tháng người ta phải trả vài ngàn USD để mua nhà nhưng tiền cho thuê cũng đạt 1.500 USD rồi.

Trong khoảng 10 - 15 năm, nó sẽ trở thành sở hữu của người mua nhà. Việt Nam thường thanh toán số tiền lớn, một cục trong khi họ thích trở mỏng và dài hạn. Các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cũng cần đáp ứng nhu cầu này của người nước ngoài cũng như Việt kiều.

* Trân trọng cám ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng