Top

Nhà ven kênh, rạch - chuyện cũ mà mới!

Cập nhật 07/04/2008 14:00

Phần 1: “Nhà sàn” giữa phố

Trong khi TP không ngừng mọc lên những ngôi nhà cao tầng với tiêu chí văn minh, hiện đại thì chỉ cách trung tâm thành phố vài kilômét, ngay giữa phố thị, những căn nhà lụp xụp tạm bợ, nhếch nhác mà cư dân ở đây thường gọi là “nhà sàn” vẫn tiếp tục mọc lên…

Nhà cũ nới thêm

Những căn nhà sàn lâu đời chỉ rộng từ 10 - 40m² được cất lên từ vài cây cừ tràm, tập trung chủ yếu ven các kênh Tàu Hủ, kênh Đôi, Bến Nghé, Kênh Tẻ, rạch Cầu Dừa, kênh Thanh Đa… thuộc các quận 4, 8, Bình Thạnh. Những căn nhà sàn này diện tích chỉ nhỉnh hơn 1 căn phòng bình thường trên bờ; vách, mái đóng tạm bợ bằng vài miếng tôn xô lệch nằm ngay trên những dòng kênh nước đen ngòm như mực tàu của mấy ông thầy đồ.

Đứng trên cầu Chánh Hưng, cây cầu nối liền quận 8 với quận 5 nhìn xuống, lòng kênh Đôi như được đóng khuôn, thít chặt lại bởi những căn nhà sàn nhấp nhô, lố nhố, đóng liêu xiêu trên các cây cừ tràm cắm xuống lòng kênh ở hai bên bờ. Gần cầu Chánh Hưng là cầu Hưng Phú bắc qua kênh Tàu Hủ, hai bên bờ kênh thoáng đãng hơn (nhà lụp xụp đã giải tỏa) bởi các công trình của Dự án xây dựng đại lộ Đông-Tây và Dự án cải thiện môi trường nước TP đang thi công.

Tuy nhiên, ngay dưới nửa cầu về phía quận 8 là một xóm nhà sàn quần tụ trên rạch Ụ Cây với 1.112 căn nhà. Gia đình anh Lư Tài Hữu (48 tuổi, ngụ số nhà 12/2B Bến Bình Đông phường 11 quận 8) gồm 7 người cư ngụ trên ngôi nhà sàn rộng khoảng gần 40m². Bước vào nhà, chúng tôi phải cúi xuống để khỏi đụng… nóc và nhẹ nhàng băng qua một đống đồ đạc lỉnh kỉnh để ngồi bệt vào phần sàn hơi thoáng phía trong - được coi như phòng khách của gia đình.

Anh kể: “Cách đây hơn chục năm, tôi ở bên chung cư Tản Đà (quận 5), khi chung cư giải tỏa, tiền bồi thường không đủ mua nhà mới nên tôi mua lại căn nhà sàn này của người khác, gia đình đông người, tôi nới thêm ra nên nhà mới rộng như bây giờ”. Cứ hai năm 1 lần, anh phải mua cừ tràm về gia cố lại phần “móng” của nhà.

Muốn qua cù lao Nguyễn Kiệu (phường 1 quận 4) chỉ có một con đường độc đạo là cầu Nguyễn Kiệu. Chị Phạm Thị Hằng (38 tuổi) cùng chồng và 6 đứa con nhỏ cư ngụ tại căn nhà số 23 cù lao Nguyễn Kiệu chỉ rộng chưa đầy… 15m². Chị cũng không nhớ mình đã ở đây bao nhiêu năm rồi, chỉ biết từ đời cha đời mẹ đã “an cư lạc nghiệp” đất này.

Gia đình ông Lê Thành Công (S41A/71D cù lao Nguyễn Kiệu) cũng cư ngụ ở đây từ thời cha mẹ. Đến đời ông, gần 50 tuổi cũng là bấy nhiêu thời gian ông sống chung với ngôi nhà lụp xụp, thêm con thêm cháu rồi lại lấn thêm ra chút ít nên giờ rộng hơn 40m². Hầu hết những hộ dân sống trên cù lao Nguyễn Kiệu đều đến từ năm 1958 đến trước năm 1975, chủ yếu là dân ở Long An, Đức Hòa - Đức Huệ. Những người dân này cho biết, tất cả nhà sàn đều không có giấy sử dụng nhà, đất, chỉ có sổ hộ khẩu được làm từ năm 1999 để tiện việc quản lý nhân khẩu.

Nhà mới không ngừng mọc theo nhiều cách

Dọc theo đường Bến Vân Đồn phía cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4), sát mé kênh Bến Nghé, còn có một số chủ đất cho người lao động thuê đất, rồi họ tự cất nhà lên mà ở. Chị Thủy, một người ở trọ khu vực này cho biết: “Bọn tôi thuê đất rồi cất nhà lên, hơi chật nên lấn ra thêm chút đỉnh để ở cho thoáng”. Nhà có đất mặt tiền phía trước, cất mới thêm phần sàn phía sau gối lên lòng rạch để cho thuê cũng không ít ở khu vực này.

Đến ấp 4 (mới) xã Bình Hưng huyện Bình Chánh, ngay đầu hẻm C3 đường Phạm Hùng đi vô chừng 1 km là một xóm nhà ven kênh với gần 60 ngôi nhà của những hộ dân mới “di cư” từ các dự án thuộc đại lộ Đông-Tây dọc Bến Hàm Tử (quận 5), Bến Chương Dương (quận 1) về. Ông Hùng, Trưởng ấp 4 cho biết, các hộ dân này di cư theo từng đợt từ năm 1997 đến năm 2007, họ đến đây mua đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng để xây nhà ở tạm.

Một số nhà dọc các rạch nhỏ xuất phát từ kênh Hiệp Ân, sau khi xây xong phần trên đất, do nhu cầu ăn ở nên cơi nới thêm trên phần rạch bằng cách đổ đất, xà bần cho rộng ra rồi che chắn thêm. Do khu vực này đang nằm trong quy hoạch nên các hộ này không có hộ khẩu, chỉ có tạm trú tạm vắng và đất mua sang tay, không có giấy tờ nhà đất. Anh Thái (hẻm C3, ấp 4) nói: “Tui ở bên Bến Hàm Tử qua đây, tiền đền bù cũng đủ mua nhà, nhưng mua xong hết lấy gì làm ăn, thôi thì qua đây mua đất rẻ hơn, xây nhà ở tạm, còn dư chút đỉnh để làm ăn nữa”.

Cha truyền con nối sống tạm bợ

Tất cả những hộ nhà sàn trên cù lao Nguyễn Kiệu, điện, nước phải kéo từ nhà khác về với giá 3.000 đồng/kWh điện, 25.000 đồng/m3 (1m3 nước = 25 đôi, mỗi đôi mua 1.000 đồng). “Nhà vừa lấn chiếm hành lang kênh rạch, vừa thuộc diện sắp giải tỏa nên không lắp đặt được ống nước” - ông Công tâm sự.



Chị Giàu nấu cơm trong căn bếp
chật chội, vách tôn tạm bợ.

Hầu hết những nhà sàn ven kênh đều không hề có… nhà vệ sinh. Tất cả rác sinh hoạt của bao nhiêu con người được họ ví như “của thiên trả địa”, có bao nhiêu thứ cần vứt đi là tất cả được dồn hết xuống… dòng kênh. Cụ Nguyễn Thị Lùng, 84 tuổi, ngụ nhà số 821C Nguyễn Duy phường 12 quận 8 móm mém kể: “Đồ đạc mà rớt xuống nước rồi là bỏ, không ai dám lượm lên xài tiếp vì nước dơ lắm. Hôm nay nước lớn cũng đỡ mùi, chứ hôm nào nước ròng (nước cạn) mùi lúc đó mới… ghê!”.

Vừa nói chuyện, cụ vừa ngoái nửa người ra phía sau quăng mấy miếng lá chuối gói cái bánh giò vừa ăn xong xuống dòng kênh. Gia đình cụ Lùng có đến 15 người vẫn xài nhà vệ sinh lộ thiên, chính là dòng kênh Đôi chảy bên dưới nhà.

Gia đình chị Nguyễn Thị Giàu (39 tuổi, ngụ 18/7H6 (số cũ) phường 27 quận Bình Thạnh) có 4 người “chui rúc” trong ngôi nhà chỉ khoảng 6m². Một chiếc chòi nằm chìa ra ngoài kênh Thanh Đa chỉ rộng khoảng 1m² vừa là bếp, nhà tắm kiêm nhà vệ sinh. Chồng làm thợ hồ, chị ở nhà trông con và nhận thắt nơ gia công (để gói quà tặng), mỗi ngày kiếm được 5.000 - 7.000 đồng. Chị kể: “Cháu Lê Xuân Anh (con thứ 2) đang học lớp 2, cháu học khá lắm nhưng nhà nghèo, đóng tiền học không đủ nên chắc cháu cũng phải nghỉ như cháu đầu thôi…”.

Mọi sinh hoạt của 8 nhân khẩu trong gia đình chị Hằng đều bó hẹp ở căn nhà sàn vừa là nhà vừa là bếp chưa đầy 15m². Chồng chạy xe ôm nên ngày đắt bù ngày ế cũng kiếm được dăm ba chục ngàn, hơn 1 triệu đồng một tháng, số tiền đó phải cắt xẻ vừa cho 8 miệng ăn vừa cho chi tiêu trong gia đình. Ở xóm nhà chị Giàu, mỗi khi nước lên, nhà nào nền cao còn đỡ, nhà nào sàn thấp thì phải chịu lội bì bõm trong nước. Tháng nào nước cũng lên, lội miết nên chân tay bị ngứa, lở, nước rút thì lau qua cho tụi trẻ lăn xuống ngủ.

Tất cả người dân được hỏi đều rụt rè nói về mơ ước có một nơi ở mới khang trang hơn nhưng với họ, nói là nói thế chứ ước mơ thì chỉ là mơ ước mà thôi…

An ninh trật tự tại các khu nhà sàn diễn biến phức tạp

Thượng tá Hồ Tự Sang, Trưởng Công an quận 8 cho biết, tại các khu vực có nhà sàn, các đối tượng thường tụ tập chơi bài, gây rối trật tự công cộng, tình trạng trộm cắp, cướp giật… cũng thường diễn ra. Trong tháng 3, trên địa bàn quận 8 xảy ra 14 vụ phạm pháp hình sự (chủ yếu là cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm tài sản…) thì riêng ở phường 4, 11 (nơi có nhiều nhà sàn) mỗi nơi đã xảy ra 3 vụ, trong đó có một đối tượng là người nghiện ma túy dùng kim tiêm đe dọa khống chế nạn nhân cướp tài sản; phường 3, 5 mỗi nơi xảy ra 2 vụ. Công an quận phối hợp với Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an TPHCM và dân quân vẫn thường xuyên tuần tra kiểm soát, “chăm sóc đặc biệt” những khu vực nhà lụp xụp, hẻm sâu.

Còn theo Trung tá Hà Quốc Ưu, Trưởng Công an phường 1 quận 4, khu vực cù lao Nguyễn Kiệu trước kia nạn trộm cắp, tiêm chích ma túy, bài bạc hoành hành, những năm gần đây, công an vào cuộc quyết liệt nên tình hình đã khá hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng, tụ tập nhậu nhẹt làm mất trật tự khu phố thỉnh thoảng vẫn diễn ra.


Theo Sài Gòn Giải Phóng