Top

Nhà siêu mỏng giá tiền tỷ

Cập nhật 29/04/2010 13:10

Căn hộ chưa đầy 15 m2 một trệt một lầu kèm tầng lửng trên đường Lê Quang Định (TP HCM) được chào mua giá gần 1 tỷ đồng. Khoảnh đất 28 m2 kế bên được trả giá gần 2 tỷ đồng.

Căn hộ 606E ở góc đường Lê Quang Định thuộc quận Gò Vấp có diện tích 14,8 m2, được cò đất khu này liệt vào diện nhà siêu méo giá khủng. Với cái giá gần 900 triệu đồng cò đưa ra, chị Yến - gia chủ, vẫn chưa hài lòng. "Nhà tôi làm nghề giò chả bán ở đây từ thời bố mẹ. Vợ chồng tôi không có công việc nào khác ngoài nghề gia truyền này. Nếu bán mảnh đất giá rẻ thì gia đình bế tắc", chủ nhà cho biết.

Với vợ chồng chị Yến, động lực để họ cố nán lại khu này vì kỳ vọng vào việc tuyến đường Tân Sơn Nhất - vành đai ngoài hoàn thành sẽ mở ra cơ hội bán buôn, vị trí mặt tiền đường lớn dễ làm ăn hơn, khách sẽ đến đông hơn. Chị tâm sự: "Cũng có người khuyên tôi bán nhà đi, vì tuyến đường lớn xe tải, ôtô chạy ầm ầm, khó bán buôn, nhà mặt tiền còn thua nhà hẻm. Song tôi vẫn bám trụ lại mảnh đất này và hy vọng".

Khoảnh đất rộng 28 m2 kế bên căn 606E đang bỏ trống, được cò đất ngã giá gần 70 triệu đồng mỗi m2, nhưng chủ nhà cũng không bán. Trước đó, khu đất này là phần đuôi của một căn nhà 3 tầng. Thế nhưng, khi đập bỏ xác nhà để bàn giao mặt bằng trong đợt giải tỏa năm 2009, chủ nhà tạm thời bỏ trống chưa cải tạo lại.


Khu đất lọt thỏm giữa hai căn nhà rộng khoảng 28 m2 nhưng từng được cò ngã giá lên đến hàng tỷ đồng. Ảnh: Vũ Lê.

Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Vành đai ngoài, đoạn cắt Lê Quang Định, quận Gò Vấp, nhà có hình thù kỳ dị trải dọc hai bên, làm bộ mặt tuyến đường rộng 60 m khá lộn xộn.

Ghi nhận của VnExpress.net, tuyến đường này có những căn nhà hình tam giác, phình phía ngoài nhưng teo tóp bên trong theo kiểu đầu voi đuôi chuột. Ngay góc ngã tư tuyến đường này, người đi đường dễ dàng bắt gặp những căn nhà chiều rộng chừng hơn chục m nhưng bề sâu chưa tới 2 m tạo hình dáng như bao thuốc lá. Song dù phải sống chật, bó mình trong khối diện tích nhỏ hẹp, gia chủ quyết tận dụng từng tấc đất để bám trụ chứ không bán đi, dù có những khoảnh đất được cò địa ốc đánh tiếng mua hàng tỷ đồng.


Phần diện tích nhỏ nhoi của căn nhà 585/5 Lê Quang Định được chủ nhà định giá khoảng 40 triệu đồng mỗi m2. Ảnh: Vũ Lê.

Giải tỏa xong, đã ổn định nơi ăn chốn ở mới tại quận 12, chị Chi vẫn đi về, làm ăn, sinh sống trong ngôi nhà cũ có hình thù kỳ dị từ năm ngoái cho đến tháng 4 năm nay. Căn nhà này tọa lạc tại số 585/5 Lê Quang Định còn lại khoảnh đất "tí hon" 5,4 m2 với chiều dài 3 m, chiều rộng 1,8 m. Đây vốn là toilet còn sót lại của căn nhà rộng 56 m2. Ngoài nhà vệ sinh, căn nhà siêu nhỏ này còn có chỗ nấu nướng đặt sát vách và một chỗ nằm.

Chị Chi chia sẻ với VnExpress.net:" Phần đất còn lại của nhà tôi tuy nhỏ nhưng đó là sự đánh đổi rất lớn của cả căn nhà cũ. Trong tương lai đường lớn mở ra, tôi có thể dùng mảnh đất này để cải tạo kiot buôn bán, làm văn phòng hoặc nơi liên lạc các đối tác làm ăn".

Theo người phụ nữ này, dù căn nhà chỉ còn lại vỏn vẹn 5,4 m2 nhưng giá trị rất cao, có thể xem là tấc đất tấc vàng. Nên nếu nhà nước có nhu cầu trưng dụng để làm đẹp mặt tiền đường thì phải bồi thường mức giá cao hơn trước đây. "Lần giải tỏa vừa rồi nhà tôi được đền bù 19 triệu đồng mỗi m2 nhưng mảnh đất còn lại này chí ít cũng gấp đôi mức giá cũ, tức khoảng 38-40 triệu đồng mỗi m2 kèm theo hỗ trợ thỏa đáng", chị Chi nói.


Dù diện tích đủ chuẩn để cấp phép xây dựng nhưng mảnh đất có hình thù kỳ dị nên công trình tạo cho bộ mặt tuyến đường thiếu sự hài hoà. Ảnh: Vũ Lê.

Với bà Linh, chủ nhà số 525 Lê Quang Định, mảnh đất nhà bà tuy có hình thù kỳ dị, sâu chưa tới 2 mét, tổng diện tích khoảng 40 mét nhưng bà đã đầu tư xây 3 tầng. Nhìn từ xa, khối công trình này có hình thù kỳ lạ.

Người dân đang sống trong những căn nhà siêu mỏng trên tuyến đường mới mở vẫn nuôi nhiều hy vọng. Thậm chí một số hộ có nhà diện tích nhỏ còn thoả thuận, lên kế hoạch cùng hợp khối (nhập diện tích đất của các hộ lân cận) để xây dựng cao lên, làm tăng diện tích sử dụng.

Tổng giám đốc Công ty địa ốc Á Châu (ACBR) Phạm Văn Hải nhận xét: "Nhà siêu mỏng, siêu nhỏ hoặc méo mó ở một số tuyến đường mới mở đột ngột có giá rao bán, đề nghị mua rất cao là chuyện bình thường. Điều này xuất phát từ lợi thế mặt tiền và tâm lý muốn cố thủ của người dân".

Ông Hải phân tích, nhà có hình thù kỳ dị, siêu mỏng hoặc diện tích rất nhỏ là một khuyết điểm lớn. Song, vì toạ lạc ngay vị trí mặt tiền nên được liệt vào loại bất động sản đặc biệt. Thứ nhất, giá loại nhà đất này rất cao, thường vượt ngoài khả năng thương lượng. Thứ hai, vị trí mặt tiền thuận lợi cho việc kinh doanh nên giá trị sử dụng miếng đất vô hình và đa dạng. Thứ ba, dù giá rất cao nhưng không phải ai cũng muốn mua bất động sản kiểu này. Bằng chứng là trong hơn 3 năm qua, tại sàn đại ốc ACBR chưa hề có giao dịch nào thuộc diện nhà siêu mỏng, hình thù kỳ dị ở mặt tiền đường.

"Thông thường, những căn nhà này chỉ có giá trị kinh tế đối với chính chủ đất, còn những nhà đầu tư có mua cũng không thể tận dụng được vì diện tích nhỏ sẽ hạn chế tầng cao, hạn chế không gian sử dụng", ông Hải nói.

Chuyên gia này giải thích thêm, để giải mã câu chuyện nhà siêu mỏng, hình thù kỳ dị, cần bắt đầu từ bài toán quy hoạch. Đối với các quốc gia phát triển, khi giải toả nhà dân để phóng đường, chính quyền địa phương sẽ dành hẳn một dãy đất mặt tiền ở rìa tuyến đường mới mở để tổ chức đấu giá. Nguồn thu từ đấu giá sẽ giúp địa phương có kinh phí tiếp tục mở rộng đường xá.

Đồng thời, khi đấu giá xong, doanh nghiệp nào kinh doanh phần đất này phải tôn trọng quy hoạch chung, xây dựng thành những dãy nhà, kiot đồng nhất, tạo vẻ mỹ quan đô thị. "Hiện TP HCM chưa áp dụng tiền lệ này nên khi giải toả nhà dân để mở đường thường để lại hậu quả là bộ mặt đô thị hai bên đường trở nên kỳ dị", ông nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress