Top

TP.HCM: Vì sao nhà siêu mỏng vẫn cứ mọc?

Cập nhật 29/04/2010 11:10

Cơ quan cấp phép xây dựng vẫn khẳng định không cấp phép xây dựng cho nhà không đủ chuẩn.

UBND TP.HCM đang giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu lập thiết kế đô thị cho một số trục giao thông mới được mở rộng, trong tương lai là những tuyến đường huyết mạch như Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đại lộ Đông Tây… Tuy nhiên, hiện nay trên các con đường này đã xuất hiện những ngôi nhà hình thù kỳ dị, gây nham nhở bộ mặt đô thị.

Nhà kỳ dị án ngữ mặt tiền


Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đi qua ba quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình còn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng nhưng tại một số khu vực đã mọc lên những ngôi nhà có hình thù kỳ lạ. Tại đoạn giao với đường Lê Quang Định, nhiều người chú ý đến một ngôi nhà ba tầng đang trong giai đoạn hoàn thành do chiều rộng ngôi nhà chỉ khoảng… 1 m, tổng diện tích đất ước chừng 5-6 m2. Để mở rộng không gian, chủ nhà đã cơi thêm phần hành lang ở hai tầng trên cùng ra ngoài đường thêm khoảng 1 m khiến căn nhà có hình dạng như một cái dù.

Tương tự, đi dọc đại lộ Đông Tây đoạn từ quận 1 về huyện Bình Chánh, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy khu vực gần các cầu Chà Và và Nguyễn Tri Phương xuất hiện khá nhiều căn nhà cao tầng được xây dựng theo hình hộp diêm với bề ngang chỉ 1-2 m. Còn đoạn đi ngang quận Bình Tân thì có một căn nhà khá “nổi tiếng” do có hình dạng như một cái tam giác nhỏ xíu.


Nhà dẹt ở đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Ảnh Đình Lý

Tiếp chuyện chúng tôi, chủ nhân một căn nhà siêu mỏng cao bốn tầng nằm cạnh nhà 352/12 Phan Văn Trị, quận Gò Vấp cho biết: “Nhà chúng tôi xây dựng dựa trên cơ sở thiết kế của nhà cũ nên khỏi xin phép. Thời gian qua địa phương cũng không kiểm tra hay xử phạt gì”. Còn một người dân nằm cạnh số nhà 521/11 Lê Quang Định, quận Bình Thạnh phân tích: “Sau khi bị giải tỏa, nhiều căn nhà chỉ còn lại 10-15 m2 nên mọi người cứ thế cất lên để ở hoặc cho thuê vì có bán cũng không ai dám mua, còn nhà nước lại chỉ tính theo giá đền bù quá thấp nên không ai chịu bán”.

Trường hợp đặc biệt nên không phạt nghiêm?

Theo Phó Chánh thanh tra xây dựng quận Gò Vấp Vũ Thanh Hải, tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài ảnh hưởng đến khoảng 1.200 căn nhà tại quận, trong đó một nửa là giải tỏa trắng, một nửa giải tỏa một phần. Trong số giải tỏa một phần này, Thanh tra xây dựng quận chưa nắm cụ thể những căn nào bị tình trạng “đầu thừa đuôi thẹo”, có nguy cơ xuất hiện nhà kỳ dị.

Về những trường hợp nhà không đủ chuẩn vẫn cứ xây mà không bị ngăn chặn ngay từ đầu, ông Hải bộc bạch: “Đó là những trường hợp đặc biệt, họ buộc lòng xây nhà mới bởi nhà cũ đã bị đập nham nhở, không thể sử dụng nữa. Nếu căn theo quy định khi thấy nhà xây dựng thì phải hỏi giấy phép xây dựng đâu, không có sẽ lập biên bản buộc đình chỉ, tháo dỡ… nhưng với những nhà này, có lẽ anh em nể tình do thấy người bị giải tỏa vốn đã thiệt thòi và gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đa phần những trường hợp này xin sửa chữa, xây dựng lại theo hiện trạng cũ, ví dụ như nhà cũ hai tầng thì giờ cũng chỉ được làm hai tầng. Còn nếu nhà cũ hai tầng mà họ xây lại ba, bốn tầng thì chắc chắn không được”.

Theo ông Hải, hiện Thanh tra xây dựng quận đang lập danh sách những trường hợp này để kiến nghị UBND quận có hướng xử lý. Tương tự, Chánh Thanh tra xây dựng quận Bình Tân Nguyễn Văn Khoa cho biết quận cũng đang lập một tổ thanh tra về tình trạng nhà siêu mỏng, không đủ chuẩn trên đại lộ Đông Tây. “Sau khi có kết luận thanh tra, chúng tôi mới có thể cung cấp thông tin cho nhà báo” - ông Khoa nói.

Lô đất đủ quy chuẩn xây dựng phải có diện tích từ 36 m2 trở lên và không có cạnh nào nhỏ hơn 3 m. Những lô đất nhỏ hơn chuẩn này - nếu ở vị trí mặt tiền đường thì chia làm các dạng sau:

Nếu nhỏ hơn 15 m2, hoặc có một cạnh nhỏ hơn 3 m thì chỉ được cải tạo sửa chữa, không được xây mới.

Nếu từ 15 m2 đến dưới 36 m2 và không có cạnh nào nhỏ hơn 3 m: được cải tạo, sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu, hoặc xây mới không quá hai tầng (có thể thêm tầng lửng, mái che cầu thang).

Trong trường hợp lô đất dưới chuẩn có thể hợp khối với nhà kế bên để xây nhiều hơn thì do quận, huyện giải quyết. Tuy nhiên, các căn nhà này bắt buộc phải xây dựng cùng một lúc.

(Điều 6 Quyết định 135/2007 do UBND TP ban hành về quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho nhà ở liên kế trong khu đô thị hiện hữu)


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP