Top

Nhà sắp đổ không được sửa vì nằm trong quy hoạch treo 10 năm

Cập nhật 07/09/2016 16:29

Ngay giữa trung tâm thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), đã hơn 10 năm qua người dân ở tổ 2, khối phố 1, phường An Mỹ phải sống chật vật trong những ngôi nhà cấp 4 chật hẹp, xuống cấp nhưng không thể xây mới hoặc di dời. Lý do là khu vực này nằm trong vùng dự án treo và hiện chưa rõ tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến bao giờ.

Ngôi nhà của bà Lê Thị Dĩnh ở phường An Mỹ nằm trong vùng quy hoạch treo đang bị xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh : Đỗ Trưởng/TTXVN)

Cách đường Phan Chu Trinh với những cửa hàng buôn bán sầm uất vài bước chân, men theo “con đường làng” nhỏ là đến tổ 2, khối phố 1, phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ. Có lẽ ít ai có thể hình dung ngay giữa trung tâm thành phố Tam Kỳ lại có một khu vực thuần quê, với những nếp nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp nằm ẩn nấp dưới những vườn cây lớn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng ban công tác mặt trận khối phố 1 cho biết: Năm 2001 người dân ở đây được chính quyền phổ biến về dự án làm đường N10. Theo đó, khoảng hơn 40 hộ dân ở tổ 2 nằm trong diện giải tỏa trắng để thực hiện dự án. Năm 2003, cán bộ phường ở thời điểm đó đã tiến hành kiểm kê tài sản trên đất để áp giá đền bù cho các hộ dân. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua vẫn chưa có thông tin thêm về việc sẽ triển khai dự án này. Do nằm trong vùng dự án đường N10 nên hàng chục hộ dân tại đây không được xây dựng mới, chỉ được sửa chữa nhỏ nhà cửa đã xuống cấp khi có sự cho phép của phường.

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà Hương, tổ 2, khối phố 1, phường An Mỹ được xây dựng từ năm 1975 với diện tích khoảng 70m2 trên diện tích đất rộng 279m2. Năm 2008, gia đình bà Hương đành xây dựng “chui” hai phòng nhỏ phía sau cho hai con trai đã lập gia đình và chấp nhận bị phạt hành chính. Nhiều gia đình ở tổ 2 mặc dù diện tích đất ở rất lớn, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn phải chịu cuộc sống tạm bợ.

Những ngôi nhà nằm trong vùng quy hoạch treo phải bỏ hoang. (Ảnh : Đỗ Trưởng/TTXVN)

Do nằm ở vị trí thấp trũng nên chỉ cần vài trận mưa lớn liên tục, toàn bộ khu vực này chìm trong nước, người dân phải di chuyển bằng thuyền. Vào mùa mưa bão, người cao tuổi ở đây được phường An Mỹ di dời đến các vị trí an toàn, những người còn lại phải ở trên những mái gác trong nhà.

Vấn đề bức xúc này đã được người dân nơi đây phản ánh rất nhiều lần trong các buổi tiếp xúc cử tri của thành phố Tam Kỳ qua nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức. Mong muốn của người dân là lãnh đạo thành phố sớm quyết định có tiếp tục triển khai dự án N10 qua khu vực này hay không? Nếu thực hiện dự án thì khi nào sẽ tiến hành giải tỏa đền bù để người dân chuyển đến nơi ở mới ổn định cuộc sống.

Theo Ban quản lý Các dự án đầu tư và xây dựng thành phố Tam Kỳ, dự án đầu tư xây dựng đường đô thị N10 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt từ năm 2002, với chiều dài gần 1,6km, mặt cắt ngang đường là 27m. Mục tiêu của dự án là từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khu vực trung tâm thành phố Tam Kỳ.

Năm 2010 dự án được điều chỉnh quy mô đầu tư với chiều dài tuyến đường chỉ còn hơn 1km, mặt cắt ngang đường giữ nguyên, nằm trên địa bàn phường An Mỹ. Theo đó, đường N10 có điểm đầu giao với đường Phan Chu Trinh, điểm cuối nối vào khu dân cư số 1 tại đường Nguyễn Đình Chiểu.

Năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam lại điều chỉnh chiều dài dự án đường N10 từ hơn 1km xuống còn 519m kéo dài từ đầu đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Thái Học, với tổng mức đầu tư 72 tỷ đồng. Hiện nay, đoạn đường N10 từ đầu đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Thái Học đã thi công được 400m và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên, dự án đường N10 còn 2 đoạn đường theo như điều chỉnh thiết kế năm 2010 là đoạn đường từ đường Phan Chu Trinh đến đường Nguyễn Thái Học và đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Đình Chiểu đến nay vẫn chưa có quyết định là có tiếp tục triển khai hay dừng dự án.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Các dự án đầu tư và xây dựng thành phố Tam Kỳ cho biết: Chiều dài của 2 đoạn đường này là 498m; tổng số tiền để giải phóng mặt bằng khoảng 135 tỷ đồng; số hộ nằm trong diện giải tỏa trắng là 120 hộ và 120 hộ phụ cần bố trí tái định cư. Khó khăn trong việc chậm triển khai xây dựng dự án đường N10 nói chung và hai đoạn tuyến còn lại ở trên là chi phí đầu tư ban đầu để giải phóng mặt bằng rất lớn và thiếu nguồn quỹ đất để bố trí tái định cư cho người dân.

Như vậy, hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch của 2 đoạn đường thuộc dự án đường N10 vẫn phải tiếp tục sống trong mỏi mòn, ngóng đợi quyết định của các cơ quan lãnh đạo thành phố Tam Kỳ cũng như tỉnh Quảng Nam về khu vực được quy hoạch treo trong suốt hơn 10 năm qua.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam cho biết: việc có triển khai 2 đoạn đường còn lại thuộc dự án đường N10 theo như quy hoạch phê duyệt năm 2010 hay không, lãnh đạo thành phố phải xin ý kiến của Hội đồng nhân dân thành phố Tam Kỳ trong kỳ họp cuối năm 2016.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnam+