Top

Nhà ở xã hội đói vốn, vì sao?

Cập nhật 26/07/2018 14:27

Nhà ở xã hội đói vốn, vì sao? 2 Toàn cảnh | Thứ năm, 26/7/2018 | 09:03 GMT+7  Theo chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội (NƠXH) tại khu vực đô thị. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH còn đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung đang rất thiếu. Tại sao một chính sách mang tính nhân văn cao, mục tiêu rõ ràng mà đến nay vẫn chậm triển khai, chưa đi vào cuộc sống?

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, nhu cầu NƠXH giai đoạn từ 2011 – 2020, cả nước cần khoảng 440.000 căn hộ. Tuy nhiên, cả nước mới hoàn thành được 186 dự án, với 75.700 căn hộ, 3,78 triệu m2 sàn nhà ở.

Hiện cả nước còn 206 dự án NƠXH với 168.700 căn hộ, 8,435 triệu m2 sàn nhà ở đang bị chậm tiến độ, tạm dừng thi công hoặc đang thiếu vốn. Như vậy, đến nay việc phát triển NƠXH mới đạt được 30% trong tổng số mục tiêu đề ra.

Đạt 30% mục tiêu

Theo UBND Tp. Hà Nội, thành phố hiện chỉ có 34 dự án NƠXH trong đó có 9 dự án đang thực hiện bán nhà, cho thuê; 25 dự án vẫn đang triển khai.

Đối với Tp. HCM, có 30% là người nhập cư, hiện cần 80.000 căn hộ NƠXH và nhà giá rẻ. Tuy nhiên, theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM, đến hết năm 2018, mới có 5 dự án được hoàn thành với 3.700 căn hộ, 12 dự án khác trong vài năm tới có thể cung cấp thêm 3.700 căn hộ và đến lúc đó cũng mới chỉ đáp ứng được 14% nhu cầu.

Tương tự tại Bình Dương, trước áp lực có tới 1,1 triệu người là người ngoại tỉnh, nhu cầu NƠXH rất bức thiết nhưng mới có một vài dự án được xây dựng.

Tại Đồng Nai, theo kế hoạch 5 năm 2016- 2020, tỉnh sẽ hoàn thành 25.000 căn nhà ở xã hội, đáp ứng cho nhu cầu của khoảng 100.000 người. Sau hai năm thực hiện, đến nay, Đồng Nai cũng mới hoàn thành được 2.700 căn, chỉ đạt 11% so với kế hoạch.

Trong gần 10 năm qua, Quốc hội và Chính phủ đã có rất nhiều văn bản pháp lý về hỗ trợ xây dựng NƠXH, nhưng đến nay, những gì diễn ra trên thực tế ở nhiều địa phương cho thấy việc xây dựng NƠXH cho các đối tượng chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng ít quan tâm. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà trong việc xây dựng NƠXH.

Sau khi gói 30.000 tỷ đồng dừng triển khai hơn hai năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có hàng loạt văn bản hướng dẫn liên quan đến gói cho vay ưu đãi mới dành cho NƠXH. Nhưng đến nay, các doanh nghiệp xây dựng NƠXH vẫn đang thiếu hụt vốn trầm trọng, thậm chí nhiều dự án đang xây phải dừng triển khai.


Việc phát triển NƠXH còn đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung đang rất thiếu

Rủi ro cao, không khuyến khích

Dự án Bright City cung cấp 4.000 chỗ ở cho cư dân được UBND Tp. Hà Nội phê duyệt là một điển hình. Trước khi bán nhà, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý III và quý IV/2017. Tuy nhiên, đến nay, gần một năm sau thời điểm phải bàn giao, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành.

Anh Lê Tính, người mua nhà dự án Bright City, than thở: "Hiện nay, chúng tôi đang phải đi thuê nhà, phải trả lãi ngân hàng. Với mức lương 8 triệu đồng/tháng, tôi trả tiền cả gốc và lãi là 5 triệu, gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần, rất khó khăn".

Tương tự cảnh ngộ trên, chị Nguyễn Thi Thu Quỳnh, khách hàng mua dự án Bright City, chia sẻ hàng tháng chị cũng phải bỏ ra 5 triệu đồng trong số đồng lương ít ỏi để trả nợ gốc và lãi ngân hàng. "Em thu nhập thấp mới phải mua nhà ở xã hội. Khi người dân mua nhà thu nhập thấp, Nhà nước nên có cơ chế bảo vệ cho những người lao động như em", chị Quỳnh nói.

Lý do chậm tiến độ mà chủ đầu tư đưa ra là thiếu vốn do gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã kết thúc, gói hỗ trợ theo Nghị định 100 của Chính phủ chưa được triển khai. Chủ đầu tư đã phải vay số vốn lên tới hơn nửa dự án với lãi suất vay thương mại cao gần gấp đôi so với lãi suất ưu đãi nên rất khó khăn để hoàn thiện dự án.

Ông Bùi Viết Sơn, Tổng Giám đốc Công ty bánh kẹo Thăng Long, chủ đầu tư dự án Bright City, trần tình: Tháng 3/2016, doanh nghiệp đang làm đường và bắt đầu xây dựng thì gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc. Đã hai năm trôi qua, Nhà nước chưa có chính sách nào cho doanh nghiệp vay ưu đãi.

"Thông tư 18 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ NƠXH theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, doanh nghiệp đã phải lên tới tận Bộ Xây dựng, rồi đến Ngân hàng chính sách xã hội để xin cơ chế, nhưng vẫn không có vốn", ông Sơn cho biết.

Theo các chuyên gia, hoạt động xây dựng NƠXH có hệ số rủi ro bằng 250% nên các ngân hàng không khuyến khích cho vay kinh doanh NƠXH và nâng lãi suất cho vay đối với hoạt động này.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng các chính sách hỗ trợ như miễn tiền sử dụng đất, hạ thuế VAT bằng 0%, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mật độ quy hoạch lên 1,5 lần… vẫn chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp, khi giá bán được xác định theo nguyên tắc tính đủ chi phí cộng thêm 10% lãi định mức.

"Giá bán NƠXH chỉ được phép bằng suất đầu tư, cộng với lãi định mức tối đa là 10% và không được tính phần Nhà nước đã ưu đãi, chính vì vậy NƠXH không khuyến khích nhà đầu tư", ông Hà nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh