Top

Nhà ở thu nhập thấp: Không cần giảm thuế, chỉ cần cơ chế

Cập nhật 07/11/2009 09:30

Tại buổi hội thảo “Giải pháp phát triển nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân và nhà ở thu nhập thấp” do Bộ Xây dựng, UBND TPHCM và Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tổ chức ngày 6-11, mặc dù ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, cơ chế để phát triển các loại nhà ở xã hội đã mở hết cửa, nhưng các DN vẫn cho rằng vẫn chưa đủ thể thu hút nhà đầu tư.

Nhận định về tình hình phát triển các loại nhà ở xã hội trên địa bàn TP, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng đây là vấn đề rất bức xúc. Nhà ở cho công nhân hiện nay chủ yếu là do người dân xây dựng, công nhân phải sống trong điều kiện sinh hoạt, an ninh chưa đảm bảo. Còn đối với nhà cho người thu nhập thấp (TNT), hiện một số DN trên địa bàn TP đã triển khai các dự án nhà ở giá thấp đáp ứng nhu cầu của người thu nhập trung bình. Tuy nhiên, đối với các đối tượng thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng thì vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lê Hoàng Châu, thời gian qua, các sản phẩm nhà giá thấp (từ 500 - 700 triệu đồng/căn hộ khoảng trên dưới 50 m2) đã bán rất chạy. “Thị phần nhà ở giá thấp này đã cứu thị trường BĐS trong các thời điểm khó khăn” - ông Châu nhận định.

Cũng theo ông Châu, thị trường BĐS hiện gặp nhiều khó khăn và chựng lại khi chính sách về thuế thu nhập cá nhân đối với hợp đồng góp vốn chưa rõ ràng. Ngoài ra, do có sự mâu thuẫn giữa các luật đối với việc áp dụng thuế cho các sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai cũng đã ảnh hưởng đến thị trường BĐS.

Ông Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, hiện các chính sách cho nhà ở xã hội đã được khuyến khích như miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế…, nhưng một số DN cho rằng vẫn chưa đủ để kêu gọi DN tham gia chương trình. “Để giải quyết bài toán này một cách căn cơ, miễn giảm thuế thì tốt nhưng cái DN chúng tôi cần nhất là cơ chế thoáng, quy định thủ tục nhanh gọn để giảm phiền hà cho DN” - ông Nguyễn Phụng Thiều, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn - Gia Định, phát biểu. Ông kiến nghị nên giảm thuế trực tiếp cho người thụ hưởng như miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế VAT, tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp…

Với sự ngán ngại của các DN trước việc tham gia vào các chương trình nhà xã hội đó là việc thu hồi vốn quá lâu (20 năm), ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết, nguồn vốn xây dựng nhà ở cho sinh viên, trong số 3.500 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ thì TPHCM được phân phối 800 tỷ đồng trong năm 2009.

Ông Ninh cũng cho biết thêm, hiện các DN có nhu cầu vay vốn xây dựng khu nhà ở công nhân và nhà thu nhập thấp có thể được vay với lãi suất khoảng 6,9%/năm trong vòng 12 năm và 2 năm ân hạn. Nếu DN có nhu cầu thì đăng ký với Sở Xây dựng, tập hợp danh sách gửi cho Bộ Xây dựng, bộ làm việc với ngân hàng xem xét cho vay ưu đãi. Theo ông Ninh, hiện nay để phát triển nhà ở xã hội thì cần phải có bàn tay của Nhà nước, Nhà nước hỗ trợ các chính sách miễn giảm trong đầu vào để thông qua các DN tạo ra các sản phẩm nhà ở giá thấp.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng