Hút khách vì được gọi là “nhà giá rẻ”, song dòng sản phẩm này vẫn nằm ngoài tầm với của những người có nhu cầu thật sự. Bên cạnh đó, sự co hẹp dần của cánh cửa tín dụng càng khiến giấc mơ an cư thêm khó
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều chủ đầu tư đã khá thành công trong việc bung hàng dòng sản phẩm nhà có giá trung bình từ 10-15 triệu đồng/m² vào thời điểm quý III vừa qua lúc thị trường đang trầm lắng. Nhưng nguồn cung vẫn hạn hẹp.
Chung cư Lê Thành (quận Bình Tân - TPHCM) - một trong những chung cư giá rẻ. Ảnh: H.Thúy |
Khó có nhà giá dưới 1 tỉ đồng
Hiện tại nguồn cung chủ yếu cho dòng sản phẩm “nhà giá rẻ” ở TPHCM vẫn là những khuôn mặt cũ như Tân Mai (Q.Bình Tân), E.Home (Q.9), Lê Thành (Q.Bình Tân)... Mức giá bán của các dự án này đã được đẩy lên từ 10%-20% sau khi được sang tay qua nhiều nhà đầu tư. Một số dự án vừa ra mắt thì đã có khá nhiều nhà đầu tư sỉ và sàn giao dịch chen nhau đặt hàng dù chưa công bố giá chính thức.
Chẳng hạn như dự án chung cư Lilama SHB 584 (Q.Tân Phú) vừa khởi công vào tháng 8, liền sau đó, có khá nhiều nhà đầu tư săn đón vì tổng giá trị căn hộ Lilama khá “mềm”, chỉ từ 560 triệu đến 1 tỉ đồng/căn. Mức giá bán mà chủ đầu tư đưa ra khoảng từ 13,6 triệu đồng/m². Tuy nhiên, để có thể mua được hàng, những cá nhân có nhu cầu phải mua lại với mức giá chênh lệch từ 10%-15% so với giá gốc.
Còn thống kê sơ bộ tại nhiều sàn địa ốc trên địa bàn TPHCM, dự án Lê Thành có giá 9,8-12 triệu đồng/m², diện tích trung bình 58-72 m² dù đã bán hết từ lâu nhưng khách hàng ký gửi lại hoặc giao dịch sang tên lên đến hàng chục hồ sơ mỗi tháng. Dự án căn hộ Tecco Tower (Q.Thủ Đức) do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (Tecco) làm chủ đầu tư, chỉ mới được bán ra 32 căn trên tổng số 238 căn vì chủ đầu tư đang muốn thăm dò phản ứng của thị trường...
Hiện nay, nhà giá 500-700 triệu đồng bắt đầu rải rác có sản phẩm nhưng người mua phải chấp nhận vị trí xa. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, giá căn hộ càng “mềm” thì các khoản tiền doanh nghiệp (DN) thu về từ việc bán sản phẩm càng teo tóp và dàn trải, điều này tạo áp lực cho những DN vừa và nhỏ trong việc xoay đồng vốn thực hiện các dự án tiếp theo. Trong khi đó, những đại gia vẫn muốn xây nhà từ trung cấp đến cao cấp để giữ thương hiệu. Tất cả yếu tố này là bài toán nan giải cho DN muốn đầu tư vào nhà giá rẻ.
Cần cầu nối về tín dụng
Nếu đầu năm, các ngân hàng (NH) còn mạnh tay cho vay mua nhà trả góp đến 20 năm thì nay họ đã lẳng lặng rút xuống còn 5 năm. Theo chúng tôi tìm hiểu, các NH chỉ còn ưu tiên giải quyết những hồ sơ vay từ 5 năm trở lại, trường hợp cho vay 10 năm thì rất “kén cá chọn canh”. Cụ thể, căn hộ thế chấp phải là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường, đặc biệt người vay còn phải thế chấp bằng nhà, đất đã có chủ quyền và có nguồn thu nhập từ lương ổn định để trả nợ.
Do thời gian trả nợ bị rút ngắn nên ít khách hàng đủ điều kiện vay, kể cả người có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Hiện tại, nhiều NH đã đưa ra những điều kiện vay chặt chẽ hơn. Đơn cử như NH HSBC chỉ cho vay với điều kiện căn hộ đã có giấy tờ sở hữu, thu nhập từ lương và các nguồn khác có giấy tờ chứng minh trên 10 triệu đồng/tháng... NH An Bình từ chối cho vay mua đất nền, căn hộ. NH Kỹ thương (Techcombank), NH Á Châu (ACB) cũng chỉ cho vay mua đất, nhà đã có giấy tờ hợp pháp...
Các chuyên gia dự báo nhiều khả năng trong năm 2010, sẽ có hàng loạt DN nhảy vào phân khúc thị trường căn hộ có giá khoảng 800 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng/căn để lấp mảng trống đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, nếu chỉ có khách hàng và DN tự lực trong cuộc đua này thì xác suất thành công sẽ rất thấp nên rất cần có NH làm “bà đỡ”.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: