Sau bán lẻ, tiêu dùng, thực phẩm… thu hút vốn đầu tư của người Thái, mới đây, CP Group cho biết sẽ rót một nửa khoản đầu tư trong số 3,6 tỷ USD vào bất động sản Việt Nam.
Thái Lan đứng thứ 11 về vốn đầu tư FDI vào Việt Nam
Trong thời gian qua, Việt Nam liên tục đón sóng đầu tư của các Tập đoàn kinh tế Thái Lan trên nhiều lĩnh vực như tiêu dùng, ngân hàng, bán lẻ, tài chính, thực phẩm. Các thương vụ đầu tư điển hình như Central Group chi khoảng 100 triệu USD sở hữu 49% Nguyễn Kim, Berli Jucker (BJC) chi 879 triệu USD mua Metro Cash & Carry Việt Nam hay Siam Cement Group (SCG) đầu tư nhiều công ty ngành nhựa như Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh…
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 2/2016, các dự án nhà đầu tư Thái Lan có 428 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,88 tỷ USD, xếp thứ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Lĩnh vực đầu tư mà người Thái quan tâm ở Việt Nam trước nay chủ yếu là nông, lâm nghiệp và thủy sản và các ngành tiêu dùng bán lẻ…
Đối với đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư Thái Lan đã trở thành cổ đông lớn của các doanh nghiệp ngành ô tô.
Chẳng hạn, quỹ đầu tư Finansia Syrus Securities Public Company Limited vào cuối tháng 10/2015 đã mua thêm cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (mã SVC - HoSE) để nâng sở hữu lên 5,2% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn.
Cùng với Savico, các tổ chức đến từ Thái Lan cũng là cổ đông lớn của 3 trong 5 doanh nghiệp ô tô niêm yết trên sàn. Vào tháng 5/20115, Ton Poh Thailand Fund, một quỹ đầu tư Thái Lan tương đối mới tại Việt Nam, đã mua gom 5,9 triệu cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Kỹ thuật Hoàng Huy, nâng tỷ lệ sở hữu của quỹ đầu tư Thái Lan này từ 0% lên 5,32% và trở thành cổ đông lớn của công ty.
Tổ chức đầu tư rót vốn vào CTCP Ô tô Trường Long (mã HTL - HoSE) là Chairatchakarn một doanh nghiệp phân phối lớn nhất của Hino tại Thái Lan.
Rục rịch tìm hiểu thị trường bất động sản
Ngành xây dựng bất động sản không được nhắc đến nhiều trong các khoản đầu tư của các đại gia Thái Lan tại Việt Nam. Tuy vậy, vào cuối tháng 1/2016, đại diện Tập đoàn Charoen Pokphand Group (CP Group) cho biết sẽ đầu tư 3,6 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới, trong đó một nửa khoản tiền trên sẽ “rót” vào bất động sản và một chuỗi cửa hàng bán lẻ.
CP Group đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam 15 năm và đầu tư khoảng 350 triệu USD vào nông nghiệp và công nghiệp. Đến nay, CP Group vẫn đang đầu tư ngành bán lẻ, thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy sản, chưa có bất kỳ động thái nào cho việc đầu tư bất động sản.
Không chỉ có CP Group, mới đây, quỹ đầu tư Probus Opportunities Mekong Fund (trụ sở tại Thái Lan) đã có buổi làm việc với CTCP Tư vấn – Thương mại – Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC) để tìm hiểu về quy mô, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản của Công ty này cũng như tình hình tài chính. Đại diện của Quỹ này tỏ ý sẽ ghé thăm những dự án nhà ở xã hội do Hoàng Quân đầu tư trong một ngày gần nhất.
Probus Opportunities Mekong Fund tập trung vào nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp, chủ yếu là cổ phiếu niêm yết của các doanh nghiệp khu vực Mê Kông (bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, và Myanmar).
Trước đó, vào đầu năm 2016, Công ty chứng khoán KT ZMICO của Thái Lan cũng có buổi làm việc với Hoàng Quân về các dự án nhà ở xã hội cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
KT ZMICO là công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Bangkok, Thái Lan, là thành viên thuộc Ngân hàng Krung Thai (KTB), ngân hàng lớn nhất của Thái Lan. KT ZMICO có hơn 700 nhân viên và 21 chi nhánh tại Thái Lan, quản lý tài sản với tổng giá trị khoảng 4 tỷ USD.
Tại Việt Nam, một trong những hoạt động của KT ZMICO là giới thiệu cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu đang niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán cho các Nhà đầu tư Thái Lan.
Lãnh đạo Hoàng Quân mới đây cũng đã từng tiết lộ sẽ xúc tiến để chào đón 1 nhà đầu tư nước ngoài và 1 nhà đầu tư chiến lược trong nước. Gần đây, cổ phiếu công ty BĐS này cũng đã được khối ngoại mua ròng nhiều hơn, đặc biệt sau khi có tin được thêm vào danh mục của FTSE Vietnam ETF.
Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, trong năm 2016, thị trường bất động sản nhà ở và thương mại của Việt Nam đang dần hồi phục một cách rõ nét kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Niềm tin vào thị trường được đẩy mạnh thông qua số dự án chào bán mới cũng như lượng giao dịch tăng vọt, giá bán cải thiện trong năm 2015. Phân khúc bình dân chiếm một phần lớn của nguồn cung được chào bán và là lựa chọn số một cho hầu hết khách mua để ở trong năm này. Đó là những yếu tố thuận lợi và cơ hội cho dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào thị trường địa ốc Việt.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: