Top

Còn cơ hội vay lãi thấp mua nhà

Cập nhật 17/03/2016 09:09

 Việc gia hạn hay dừng giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng sẽ không quá quan trọng bởi chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn về nhà ở với những ưu đãi hết sức rõ ràng đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100 và Thông tư 25 của Ngân hàng Nhà nước

Trước nhiều trường hợp lo âu khi gói 30.000 tỉ đồng sắp dừng giải ngân, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kéo dài thời hạn giải ngân gói vay này sau ngày 1-6. Trong trường hợp không thể kéo dài, Bộ Xây dựng đề nghị giải quyết cho khách hàng đang giải ngân dở dang được tiếp tục vay vốn ưu đãi theo quy định tại Thông tư 25 của NHNN.

Đề xuất gia hạn giải ngân

Đề xuất của Bộ Xây dựng mang lại hy vọng lớn cho người mua cũng như chủ đầu tư bởi nhu cầu mua nhà ở, nhất là căn hộ dưới 1 tỉ đồng, còn rất lớn và nguồn cung cho phân khúc này cũng đang khá dồi dào. Theo nhận định của các sàn giao dịch, những người mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại có vay vốn ưu đãi với diện tích dưới 70 m2 đều là đối tượng thực sự khó khăn về nhà ở. Do đó, việc chấm dứt giải ngân gói 30.000 tỉ đồng thực sự là cú sốc với những người đang vay mua nhà theo tiến độ và việc giải ngân còn dở dang.

“Đề xuất gia hạn giải ngân của Bộ Xây dựng có thể mở ra cánh cửa để cứu người mua. Bên cạnh đó, thị trường cũng tiếp tục được kích thích và hồi phục mạnh mẽ hơn. Cách tốt nhất là NHNN giải ngân hết gói này mà không ấn định thời hạn hoặc xem xét hỗ trợ các trường hợp đã ký hợp đồng nhưng chưa giải ngân xong” - ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản Hải Phát (Hà Nội), đề xuất.

Theo nhiều quy định hiện hành, người khó khăn về nhà ở được vay mua nhà với lãi suất ưu đãi Ảnh: Tấn Thạnh

Trong trường hợp NHNN không đồng ý gia hạn giải ngân gói 30.000 tỉ đồng, theo ông Giang, cần sớm triển khai gói vay mới để hỗ trợ người mua nhà có thu nhập thấp. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100 và hướng dẫn của NHNN trong Thông tư 25. “Nếu có gói vay mới để hỗ trợ người mua nhà thì nên có tính kế thừa và cần triển khai sớm. Tức là cần bảo đảm những người mua nhà ở xã hội đang vay theo gói 30.000 tỉ đồng có thể được giải ngân tiếp với lãi suất ưu đãi ở gói mới. Ngoài ra, thời gian cho đến khi gói cũ hết hạn không còn nhiều, không ra gói vay ưu đãi mới thì lại phải mất thời gian chờ đợi, hướng dẫn thực hiện. Như thế, người mua nhà lại đứng ngồi không yên” - ông Giang nói.

Cứ theo luật mà ưu đãi

Ở góc độ khác, gói 30.000 tỉ đồng kết thúc không đồng nghĩa với việc người thu nhập thấp hết cơ hội vay mua nhà giá rẻ bởi NHNN đã có hướng dẫn cụ thể trong Thông tư 25 cho 4 ngân hàng lớn đứng ra cho vay mua nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Thậm chí, trong công văn đề nghị của Bộ Xây dựng cũng mở ra trường hợp nếu không thể kéo dài giải ngân gói 30.000 tỉ đồng, NHNN có thể giải quyết cho các khách hàng đang trong quá trình giải ngân dở dang được tiếp tục vay vốn ưu đãi theo quy định tại Thông tư 25.

“Việc giải ngân tiếp gói 30.000 tỉ đồng không quá quan trọng. Nếu tiếp tục thì người dân, thị trường được lợi, còn không thì đối tượng mua nhà ở xã hội cũng không bị ảnh hưởng. Còn một bộ phận nhà ở thương mại phân khúc bình dân muốn nương vào gói này để kích cầu, kiếm lợi thì không cần thiết phải hỗ trợ bởi ngân sách nhà nước có hạn, không thể tung ra dàn trải được” - ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, cho rằng NHNN sẽ quyết định có tiếp tục giải ngân hay không gói 30.000 tỉ đồng. Còn việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn về nhà ở thì Luật Nhà ở đã có quy định rõ ràng. Theo đó, người vay mua nhà ở xã hội, xây dựng để bán hoặc cho thuê nhà ở xã hội sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 5% trong thời hạn 15-20 năm. “Chế độ ưu đãi thì cứ theo luật mà làm. Không phải là gói cụ thể mà là làm thường xuyên, lâu dài” - ông Ninh khẳng định.

Cần sớm khai thông cơ chế

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, việc cần làm hiện nay không phải là nghiên cứu cho ra đời các gói hỗ trợ mà cần khai thông Nghị định 100 và Thông tư 25 để hỗ trợ tốt nhất cho người dân trong vay mua nhà. Cụ thể, người dân cần được hướng dẫn rõ cách thức và thời hạn vay. “Quy định có rồi, chỉ cần khai thông để người dân hưởng lợi thôi. Đây sẽ là lợi ích lâu dài bởi nó đã được luật hóa và người dân hoàn toàn yên tâm về chủ trương này” - ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Vũ Kim Giang cho rằng dù thực hiện cơ chế ưu đãi theo gói có thời hạn hay theo chính sách lâu dài thì cũng cần thủ tục đơn giản, khả thi, dễ tiếp cận. Do đó, cần rà soát kỹ những tồn tại trong quá trình thực thi gói 30.000 tỉ đồng để có phương án khắc phục về sau.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ