Top

Nhà đầu tư ngoại nhảy vào thị trường đất

Cập nhật 14/03/2008 16:00

Trước quyết định siết chặt cho vay kinh doanh bất động sản, những chủ đầu tư trong nước vốn ít sẽ đành chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài.

Quyết định siết chặt nguồn vốn cho vay đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản trong nước. Trong đó, ảnh hưởng mạnh nhất tới các công ty và chủ đầu tư bất động sản.

Cơ hội cho đầu tư ngoại

Từ khi có chỉ thị siết chặt tín dụng thì hầu như các doanh nghiệp kinh doanh nhà, đất trong nước rơi vào tình thế lao đao vì không biết xoay nguồn vốn từ đâu khi từ trước tới nay dựa quá nhiều từ nguồn vốn ngân hàng.

Tuy vậy, trái ngược với không khí trầm lắng của thị trường, trong thời gian này, rất nhiều tập đoàn bất động sản nước ngoài xem đây chính là cơ hội để thâu tóm thị trường vốn được đánh giá rất nhiều tiềm năng. Biểu hiện là rất nhiều tập đoàn bất động sản đã chủ động tới tìm thông tin tại Hiệp hội Bất động sản TP.HCM để nhờ hỗ trợ thông tin hay nhờ các công ty môi giới trong nước săn lùng dự án.

Bà Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), cho biết gần đây, rất đông các tập đoàn bất động sản từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... sang tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bà Loan lo lắng việc siết chặt thị trường bất động sản sẽ tạo ra thời cơ vàng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, rất nhiều khả năng những chủ đầu tư trong nước từ trước vốn đã ít thì bây giờ sẽ phải chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tại một hội thảo bất động sản quốc tế vừa diễn ra ở TP.HCM, khi trao đổi với báo giới, ông Tan Hai Hsin, Giám đốc điều hành của Tập đoàn bất động sản Henry Butcher (Malaysia), không ngần ngại tiết lộ là ông đang thăm dò và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM. “Hầu hết các tập đoàn bất động sản lớn trên thế giới đã đến Việt Nam thì không có lý do gì mà chúng tôi không vào đầu tư nếu không muốn chậm chân” - ông Tan Hai Hsin nói. Ông còn cho biết với kinh nghiệm và tiềm lực, tập đoàn của ông sẽ chú trọng đầu tư các trung tâm thương mại - một thế mạnh của tập đoàn từ trước tới nay.

Chọn những dự án đẹp

Ông Lâm Văn Chúc, Tổng Giám đốc Công ty đầu tư-Xây dựng-Kiến trúc Phúc Đức, cho biết lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam là nhiều vốn. Ngoài ra, lãi suất và thời gian vay mà các ngân hàng nước ngoài cho các doanh nghiệp này vay hết sức ưu ái so với các ngân hàng trong nước.

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng được nhà doanh nghiệp nước ngoài chú ý đến. Phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chú ý đến các dự án đẹp. Đó là những dự án xây dựng cao ốc ở trung tâm các thành phố lớn hay những dự án khu đô thị lớn đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục đầu tư và chỉ cần có vốn là đầu tư ngay. Điển hình như thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài chú ý các “khu đất vàng” tại TP.HCM, Hà Nội...

Để giải quyết nhu cầu thiếu vốn thực hiện dự án, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khuyến khích doanh nghiệp trong nước nên chủ động đi tìm nguồn vốn khác chứ đừng loanh quanh vào mấy nguồn vốn trong nước.

Theo ông Võ, trong lúc này, Chính phủ nên ưu tiên việc ban hành chính sách cho doanh nghiệp thế chấp tài sản ở ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, trong việc cho vay, ngân hàng nên ưu tiên đối với chủ đầu tư trong nước có dự án đem lại hiệu quả cao. Còn theo bà Đỗ Thị Loan, trong lúc này, doanh nghiệp có dự án cần phải liên kết lại, thậm chí liên kết với nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Lâm Văn Chúc khẳng định, cũng như các ngành khác, chính lúc khó khăn này sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tránh kiểu làm ăn chụp giật như trước đây. Theo ông Chúc, doanh nghiệp trong nước nên chọn những dự án đầu tư phù hợp với túi tiền chứ đừng tham những dự án vượt quá tầm.

Theo Pháp Luật TP.HCM