Top

Nhà đầu tư ngoại đánh thức thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội

Cập nhật 13/10/2016 14:11

Việc hàng loạt nhà bán lẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam có thể gây sức ép cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, nhưng lại giúp thị trường mặt bằng bán lẻ sôi động trở lại.

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ khu vực trung tâm Hà Nội vẫn giữ nguyên từ quý I/2015 đến nay. Ảnh: Dũng Minh

Thương hiệu ngoại “đổ bộ”

Năm 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều biến động khi hai hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam là hệ thống Metro và BigC đã lần lượt được chuyển nhượng cho đối tác Thái Lan.

Việc thâu tóm 2 hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam nằm trong chiến lược “đại nhảy vọt” nhằm thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam của người Thái, khi mà các nhà bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản và Hàn Quốc đã đặt chân và đầu tư được hệ thống bán lẻ quy mô tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, Tập đoàn Lotte Hàn Quốc trước đó đã xây dựng được định chế kinh doanh mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam là hệ thống Lotte Martm.

Riêng tại Hà Nội, ngoài việc đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Lotte, tập đoàn này còn tiến hành thâu tóm lại dự án của đối thủ đang hoạt động không hiệu quả là Trung tâm thương mại Mipec tại 229 Tây Sơn để bổ sung vào hệ thống siêu thị Lotte Mart tại vị trí này.

Trong khi đó, thương hiệu bán lẻ hàng đầu Nhật Bản là Aeon Mall cũng đã đầu tư lớn và đang sở hữu hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Aeon với hàng loạt đại siêu thị “cắm rễ” tại những vị trí đắc địa tại Hà Nội. Điều đặc biệt là các trung tâm mua sắm Aeon, cụ thể là Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên đang có tỷ lệ lấp đầy rất cao.

Sau các ông lớn Lotte, Aeon, nhiều nhà bán lẻ khác của Nhật Bản, Hàn Quốc nối chân nhau “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, các thương hiệu bán lẻ lớn, như Miniso, 7-Eleven của Nhật, hay Shinsegae Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam bằng việc thâm nhập thị trường phía Nam trước khi đặt chân ra Hà Nội.

Việc các thương hiệu ngoại “đổ bộ” thị trường bán lẻ Việt Nam gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Tuy nhiên, với thị trường kinh doanh mặt bằng bán lẻ, đây là dấu hiệu rất tích cực, nó sẽ giúp phân khúc này phát triển sôi động hơn sau thời gian dài ảm đạm.

Vai trò khách hàng chủ chốt

Theo báo cáo thị trường mặt bằng bán lẻ vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam công bố, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội tiếp tục được bổ sung thêm khoảng 24.000 m2 trong quý III/2016.

Mặc dù liên tục đón nhận nguồn cung lớn, nhưng theo CBRE, tất cả thay đổi chỉ diễn ra ở khu vực ngoài trung tâm. Trong khi nguồn cung khu vực trung tâm vẫn giữ nguyên từ quý I/2015 đến nay.

Báo cáo của CBRE cũng cho biết, tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ Hà Nội đã cải thiện, khi giảm thêm 1,06% theo năm, nhưng lại tăng thêm 2,9% theo quý và tỷ lệ trống diễn ra chủ yếu với các trung tâm mua sắm nằm ở khu vực ngoài trung tâm.

Một điểm đặc biệt của thị trường bán lẻ được CBRE chỉ ra là các khách hàng chủ chốt như ngành giải trí và dịch vụ ăn uống có vai trò quan trọng đối với các trung tâm mua sắm, nhất là trung tâm mua sắm mới đi vào hoạt động.

Dẫn chứng cụ thể là tại Dự án Mipec Riverside Long Biên, dù mới hoạt động trong quý III/2016, nhưng đã đạt tỷ lệ lấp đầy 98% với sự có mặt của các khách thuê chủ chốt.

Tuy đã có sự chuyển biến tích cực trở lại trong quý III/2016, nhưng phân khúc mặt bằng bán lẻ được dự báo sẽ gặp một số yếu tố bất lợi trong quý cuối năm.

Cụ thể, theo một báo cáo vừa công bố mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Jones Lang Lasalle, nhiều trung tâm thương mại tại Hà Nội hiện nay có sức mua kém. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư vẫn có xu hướng giảm giá thuê để tăng tỷ lệ lấp đầy.

Còn CBRE cũng cho biết, trong quý IV/2016, thị trường bán lẻ Hà nội sẽ đón nhận thêm 3 trung tâm thương mại mới, với 111.000 m2 sàn mặt bằng bán lẻ gia nhập thị trường. Đặc biệt, cả 3 trung tâm bán lẻ này lại cùng nằm ngoài khu vực trung tâm, khiến sự cạnh tranh của khu vực này lớn hơn trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản