Tình trạng xây dựng không phép, sai phép, xây nhà “siêu mỏng, siêu méo” diễn ra tại nhiều quận, huyện. Khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố cho thấy vẫn còn không ít công trình vi phạm chưa được xử lý triệt để. Phải chăng do các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý không nghiêm dẫn đến chủ đầu tư "nhờn luật"?
Nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Vành đai 2 đoạn Cầu Giấy - Nhật Tân. Ảnh: Anh Tuấn
|
Tiền trảm, hậu tấu!
Không sai phạm lớn như dự án tại 8B Lê Trực (quận Ba Đình), nhưng qua đợt khảo sát của Ban Đô thị HĐND thành phố mới đây tại một số quận, huyện cho thấy, tình trạng xây dựng không phép, sai phép còn khá nhiều. Dự án Chung cư Thăng Long ở tổ 50, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 cho Công ty TNHH Thăng Long với quy mô trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê 17 tầng. Năm 2013, UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư (chứng nhận thay đổi lần thứ nhất) để Công ty TNHH Thăng Long xây dựng tòa nhà hỗn hợp với quy mô 27 tầng và 2 tầng hầm.
Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng của quận Cầu Giấy kiểm tra hiện trạng công trình trên, chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng nên đã lập biên bản đình chỉ thi công. Đáng chú ý là qua khảo sát thực tế còn phát hiện công trình xây dựng đến 32 tầng, tổng diện tích sàn tăng thêm hơn 2.000m2 so với phương án được duyệt. Chủ đầu tư vẫn đang hoàn chỉnh hồ sơ xin điều chỉnh quy mô, căn hộ nhưng vẫn thi công bình thường, dù đã được chính quyền địa phương đình chỉ, trục xuất thợ nhiều lần.
Chung cư Mai Trang Tower, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm theo phê duyệt, dự án có có diện tích 6.695m2, bao gồm 2 tòa tháp cao 37 tầng (33 tầng nổi + 4 tầng hầm). Trước ngày 16-8-2016, dù chưa được cấp phép, nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tổ chức thi công công trình. Theo Trưởng phòng Đô thị quận Nam Từ Liêm Nguyễn Cao Cường, Sở Xây dựng và UBND quận lập biên bản, xử phạt, chủ đầu tư đã nộp phạt, nhưng vẫn tiếp tục thi công; chỉ khi bằng biện pháp mạnh cắt điện, cắt nước thì công trình mới thực sự dừng thi công. Ngày 16-8 vừa qua, công trình mới được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng sau khi hoàn thành thủ tục hồ sơ.
Không chỉ ở các quận, huyện Hoài Đức cũng xuất hiện nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng. Công trình nhà ở cao 14 tầng, 1 tầng hầm của gia đình ông Nguyễn Viết Quý, nằm trên quốc lộ 32, thuộc Dự án tái định cư thôn Lai Xá, xã Kim Chung là điển hình, khiến dư luận bức xúc. Theo quy định, lô đất của ông Nguyễn Viết Quý chỉ được cấp phép xây dựng 6 tầng, nhưng thực tế gia đình ông chưa được cấp phép xây dựng mà đã xây 14 tầng (vượt 8 tầng so với quy định). Sau nhiều lần lập biên bản, xử lý, ông Nguyễn Viết Quý mới tháo dỡ được 3 tầng và đang xin UBND thành phố cho tồn tại.
Qua những trường hợp nêu trên cho thấy, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng rất ngang nhiên, số tiền xử phạt quá thấp nên chủ đầu tư chấp nhận nộp phạt để tồn tại vi phạm. Đặc biệt, câu chuyện “tiền trảm, hậu tấu” vẫn rất phổ biến, vì lợi nhuận, chủ đầu tư cứ làm sai, nếu bị phát hiện thì nộp phạt rồi xin điều chỉnh bổ sung hoặc hợp thức hóa sai phạm.
Cần xử lý mạnh để răn đe
Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, qua khảo sát, hầu hết các công trình vi phạm trật tự xây dựng đều chưa được xử lý triệt để do nhiều yếu tố. Về khách quan, nhiều công trình dù đã được thanh tra xây dựng và chính quyền cơ sở ra quyết định xử lý, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các sai phạm, nhưng vì lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư không chấp hành. Chính quyền địa phương không giám sát chặt chẽ là tái diễn vi phạm.
Bên cạnh đó, sai phạm của các công trình xây dựng nhà cao tầng thường là về chiều cao, muốn xử lý thì phải cắt gọt các tầng, đòi hỏi phương tiện kỹ thuật cũng như thời gian. Đây cũng là nguyên nhân việc khắc phục các vi phạm trật tự xây dựng tại các công trình cao tầng chậm. Về chủ quan, do sự phối hợp giữa lực lượng thanh tra xây dựng với chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa tốt, thiếu quyết liệt; công an phường không thực hiện quy định cấm công nhân, xe chuyển vật liệu vào công trình theo đề nghị của chính quyền... Không chỉ có công trình cao tầng, trên địa bàn thành phố còn 41 trường hợp vi phạm, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp chưa xử lý triệt để.
Trong báo cáo gửi Ban Đô thị HĐND thành phố, nguyên nhân được Thanh tra Sở Xây dựng nêu ra là do quy trình xử lý chưa đồng bộ về trình tự, thời gian, thẩm quyền nên vi phạm tồn tại kéo dài. Một số cán bộ thanh tra xây dựng còn hạn chế về kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm chưa cao, còn bỏ sót hành vi vi phạm, trích dẫn sai điều, khoản áp dụng, tham mưu đề xuất chưa kịp thời. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn, nguyên nhân chậm xử lý một số công trình vi phạm do có những thời điểm, sự phối hợp giữa quận và các ngành chức năng của thành phố thiếu chặt chẽ, nên không kiên quyết xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Cũng chính vì nguyên nhân này, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng còn tồn tại 6 công trình vi phạm thuộc Công viên Tuổi trẻ đến nay chưa có hồi kết.
Dẫu biết là khó xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng, nhất là những công trình vi phạm đã lâu, nhưng không phải không thể xử lý được, bởi thành phố đã phân cấp quản lý, quy trách nhiệm rõ vai trò người đứng đầu trong lĩnh vực này.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: