Top

Nhà đất thổ cư: Khi chủ nhà “chán” môi giới

Cập nhật 26/09/2014 10:06

Trong nhiều mặt hàng nhà đất, loại hình giao dịch BĐS như hiện nay, dân trung gian môi giới địa ốc chủ yếu đang “sống” nhờ sinh khí của căn hộ chung cư (bao gồm cả nhà thu nhập thấp lẫn cao cấp). Nguồn cung và sức cầu thổ cư luôn cao, nhưng rất ít môi giới trụ lại với “sân chơi” màu mỡ này.

Giao dịch thành công, ngoại trừ tỷ lệ hoa hồng theo hợp đồng, người môi giới thường có thêm khoản tiền “lộc” (vài chục tới cả trăm triệu đồng, tùy mức hào phóng của chủ nhà). Đáng tiếc, khâu trung gian đang dần bị tối giản.

Cắt cầu, mối lo muôn thuở

Bước chân vào nghề môi giới - tư vấn nhà đất, dù là một nhân viên thuộc sàn giao dịch “hoành tráng” (đủ tư cách pháp nhân lẫn thương hiệu, theo cách gọi của giới hành nghề dịch vụ BĐS) hay chỉ hoạt động theo nhóm nhỏ chuyên “đánh nhanh” các sản phẩm mang tính thời vụ, bài học xuyên suốt vẫn là: bảo đảm thông suốt cung - cầu và chắc chắn về hoa hồng được hưởng sau mỗi thương vụ.
Với BĐS là nhà ở CCTM hay liền kề, người môi giới thường không quá lo lắng về chuyện “phần trăm” (dựa trên hợp đồng môi giới ký kết với chủ tài sản). Đặc biệt, thời điểm từ giữa 2014, rổ hàng hóa cho lực lượng trung gian khớp nối tới người có nhu cầu ngày càng đa dạng.

Theo đại diện vài sàn giao dịch đặt tại khu Trung Yên - Trung Kính, chỉ cần… chịu khó chăm khách, thương thuyết giá chào bán/chào thuê sản phẩm chung cư, là “sống khỏe” tới hết năm nay.

Khách hàng hiểu biết 1, thì môi giới (nhất là những cá nhân có “thâm niên” lẫn kinh nghiệm đầu tư dự án) cũng am tường pháp lý, công cụ tài chính tới 1,5. Rõ hơn cả, tại địa bàn Hà thành, chưa từng xảy ra chuyện môi giới kiện chủ BĐS “quỵt” tiền hoa hồng theo cam kết. Ngược lại, với nhà đất thổ cư, rất nhiều môi giới đều chung nỗi niềm bị “gạt” khỏi thương vụ mà họ khổ công “chăm bẵm” ròng rã nhiều tháng trời.

Nguyên nhân, đây là dạng sản phẩm có giá thành cao, thanh khoản tốt (đương nhiên đủ yêu cầu cầu pháp lý). Trong khi theo tâm lý chung, chủ đất lẫn người mua đều không muốn mất “khoản tiền chỉ trỏ” cho môi giới nên sẵn sàng thỏa thuận nếu hai bên “ưng”.


Quảng cáo kiểu… rác trời này liệu có bán được nhà

Lại thêm yếu tố cạnh tranh về nguồn hàng “nét” (với các BĐS có vị trí đẹp, hạ tầng ổn, an ninh tốt), môi giới còn phải dè chừng bị đồng nghiệp khác “hớt tay trên”.

Cụ thể, là câu chuyện của chị Lan Anh, một nhà đầu tư mới nổi (sau gần 5 năm đi làm môi giới) chuyên đất thổ cư, đất nông nghiệp dịch vụ tại phía Đông Hà Nội.

Chị Lan Anh cho biết đầu năm 2013, chủ nhân căn thổ cư 40m2, xây 3 tầng ở Trung Văn (Từ Liêm) “đặt hàng” môi giới khách mua với giá 2,4 tỷ đồng. Trước khoản tiền hoa hồng hứa hẹn lên tới 2% (48 triệu đồng), cộng thêm vị trí đắc địa của căn nhà, chị tìm được khách sau 6 tháng cật lực. Tới lúc 3 bên gặp nhau trao đổi tại căn nhà rao bán, chị bị chủ nhà và khách đồng loạt từ chối giao dịch. Tìm hiểu, họ đã liên lạc qua điện thoại và mua đứt bán đoạn ngay sau khi gặp mặt chừng 1 tháng.

Một lát cắt khác được chia sẻ từ môi giới tên Toàn Thắng (Đống Đa). Khách yêu cầu mua thổ cư trong quận Hà Đông, diện tích trên 40m2, giá cả không quan trọng và sẵn sàng chi thêm tiền bồi dưỡng 50 triệu đồng nếu mua được nhà Tây tứ trạch. Lùng sục 3 tháng, Thắng tìm được nhà “đủ điều kiện”. Nhưng đáng tiếc, người cùng làm việc trong sàn của anh đã nhanh tay “kéo khách” về phía mình với đề nghị: không cần tiền “boa”.

Tự quảng cáo, tha hồ tiết kiệm

Truyền tai nhau và tự bao giờ đã trở thành thành kiến với đội ngũ trung gian, nhà đất thổ cư ngày càng “khan” nhân lực môi giới. Lo ngại bị cắt cầu, thậm chí có trường hợp bị chủ nhà “dằn mặt” vì đòi hoa hồng quá dai dẳng, nhiều cá nhân làm nghề dịch vụ địa ốc đã “cạch” hẳn món hàng thổ cư.

Khách quan, những chủ sở hữu BĐS cần bán hoặc người săn tìm cơ hội thổ cư tại Thủ đô có lý do đẩy họ tới việc loại bỏ yếu tố trung gian trong giao dịch.

Trước hết, đó là sự vào cuộc có phần “quá đà” của truyền thông đại chúng khi phản ánh sự méo mó xuất hiện trên thị trường địa ốc liên quan tới kinh doanh dịch vụ BĐS. Dẫu rằng, các luận điểm đều “chốt” với vai trò nhà quản lý, cơ quan hoạch định và hướng dẫn thực thi chính sách điều hành trong bức tranh môi giới. Ấy vậy mà dư luận người dân vẫn luôn nghiệt ngã với cái anh môi giới, cái ả “cò” đất chuyên… khua 3 tấc lưỡi và lấy tiền hoa hồng.

Từ chỗ thiếu thiện cảm mang tính chủ quan, nhiều chủ nhà đất thổ cư trên địa bàn Hà Nội đã không ngại đầu tư công sức, thời gian để tự quảng cáo cho tài sản cần giao dịch. Công cụ Internet được triệt để khai thác (đăng tin trên web với lời chú thích “miễn trung gian”). Ấn phẩm trên giấy cũng được “phủ kín” thông tin BĐS chính chủ kèm theo số điện thoại, địa chỉ cụ thể.

Mới đây, phương thức quảng cáo thuộc loại “cổ điển” nhất trong giới marketing bán hàng là treo băng rôn, phướn trên cành cây, cột điện cũng được gia chủ tận dụng.

Ông Đăng, chủ căn nhà 50m2 mặt ngõ lớn tại phường Khương Đình, cho biết: “Gần 1 năm nay, tìm khách mua nhà mà khó quá. Thuê đăng tin trên mạng cũng không tác dụng, lại tốn tiền nên tôi quyết định treo băng rôn dọc đường bờ sông Tô Lịch để… chào hàng. Đây là con đường lưu thông đông xe, nên có lẽ hiệu quả sẽ cao hơn”.

Theo những môi giới kỳ cựu, ngay cả việc treo băng rôn nhà thổ cư để quảng cáo, cũng chỉ là hình thức cầu may. Internet có độ bao phủ rộng khắp còn chưa “ăn thua”, nói gì tới kiểu… rác trời (băng rôn, phướn). Bởi, dọc các tuyến phố chính, những băng rôn lủng lẳng trên cành cây chỉ tồn tại được ít ngày, sau đó sẽ bị lực lượng trật tự đô thị gỡ bỏ nhanh chóng.

Không môi giới, thổ cư khó lòng “trôi chảy”, Hoàng Nam, trưởng nhóm môi giới tại Trần Duy Hưng tự tin khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh Doanh