Theo nghiên cứu của Công ty CBRE Việt Nam, nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang tăng tại cả hai thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM và sẽ duy trì đà này trong năm 2015. Đến cuối năm nay, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại hai thành phố này có thể đạt 1,5 triệu mét vuông.
Trung tâm thương mại SC VivoCity, quận 7, TPHCM dự kiến được đưa vào sử dụng trong quí 2-2015. Ảnh: Mạnh Tùng |
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, nếu xét về số lượng dự án và diện tích bán lẻ của các dự án chính, Hà Nội và TPHCM sẽ đủ sức cạnh tranh các nước láng giềng trong khu vực.
Theo đó, đến cuối năm 2015, Hà Nội sẽ có khoảng 900.000 mét vuông diện tích bán lẻ chính thức (trung tâm thương mại) trong khi con số này tại TPHCM là 600.000 mét vuông.
Riêng tại TPHCM, trong năm 2015 sẽ có thêm ít nhất 5 dự án trung tâm thương mại mới, trong đó đáng chú ý là dự án Mega Mall của Tập đoàn Vingroup và dự án SC Vivo City của Công ty cổ phần phát triển khu phức hợp thương mại Vietsin (VCCD).
Hồi đầu tháng 2-2015, Vingroup công bố kế hoạch phát triển 25 trung tâm thương mại Vincom và Vincom Mega Mall trên toàn quốc trong năm 2015. Theo tin từ Vingroup, đến thời điểm hiện tại tỉ lệ cam kết lấp đầy của 25 trung tâm thương mại sẽ khai trương trong năm 2015 kể trên đạt 70%.
Mới đây, tập đoàn này đã khánh thành trung tâm thương mại Vincom Thủ Đức, quận Thủ Đức, TPHCM với diện tích sàn gần 28.000 mét vuông. Đồng thời, Vingroup cũng vừa khởi công dự án Vincom Hải Phòng, TP Hải Phòng với hơn 48.000 mét vuông trung tâm thương mại và nhà ở.
Ông Richard Leech dự báo, sự phát triển của những trung tâm thương mại mới đã dẫn đến một làn sóng của những thương hiệu mới tại Việt Nam. Chẳng hạn, trong năm 2014, những thương hiệu mới tại thị trường bán lẻ TPHCM gồm Robins Department Store, Lalique và Marks & Spencer…
CBRE Việt Nam lưu ý rằng tuyến tàu điện ngầm số 1 đang được xây dựng hiện nay sẽ liên kết với nhiều trung tâm mua sắm tại TPHCM và khu vực trung tâm quận 2.
Về giá cho thuê, theo khảo sát của CBRE Việt Nam, con số này tại TPHCM khoảng 100 đô la Mỹ/ mét vuông với các trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm và 40 đô la Mỹ/mét vuông với những vị trí ngoại thành. Đồng thời, gần 50% các yêu cầu tìm kiếm diện tích bán lẻ đều nằm ngành hàng ăn uống.
"Ngành hàng ăn uống đang dẫn đầu trong việc chiễm lĩnh những vị trí bán lẻ và đang nhóm lại với nhau tại những khu vực đặc biệt như Hồ Tây tại Hà Nội và Hồ Bán Nguyệt tại TPHCM”, ông Richard Leech nhận định.
Theo tổng hợp của TBKTSG Online từ các báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản như CBRE Việt Nam, Savills Việt Nam, Cushman & Wakefield Việt Nam, DTZ Research, công suất cho thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại đạt khoảng 80-90%. Như vậy, ít nhất là 10% mặt bằng bán lẻ trên thị trường đang vắng khách thuê.
Trong khi đó, mặt bằng bán lẻ này không chỉ xuất hiện ở các trung tâm thương mại lớn mà còn xuất hiện ở hầu hết các tòa cao ốc, các chung cư khi các tòa nhà này đều dành các tầng trệt làm mặt bằng cho thuê bán hàng.
Do đó, không phải ngẫu nhiên mà bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, trong cuộc họp tổng kết hoạt động hiệp hội cuối năm 2014 diễn ra mới đã lên tiếng lo ngại, nếu phát triển mặt bằng thương mại tại các tòa nhà trên không có định hướng, kiểm soát thì các mặt bằng này này sẽ không tránh khỏi sự ế ẩm, vắng khách khó cứu vãn như nhiều tòa nhà gặp phải hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: