Top

Người dân trưng ra bản sao tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm bị “mất tích”

Cập nhật 06/05/2018 08:53

Tấm bản đồ 1/5000 khu đô thị Thủ Thiêm từ năm 1996 Sở Quy hoạch TPHCM cho rằng chưa từng thấy, Bộ Xây dựng khẳng định tồn tại nhiều bản đồ về Thủ Thiêm, Trưởng Ban Tiếp công dân T.Ư nói “làm gì có bản đồ mà tìm”. Thế nhưng, ngày 4.5, ông Lê Văn Lung (nhà số 9 Trần Não, khu phố 1, quận 2, đã bị giải tỏa) bất ngờ tung ra cho PV Lao Động bản sao tấm bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 có dấu đỏ xác nhận của Văn phòng kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng và Cty Dịch vụ phát triển đô thị, và khẳng định “không thể nói là không có bản đồ quy hoạch 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm”.

 Bản đồ được cho là quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà ông Lê Văn Lung cung cấp cho PV Lao Động.
 
Người dân khẳng định “có bản đồ”

Trước những ý kiến trái chiều “có hay không bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (tỉ lệ 1/5.000)”, phóng viên Báo Lao Động đã tìm gặp ông Lê Văn Lung (nhà số 9 Trần Não, khu phố 1, quận 2, đã bị giải tỏa), một trong số hàng trăm người khiếu nại ở TPHCM. Ông Lung nói đang giữ tấm bản đồ màu quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tỉ lệ 1/5.000 có dấu đỏ xác nhận của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị.

Bản vẽ có ký hiệu KT-06, ngày 12.6.1995, tỉ lệ 1/5.000. Trên bản đồ có ghi: “TPHCM, Quy hoạch xây dựng Trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm, Tổng mặt bằng”. Đây được cho là bản đồ mà thành phố đã trình Thủ tướng khi đề xuất phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm.


Ông Lê Văn Lung - (nhà số 9 Trần Não, khu phố 1, quận 2, đã bị giải tỏa), một trong số hàng trăm người khiếu nại ở TPHCM chia sẻ với PV Lao Động

Chia sẻ với Lao Động, ông Lê Văn Lung cho hay: “Nhiều lần ông cùng những hộ dân nằm trong khu vực bị giải tỏa yêu cầu thành phố phải trưng ra bản đồ quy hoạch 1/5.000 để xác định ranh giới, nhưng họ bảo thất lạc. Tuy nhiên, tôi khẳng định là có bản đồ này”.

Người đàn ông này cho hay, Kết luận Thanh tra số 445/KL-TTTP ngày 6.8.2008 của Thanh tra TPHCM về chủ trương, tổ chức thực hiện tái định cư phục vụ các hộ dân di dời, giải tỏa trong phạm vi Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, có đề cập vấn đề sau khi Bộ trưởng Xây dựng thống nhất quy hoạch chi tiết 1/5.000, ngày 27.5.1996 UBND TP có Tờ trình số 1861/TT-UB-QLĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm 930ha có kèm theo bản đồ Quy hoạch tổng mặt bằng ngày 2.6.1995 và bản đồ Quy hoạch sử dụng đất ngày 20.11.1995 do Công ty Dịch vụ phát triển đô thị lập, được KTS trưởng TP, Sở Xây dựng ký duyệt.

Theo bản đồ Quy hoạch tổng mặt bằng, khu đô thị mới (theo phạm vi lập quy hoạch) có diện tích 770ha (trong đó có 133ha mặt nước sông Sài Gòn), dân số khoảng 200.000 người. Khu chuyển dân tái định cư (giáp ranh phạm vi lập quy hoạch) có diện tích 160ha, bố trí phía đông giáp ranh lập quy hoạch, dân số 45.000 người (khoảng 5.000 hộ).

“Điều đó có nghĩa là khi gửi lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kèm theo bản đồ, không thể nói là không có” - ông Lê Văn Lung khẳng định.

Cũng theo người này - nếu bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm bị thất lạc, còn có nhiều chứng cứ khác xác định ranh giới quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 367, như: Bản đồ Quy hoạch chung huyện Thủ Đức theo Quyết định 785/QĐUB-QLĐT ngày 10.1.1995 (trước khi thành lập quận 2, năm 1997). Bản đồ này đã xác định phạm vi ranh giới Khu đô thị mới Thủ Thiêm 650ha đất. Bên cạnh đó còn có bản đồ Điều chỉnh quy hoạch các khu vực quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước tại địa bàn quận 2, kèm Quyết định 225/QĐUB-QLTT ngày 15.1.1998 của UBND TPHCM.

Quang cảnh KĐTM Thủ Thiêm hiện nay. Ảnh: H.H

Những bí ẩn cần làm rõ

Không phải bây giờ, mà cách đây hơn 10 năm, việc quy hoạch, thu hồi đất tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm, quận 2 (TPHCM) đã bộc lộ không ít những điều bí ẩn.

Ông Phạm Thế Vinh (sinh 1949, trú 23/5F Trần Não, phường Bình Khánh, quận 2, TPHCM) cho biết: “Năm 2002, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM là “bổ sung” 42ha đất tái định cư phường Bình Khánh vào khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm cho đủ diện tích 770ha. Từ đó, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi 618ha đất khu trung tâm (bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2.000, theo Quyết định 13585/KTST-QH, ngày 16.9.1998 của Kiến trúc sư trưởng TP) và 39ha (trong diện tích 42ha đất tái định cư phường Bình Khánh, bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2.000, theo Quyết định 18176/KTST-QH, ngày 14.10.1997 của Kiến trúc sư trưởng TP). Thửa đất nhà tôi không nằm trong 2 bản đồ quy hoạch chi tiết trên. Tại thời điểm năm 2002, thửa đất nhà tôi cũng không có bất cứ một quy hoạch chi tiết nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vậy mà họ vẫn cưỡng chế, bắt buộc gia đình tôi phải ra đi, giao đất cho Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm”.

Tương tự ông Vinh, ở khu phố 2, phường Bình Khánh, ước chừng có khoảng 100 hộ dân (trong tổng số 700 hộ dân bị giải toả) đã “ra đi” trong ấm ức, vì họ cho rằng đất đai, nhà cửa của họ không nằm trong quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, nhưng vẫn bị cưỡng chế phi lý, buộc phải nhường đất cho KĐTM Thủ Thiêm. Trên thực tế, khu vực các hộ dân nằm xen kẽ giữa 2 khu vực (618ha và 42ha) bị quy hoạch trong phạm vi KĐTM Thủ Thiêm; tuy nhiên, khi thu hồi đất, chính quyền đã “dọn” luôn đất đai, nhà cửa của các hộ dân vô chung “chiến dịch” thu hồi đất để xây dựng KĐTM Thủ Thiêm.

Được biết, để lấy đất quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, trong suốt hơn 10 năm qua, chính quyền TPHCM đã giải toả hơn 15.000 hộ dân của toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, với tổng chi phí bồi thường khoảng 29.000 tỉ đồng. Thế nhưng, quá trình giải phóng mặt bằng phát sinh hàng trăm hộ dân khiếu nại các kiểu xung quanh chuyện thu hồi đất. Một trong các khiếu nại nổi cộm là rất nhiều hộ dân đã cho rằng nhà cửa đất đai của họ không nằm trong quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, nhưng phải giao đất. Hiện nay, vẫn còn hơn 60 hộ dân khiếu nại ra tận các cơ quan trung ương.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động