Top

Người dân thuận lợi hơn khi làm giấy tờ nhà, đất

Cập nhật 03/03/2017 09:20

Chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà dự án có thể bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỉ đồng.


Ngày 2-3, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách đất đai mới và lợi ích của dân”. Tại buổi giao lưu, các chuyên gia pháp luật đã trả lời thắc mắc của nhiều bạn đọc liên quan đến Nghị định 01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ hôm nay (3-3).

Rút ngắn thời gian làm giấy chứng nhận

Theo quy định hiện hành, thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất là bao lâu; thủ tục sang tên hay cập nhật biến động có thuận lợi gì cho người dân… Đây là những thắc mắc được bạn đọc đặt ra nhiều nhất trong buổi giao lưu trực tuyến.

Luật sư Trần Thị Miền, Văn phòng Luật sư Trần Thị Miền, trả lời: Tại Điều 2 Nghị định 01/2016 sửa đổi Điều 61 Nghị định 43/2014 có quy định thời gian thực hiện thủ tục đăng ký cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là GCN); cấp đổi, cấp lại GCN được quy định không quá 30 ngày. Với trường hợp đăng ký, cấp GCN cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là không quá 15 ngày. Với trường hợp đăng ký, cấp GCN khi thay đổi tài sản gắn liền với đất là không quá 15 ngày…

Bà Lê Thị Diễm Thùy, Phó phòng Pháp chế Sở TN&MT TP.HCM, lưu ý: Khi người dân chọn hình thức cập nhật tên chủ sử dụng trên trang 3, trang 4 của GCN đã cấp cho người chuyển nhượng hoặc đề nghị cấp mới GCN thì hai hình thức này đều có giá trị pháp lý như nhau, (theo điểm k khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014 của Bộ TN&MT). Cũng theo bà Diễm Thùy, thời gian thực hiện thủ tục cập nhật biến động trên GCN là 10 ngày, (theo điểm l khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014).

Nhiều bạn đọc thắc mắc: Điều kiện được cấp GCN đối với những trường hợp mua nhà, đất bằng giấy tay? Bà Diễm Thùy thông tin: “Đối với những trường hợp mua bán bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008, nếu đủ điều kiện (không tranh chấp, phù hợp quy hoạch, thực hiện nghĩa vụ tài chính…) thì theo Nghị định 01/2017, người nhận chuyển quyền được xem xét cấp GCN theo quy định.”

Các chuyên gia pháp luật tham gia giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách đất đai mới và lợi ích của dân”. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chậm làm thủ tục, chủ đầu tư sẽ bị phạt

“Mua nhà trong dự án hơn 10 năm chưa được chủ đầu tư làm thủ tục cấp GCN, vậy phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho mình?”. Câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Thị Lan Anh (quận Thủ Đức) cũng là thắc mắc chung của nhiều người. Trả lời câu hỏi trên, bà Trịnh Ngọc Hoàn Thiện, Trưởng phòng Kiểm tra thủ tục hành chính về đất đai - Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, cho biết: Hiện nay, theo quy định tại Điều 26 Nghị định 102/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì mức xử phạt tùy vào thời gian chậm làm thủ tục cấp GCN cho người mua. Theo đó, với thời gian bị chậm khác nhau từ ba tháng đến trên 12 tháng thì sẽ có các mức phạt khác nhau, chủ đầu tư sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đến 1 tỉ đồng.

“Để bảo vệ quyền lợi của mình, người dân cần xem lại hợp đồng hai bên đã ký kết, đề nghị công ty bán nhà thực hiện theo cam kết trong hợp đồng đã ký, nếu hai bên không giải quyết được người dân có quyền khởi kiện công ty do vi phạm hợp đồng. Đồng thời, người dân cũng có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của công ty như nêu trên” - bà Thiện nhấn mạnh.

Nhà xây trên đất thông hành địa dịch có được cấp giấy chứng nhận?

Bạn đọc Minh Hải (quận Bình Thạnh, TP.HCM) hỏi: “Năm 1978, tôi có mua căn nhà bằng giấy tay. Nhà này người bán tự xây cất vào năm 1968 trên phần đất thuộc thông hành địa dịch của nhà giáp ranh với nhà tôi (nhà giáp ranh với nhà tôi đã có bằng khoán điền thổ từ năm 1961, trên họa đồ đi kèm với bằng khoán điền thổ này có thể hiện phần thông hành địa dịch trên). Gia đình tôi đã xin Nhà nước gắn đồng hồ điện, nước và đóng thuế nhà đất hằng năm. Tôi đã đăng ký kê khai nhà đất năm 1999, đã sinh sống liên tục, ổn định tại căn nhà này 39 năm và không có ai tranh chấp. Vậy trường hợp của tôi có được Nhà nước cấp GCN hay không? Tôi có phải liên hệ với chủ cũ làm giấy tái xác nhận hay không? Với việc có một căn nhà duy nhất, tôi có phải đóng tiền sử dụng đất hay không?"

Bà Trịnh Ngọc Hoàn Thiện, Trưởng phòng Kiểm tra thủ tục hành chính về đất đai - Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM, trả lời: Theo các nội dung đã nêu trên, nếu nhà đất đã được sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2004, không có tranh chấp, nay phù hợp với quy hoạch (hoặc tuy không phù hợp với quy hoạch nhưng đất đã được sử dụng trước thời điểm công bố quy hoạch), hiện nay không còn phục vụ cho mục đích công cộng (lối thông hành địa dịch, hệ thống cấp thoát nước…) thì được xem xét cấp GCN. Trường hợp này ông không phải liên hệ chủ cũ để tái xác nhận việc mua bán nhà trước đây.

Về tiền sử dụng đất, do đất có nguồn gốc là phần thông hành địa dịch nên khi xem xét cấp GCN theo các điều kiện nêu trên, ông sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc xác định mức thu phụ thuộc vào thời điểm sử dụng đất.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP