Top

Thị trường vật liệu, người tiêu dùng lạc vào “mê hồn trận”

Cập nhật 03/03/2017 09:06

Người tiêu dùng đang bị “hoa mắt” trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường vật liệu xây dựng. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại cho biết, dù biết tình trạng này, nhưng không kiểm tra được.

Những sản phẩm vật liệu xây dựng kém chất lượng không chỉ nhanh xuống cấp, mà có thể gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng

Người tiêu dùng bị “móc túi” vì hàng kém chất lượng

Tình trạng các mặt hàng vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng đang diễn ra ngày càng nhiều trên thị trường vật liệu xây dựng. Các mặt hàng này có giá rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng chính hãng và có mẫu mã, màu sắc đa dạng, bắt mắt, khó phân biệt.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, anh Hoàng Nam, sinh sống tại quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, năm ngoái, gia đình có sửa chữa lại nhà và khi đi mua các loại thiết bị sử dụng trong nhà vệ sinh, anh thấy một số sản phẩm có giá cả hợp lý mà có in thương hiệu uy tín, nên mua về sử dụng. Tuy nhiên, mới sử dụng được khoảng hơn 1 năm, các thiết bị này đã nhanh chóng hỏng hóc, hoen gỉ, không giữ được màu men sáng bóng như trước.

"Vật liệu xây dựng thiếu kích cỡ, kém chất lượng chúng tôi có biết, nhưng từ trước đến nay chưa kiểm tra được".
- Bà Huỳnh Thị Lê, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng hàng hóa và Đo lường (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM)
 

“Bây giờ gia đình tôi đang không biết phải làm sao. Bỏ thì thương, vương thì tội”, anh Nam bức xúc.

Theo đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị vệ sinh, chỉ riêng việc sử dụng một cái vòi nước giả cũng có thể gây nguy hại không nhỏ đến sức khỏe người dùng. Do nguyên liệu làm sản phẩm này thường có lượng kim loại nặng vượt mức tiêu chuẩn an toàn cho phép. Lượng kim loại này có thể ngấm vào nước và gây hại cho người sử dụng.

Mặt hàng phức tạp và đáng lo ngại nhất trong ngành xây dựng là các nguyên liệu thiết yếu như gạch, sắt, thép, xi măng... cũng đang được làm giả tràn lan trên thị trường. Hiện nay, trên thị trường có hàng chục loại thép xây dựng khác nhau. Có sản phẩm của các doanh nghiệp nhà nước, công ty liên doanh, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân, mà người tiêu dùng quen gọi là thép tổ hợp.

Tiêu chuẩn VN 6285:1997 quy định, loại thép xây dựng có đường kính 10 mm trọng lượng phải đạt 0,617 kg/m, loại đường kính 16 mm có trọng lượng 1,58 kg/m, còn đối với loại trọng lượng 2,47 kg/m thì đường kính phải đủ 20 mm… Tuy nhiên trên thực tế, thép tổ hợp không bao giờ đạt tiêu chuẩn này.

Một số chiêu trò mà nhà sản xuất dùng để che mắt người tiêu dùng là làm giảm kích thước đường kính bằng cách cho ra khuôn dạng cây thép hình ô van, khi đo chiều rộng thì đủ, nhưng bề hông lại thiếu. Cũng có trường hợp gân thép được làm cao lên, khi đo đường kính tính luôn gân thì đủ kích thước, nhưng trọng lượng thì thiếu.

Tương tự, tôn lợp nhà hiện nay cũng có nhiều công ty sản xuất. Trong đó, một số nhà sản xuất do chạy theo lợi nhuận nên đã bỏ bớt nhiều công đoạn trong sản xuất, nhằm hạ giá thành đến mức thấp nhất. Tôn mạ kẽm kém chất lượng thường không có lớp cromic nhằm bảo vệ bề mặt không bị ô-xy hóa. Tôn không có lớp trên sẽ dễ xuống màu sạm đen, rỉ sét sau thời gian ngắn sử dụng. Còn đối với tôn màu, loại kém chất lượng cũng không có lớp sơn lót với công dụng là làm chất kết dính giữa lớp mạ kẽm và lớp sơn bên ngoài. Nếu không có lớp sơn lót này, khi gia công sẽ dẫn đến tình trạng bong tróc lớp sơn bên ngoài.

Được biết, quy định đối với tôn mạ kẽm có độ dày 0,33 khổ 1,2 m có trọng lượng 3,071 kg/m, loại có độ dày 0,40 x 1,2 m thì có trọng lượng 3,637 kg/m. Đối với tôn màu 0,30 x 1,2 có trọng lượng 2,646 kg/m, loại 0,40 x 1,2 trọng lượng đạt được là 3,637 kg/m…

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, gia đình chị Hồng, đang sửa lại mái nhà tại quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, năm trước gia đình chị sửa lại mái nhà, chị đã ra tận cửa hàng để mua tôn về lợp. Tuy nhiên, tôn mà người bán cung cấp cho chị không đủ độ dày của thép nền, độ dày của lớp mạ trên vật liệu cũng không đảm bảo, nên mới sử dụng được 1 năm đã bị phai màu, gỉ sét, gây thấm dột khi trời mưa, nên nay chị phải sửa lại.

Cũng chung hoàn cảnh, gạch ống đúng tiêu chuẩn chỉ có 2 quy cách kích thước là 190 x 90 x 90 mm và 180 x 80 x 80 mm. Tuy nhiên trên thị trường, không khó để gặp những loại có kích thước nhỏ hơn, chỉ khoảng 170 x 70 x 70 mm, thậm chí còn thấp hơn. Do người tiêu dùng chủ quan, không kiểm tra quy cách, nên các doanh nghiệp giảm kích thước sản phẩm xuống như vậy để bán với giá rẻ hơn, dễ tiêu thụ hơn.

Khó quản lý?

Kiến trúc sư Đinh Văn Quyền, thuộc Công ty Xây dựng Thiết Thạch chia sẻ, một công trình đạt chuẩn chất lượng đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài vẻ đẹp khi thiết kế, còn phải tính đến khả năng chịu lực của công trình, tức là chất lượng của vật liệu xây dựng. Chẳng hạn, xi măng phải đúng mác, gạch phải đạt độ hút nước, độ bền nén, kể cả cát cũng phải đúng kích cỡ và phải là cát sạch. Do vậy, vật liệu xây dựng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới công trình, nhất là với những nhà cao tầng. Hiện tượng xuống cấp của những công trình không may sử dụng phải vật liệu kém chất lượng là tường bị nứt, bong tróc, cột trụ nghiêng, nền móng lún…, thậm chí, có trường hợp còn bị sập nhà.

Trao đổi về việc quản lý vật liệu xây dựng giả, nhái, hàng kém chất lượng trong thị trường vật liệu xây dựng, bà Huỳnh Thị Lê, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng hàng hóa và Đo lường (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM) cho biết: “Vật liệu xây dựng thiếu kích cỡ, kém chất lượng chúng tôi có biết, nhưng từ trước đến nay chưa kiểm tra được”.

Trong khi đó, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, quản lý thị trường không am hiểu về quy cách vật liệu xây dựng, nên rất khó kiểm tra. Chẳng hạn như tôn, sắt, thép, rất khó có thể kiểm tra bằng mắt thường, nhìn cái nào cũng như nhau. Cái này phải do các ngành chuyên môn, với trang thiết bị chuyên dụng mới kiểm tra được. Hơn nữa, nhiệm vụ chính của lực lượng quản lý thị trường là kiểm tra về hàng giả, sở hữu công nghiệp, giấy phép hoạt động kinh doanh, hàng ngoại nhập lậu… Sắp tới, Chi cục sẽ nêu ý kiến với ngành để có phương hướng giải quyết.

Để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần phải tự trang bị cho mình cách phân biệt hàng “dỏm” và hàng thật. Đối với thép chất lượng tốt thường có màu xanh của thép, thân thép đồng đều, bề mặt bóng. Thép kém chất lượng thường có ánh màu đỏ, thân thép không đều, bề mặt sần sùi, khả năng chịu lực kém, dễ gãy.

Với tôn mạ kẽm có chất lượng kém, khi đưa ra ánh sáng thì không thấy có ánh vàng. Ngoài ra, do không có lớp cromic bảo vệ, bề mặt dễ bị ô-xy hóa làm tôn sạm đen. Hơn nữa, được sản xuất từ công nghệ lạc hậu, nên sản phẩm không được đồng đều, ở hai mép tôn thường có vết răng cưa.

Đối với gạch ống kém chất lượng, sản phẩm có trọng lượng nhẹ do độ dày thấp, độ xốp cao. Màu gạch không đều do sử dụng nguyên liệu xấu, cũng như quá trình nung không đạt nhiệt độ cần thiết. Viên gạch bị méo mó, sần sùi, dễ vỡ…

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, quản lý thị trường để kịp tời phát hiện, xử lý những đơn vị, cá nhân cố ý sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất kém chất lượng. Đồng thời cũng cần phải quản lý chặt chẽ thị trường nhập khẩu, có những chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các chủ công trình xây dựng cũng như người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm của những cơ sở sản xuất có uy tín, có bảo hành đầy đủ.



DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản