Top

Người dân thấp thỏm vì nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá xuống cấp

Cập nhật 28/02/2017 13:45

Hàng loạt các biểu hiện “bất bình thường” như thang máy bị kẹt, nhà ở xuất hiện nhiều vết nứt, phòng ở thấm nước khi trời mưa to, hệ thống nước thải thường xuyên bị tràn ngược… là những nỗi lo hiện hữu hàng ngày của cư dân khu nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá (xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội).

Không chỉ xuất hiện nhiều vất nứt, tòa D10 còn hay bị kẹt thang máy?

Nước tràn vào nhà, thang máy rơi tự do...

Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp Đặng Xá 1 được xây dựng trên khu đất No5B và No10B với tổng diện tích hơn 3 ha; bao gồm 946 căn hộ với diện tích từ 55 - 69m2; có tổng vốn đầu tư 622 tỷ đồng, được khởi công xây dựng cuối tháng 7/2010 và khánh thành, đưa vào sử dụng vào tháng cuối tháng 7/2012.

Tính đến nay, dự án đưa vào sử dụng chưa được 4 năm, nhưng theo phản ánh của cư dân sống tại khu chung cư này, nhiều tháng nay họ phải sống trong tình cảnh thấp thỏm, lo sợ. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do sự xuống cấp nghiêm trọng của các tòa chung cư.

“Mục sở thị” một số tòa nhà xuống cấp như: D9; D10; D11; D13…, phóng viên Đầu tư Bất động sản quan sát thấy tình trạng xuống cấp của những tòa nhà này được thể hiện rõ trên các vết tường nứt chạy dài từ 2 - 5 mét, hệ thống thoát nước trào ngược, thấm ẩm ra tường… Trao đổi với cư dân nơi đây, hầu hết đều tỏ ra lo lắng. Với thu nhập không cao, họ phải tích cóp, vay mượn một số tiền không nhỏ mới mua được nhà, thậm chí có người còn chưa trả hết nợ thì nhà đã xuống cấp, lại phải kiếm tiền tu sửa vì sắp hết thời gian bảo hành.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, anh N.V.T, cư dân sinh sống tại chung cư Đặng Xá 1 cho biết: “Các vết nứt xuất hiện từ năm trước và mật độ ngày càng nhiều. Chúng tôi đã phản ánh với Trưởng ban quản lý tòa nhà, Xí nghiệp vận hành quản lý tòa nhà khu đô thị Đặng Xá (Xí nghiệp Quản lý nhà Đặng Xá) nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Bên cạnh các vết nứt, tường căn hộ cũng thường xuyên ẩm mốc do nước thấm qua, nhất là khi trời mưa to nước lại thấm qua cửa sổ, có hộ còn bị nước tràn xuống cả sàn nhà”.

Khi được hỏi về việc tu sửa của Xí nghiệp quản lý nhà Đặng Xá thì: “Họ cũng sửa, nhưng chỉ bơm keo vào chỗ hở, nứt, rồi quét sơn lại một cách qua loa nên đâu lại vào đấy, mưa vẫn thấm nước như thường”, anh T., bất bình.

Chưa dừng lại ở đó, việc khiến cư dân nhiều lần “mất vía”, nhất là trẻ em, phụ nữ vì thang máy thỉnh thoảng trôi tự do hoặc bị kẹt không mở cửa ra được. Lúc này người dân phải hô la kêu cứu mãi cán bộ quản lý tòa nhà mới đến hỗ trợ. Trong khi bộ máy khai thác vận hành tòa nhà có đến gần 400 người và mỗi hộ dân phải đóng 100.000 đồng/tháng cho chi phí vận hành. Và nếu làm phép tính cộng đơn giản như người dân nơi đây ví von thì hiện tại với 5.000 hộ dân họ sẽ phải chi phí 500 triệu đồng/tháng cho việc vận hành tòa nhà kém chất lượng và đương nhiên là không xứng với đồng tiền họ bỏ ra?

Hiện tại có khoảng hơn 30 hộ đang trong tình trạng nứt tường cần tu sửa

Nỗi lo hết hạn bảo hành

Làm việc với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc Xí nghiệp quản lý nhà Đặng Xá thừa nhận những bất cập, tồn tại trên là có.

“Tuy nhiên, đây chỉ là những vết nứt trên bề mặt, không ảnh hưởng đến kết cấu của công trình. Vì công trình được xây dựng trong thời gian ngắn, kết hợp với thời tiết nóng ẩm mưa nhiều, khiến lớp vữa trát tường co ngót không đều, làm xuất hiện nhiều vết nứt”, ông Hiệp lý giải.

Bóng đèn hỏng đã lâu nhưng vẫn chưa được thay

Khi được hỏi về chất lượng công trình, các nhà thầu thi công thì: “Vật liệu phục vụ cho việc xây dựng đều đã được cơ quan chức năng kiểm định và đạt chuẩn, cả việc chịu lún. Mỗi công đoạn xây dựng đều có bộ phận chuyên trách quản lý nên chất lượng nhà không có gì phải lo ngại. Các nhà thầu thi công đều là công ty con của Tổng công ty Viglacera”, ông Hiệp cho biết.

Khi được hỏi về phương hướng khắc phục, sửa chữa sắp tới, ông Hiệp nói: “Trước đây, khi nhận thông tin, chúng tôi phải báo nhà thầu thi công và đợi họ đến sửa chữa. Giờ để khắc phục nhanh, chúng tôi đã thành lập một đội chuyên sửa chữa riêng để phản ứng khi có phản ánh của người dân. Và phương pháp hiện tại vẫn là bơm keo vào vết nứt, tu sửa, bảo hành thang máy”.

Hệ thống nước thải thường xuyên bị trào ngược, thấm ra ngoài

Trước thực trạng xuống cấp của các tòa nhà, cư dân ở đây rất lo ngại với câu hỏi, khi hết hạn bảo hành (tháng 8/2017) liệu chủ đầu tư có “phủi tay” khi chưa bảo hành xong các lỗi trước đó? Nếu như vậy, họ lại phải lo thêm khoản tiền riêng để chi phí cho tu sửa nhà của mình khi chưa hết hạn bảo hành đã xuống cấp. Gánh lo lại thêm đè nặng lên nỗi lo cơm áo của những người thu nhập thấp.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản