Top

Những dự án bất động sản “họ hứa” không đổi họ

Cập nhật 28/02/2017 09:39

Đã nộp hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để mua nhà, đất, nhưng khách hàng chỉ nhận được những lời hứa lèo của chủ đầu tư, đơn vị phân phối từ năm này qua năm khác. Đây là thực trạng đang xảy ra tại hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM.

Dự án của Tổng công ty Thái Sơn tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM sau nhiều năm triển khai vẫn là bãi đất trống cỏ mọc um tùm. Ảnh: Gia Huy

Những dự án mang tên họ… hứa

Ngày 11/2/2017, gần 30 khách hàng của Dự án Tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội (số 32 Hoàng Bất Đạt, quận Tân Bình) do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình (Công ty Tân Bình) làm chủ đầu tư kéo lên Sở Xây dựng TP.HCM nhờ Sở can thiệp với chủ đầu tư để đơn vị này sớm giao nhà cho người dân, bởi dự án đã chậm bàn giao nhà hơn 1 năm.

Bà Nguyễn Thị Thúy, một khách hàng mua nhà dự án này cho biết, từ đầu năm 2016, hàng trăm hộ dân mua nhà dự án này đã nhiều lần kéo lên Công ty Tân Bình đòi nhà và được doanh nghiệp này liên tục hứa sẽ bàn giao nhà. Trong đó, lần hứa cuối cùng là vào quý IV/2016, nhưng đã qua năm 2017 mà dự án vẫn không có gì cho thấy đã hoàn thiện và dân có thể vào sinh sống.

Tương tự, tại một dự án đất nền do Công ty cổ phần Địa ốc K.P phân phối cũng đang bị hàng trăm khách hàng kéo tới đòi nhà những ngày qua. Theo đó, những khách hàng mua dự án đất nền do công ty này phân phối đã viết đơn tố cáo, gửi cho nhiều cơ quan chức năng.

Trong đơn tố cáo Công ty K.P tới các cơ quan chức năng của TP.HCM, khách hàng cho rằng, công ty môi giới sai sự thật, dùng nhiều thủ đoạn để “móc túi” khách hàng, bán dự án cho khách hàng, nhưng nhiều năm không bàn giao đất cho khách.

Ngoài 2 dự án trên, Dự án Cao Ốc Xanh, quận 9 do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 làm chủ đầu tư cũng là một dự án mang tên “họ hứa”. Được biết, dự án này có cách đây hơn 10 năm và đã bán hết cho người dân, nhưng tới nay, chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng và bàn giao cho khách hàng, dù trong hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư nêu rõ, sẽ giao đất cho khách hàng sau khi khách hàng đóng tiền từ 12 - 18 tháng.

Mới đây nhất, ngày 21/2, hàng chục khách hàng đại diện cho hàng trăm người mua đất tại Dự án Khu nhà ở Phước Kiển I (huyện Nhà Bè, TP.HCM), do Công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư đã kéo tới Sở Xây dựng TP.HCM cầu cứu, vì sau 14 năm đóng tiền mua đất dự án và liên tục được chủ đầu tư hứa bàn giao đất cho xây nhà, đến nay, khách hàng vẫn chưa được xây nhà trên chính mảnh đất mình mua.

Bà Trần Phạm Ngọc Ánh, một khách hàng mua đất dự án này cho biết, theo phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã chấp thuận dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên ngành quốc phòng trên diện tích 19 ha đất, quy mô 436 nền nhà biệt thự. Năm 2003, sau khi có quyết định thu hồi đất giao cho Công ty Thái Sơn, chủ đầu tư này đã phân lô bán nền cho người dân.

Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ bắt khách hàng liên tục đóng tiền, trong khi hạ tầng xây dựng nửa vời. Do vậy, hiện huyện Nhà Bè không chấp thuận cho chủ đầu tư này giao đất cho người dân xây nhà, vì cốt nền không còn được chuẩn như những năm 2003 khi dự án được phê duyệt. Ngoài ra, hạ tầng giao thông kết nối không hợp lý, điện, nước cũng chưa hoàn thành, nên những ban ngành liên quan không đồng ý cho phép chủ đầu tư giao đất cho người dân xây nhà.

“Đã không dưới 20 lần chủ đầu tư này hứa sẽ giao đất cho người dân xây nhà. Trong đó, chỉ riêng năm 2016, đầu năm chủ đầu tư hứa tháng 3 sẽ cho xây, rồi hứa tới tháng 7, tháng 7 không xong lại hứa tới hết quý IV sẽ cho xây. Nhưng hết năm 2016, dự án này vẫn bị thông báo không được phép xây dựng”, bà Ánh nói.

Cũng hình thành từ năm 2003, số phận dự án Khu dân cư - thương mại - trường học Nam Sài Gòn có địa chỉ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM do Công ty An Đại Việt, một công ty con của Công ty Vật tư và giống gia súc (Amasco) làm chủ đầu tư cũng có số phận tương tự.
ảnh 1

Bà Trương Thị Bích Tiên, ngụ quận 10 TP.HCM cho biết, năm 2003 bà có mua đất dự án, nhưng tới nay đã 13 năm, bà đã hoàn thành gần như xong nghĩa vụ tài chính, mà dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Công ty không hề thực hiện xây dựng dự án giao cho khách hàng như cam kết là năm 2014.

Được biết, dự án này đã được quy hoạch 1/500 vào năm 2002. Dự án có quy mô 20,497ha, được Công ty An Đại Việt chia thành gần 1.000 nền đất, gồm nhà phố, biệt thự… Nhưng sau nhiều lần hứa giao đất cho khách hàng, tới nay, dự án này vẫn im hơi lặng tiếng.

Tại dự án Khu dân cư Intresco - khu 6A tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh TP.HCM do Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh nhà (Intresco) làm chủ đầu tư cũng trong tình trang tương tự. Dự án với “sứ mệnh” phát triển nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Công ty và được thực hiện từ năm 2003. Dự án gồm khu dân cư rộng 188.603 m2, khu công nghiệp thương mại rộng 297.250 m2 với hàng trăm nền đất, đã được chủ đầu tư bán cho người dân theo hình thức huy động góp vốn và cam kết 24 tháng sau khi nhận tiền của khách sẽ giao đất cho khách xây nhà ở. Năm 2016, hàng trăm khách hàng quá mệt mỏi với lời hứa lèo của chủ đầu tư đã kéo tới công ty để đòi nhà. Tại đây, khách hàng lại tiếp tục được chủ đầu tư hứa sẽ giao đất vào cuối năm 2016, nhưng giờ đã tới năm 2017, mà khu đất dự án vẫn chỉ có cỏ phát triển, chứ không thấy dân xây nhà.

Khách hàng vẫn phải chờ

Để giải quyết những dự án “họ hứa”, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, khiến nghị gấp rút giải quyết vụ việc, đồng thời hỗ trợ các chủ đầu tư sớm giải quyết vướng mắc để có thể sớm giao nhà, đất cho dân.

Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa có tiến triển. Đơn cử, tại Dự án Phước Kiển I, năm 2016, dự án do ông Nguyễn Kim Thọ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn là người phụ trách, nhưng hết năm 2016, ông Thọ đã được chuyển quản lý dự án khác, nên người dân không biết liên hệ với ai và không biết bao giờ mình mới được giao đất để xây nhà.

Trước phản ánh của khách hàng Dự án Phước Kiển I, UBND TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo tình hình dự án và ngày 5/1/2017, Sở Xây dựng TP.HCM có báo cáo về dự án này. Ngày 19/1/2017, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hùnh Cách Mạng chủ trì cuộc họp với chủ đầu tư là Công ty Thái Sơn và huyện Nhà Bè, Sở Xây dựng để nghe các bên báo cáo tình hình dự án.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch Huỳnh Cách Mạng giao Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông - Vận tải, Thanh tra Thành phố, UBND huyện Nhà Bè, Công ty Thái Sơn làm rõ những khó khăn hiện nay của dự án, chủ động xin ý kiến của Bộ Xây dựng rồi trình báo cáo với UBND TP.HCM để xử lý dứt điểm tồn đọng của dự án theo đúng quy định pháp luật. Thời hạn mà các bên phải báo cáo Thành phố là 19/2, nhưng tới nay, các bên mới có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng.

Luật sư Bùi Ngọc Long, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, để diễn ra tình trạng này là lỗi theo quy trình, từ chủ đầu tư tới cơ quan chức năng.

“Việc chủ đầu tư mới chỉ có giấy chấp nhận phê duyệt quy hoạch dự án, chưa tiến hành đền bù giải tỏa, chưa làm hạ tầng…, nhưng đã được phân lô bán nền là hoàn toàn sai. Đây là hình thức huy động vốn trái pháp luật và hậu quả là hiện nay có nhiều dự án tranh chấp, khiếu kiện khắp nơi, mà người thiệt hại vẫn là khách hàng. Nếu trước đây, các cơ quan quản lý quản lý kỹ những dự án này ngay từ đầu, không cho bán lúa non, thì sẽ không có tình trạng này diễn ra”, luật sư Long nói.

Cũng theo luật sự Long, nếu các chủ đầu tư tiếp tục thất hứa, thì khách hàng có thể kiện chủ đầu tư ra tòa, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, trước khi khởi kiện, người dân cũng cần phải tư vấn luật thật kỹ, bởi hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng là hợp đồng góp vốn, có thời hạn hàng chục năm, nên chủ đầu tư có thể lách luật cho rằng, hợp đồng vô hiệu vì quá thời gian thực hiện.

“Trước kia, Nghị định 71 cho phép chủ đầu tư bán dự án bằng hợp đồng góp vốn, giờ thì áp dụng Nghị định 99, buộc chủ đầu tư phải ký hợp đồng mua bán mới có hiệu lực. Tuy nhiên, theo Nghị định 99, khi áp dụng theo nghị định mới, chủ đầu tư phải làm lại hợp đồng, yêu cầu khách hàng ký từ hợp đồng góp vốn thành hợp đồng mua bán”, luật sư Long cho biết.             


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản