Top

Ngổn ngang hậu giải tỏa

Cập nhật 06/07/2009 09:40

Chung cư Bình Trưng Đông - quận 2 xuống cấp, người dân tái định cư phải tự sửa chữa. Ảnh: T.Thạnh

Toàn TPHCM đến nay vẫn còn 944 hộ chưa được tái định cư sau giải tỏa.

Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư, TPHCM hiện có 522 dự án cần di dời, giải tỏa với hơn 60.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Dù Nghị quyết 18 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nêu rõ:“Chính sách bồi thường phải bảo đảm tái lại được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” nhưng hiện nay vẫn còn không ít hộ dân bị giải tỏa đã nhiều năm vẫn chưa thể ổn định được cuộc sống.

Loay hoay tái định cư


Tạm cư đã 5 năm nay, nhiều hộ dân bị giải tỏa trong dự án khu dân cư Bến Lức (phường 7, quận 8 và một phần xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) đến nay vẫn cứ vất vưởng nay đây mai đó. Ông Đinh Văn Thành (tổ 3, ấp 3, xã An Phú Tây) được tái định cư bằng 6 nền đất với diện tích khoảng 500 m2 nhưng đến nay gia đình ông vẫn phải sống trong căn nhà thuê lợp tôn và ván ọp ẹp. “Vợ chồng tôi đã lớn tuổi, vợ tôi lại nay ốm mai đau, vừa mới mổ sạn thận nên rất cần một nơi ở thoải mái để an dưỡng, có chỗ để con cái an cư, chứ ngôi nhà thuê ọp ẹp này người ta cũng sắp lấy lại rồi. Không lẽ vợ chồng con cái lại dắt díu nhau đi tìm chỗ thuê nhà nữa?”- ông Thành ái ngại.

 

Còn hộ ông Huỳnh Văn Bé (tổ 2, ấp 3, An Phú Tây) vì nhân khẩu quá đông nên phải vay mượn tiền của bà con, qua xã Hưng Long (Bình Chánh) mua đất cất nhà ở tạm chờ ngày được giao nền đất. Ông Bé rầu rĩ: “Ngày trước, cứ mỗi tháng được nhận 2 triệu đồng tiền hỗ trợ thuê nhà nhưng 6 tháng nay chưa nhận được tiền. Lên Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận 8 thì người này chỉ qua người kia chỉ lại, không ai trả lời hay hướng dẫn cụ thể gì cả!”. Đến nay, toàn TP vẫn còn 944 hộ chưa được tái định cư.

Người chưa được giao nền đã vậy, người được giao nền cũng không vui vẻ gì hơn. “Giao nền mà không giao quyền sử dụng thì cũng chỉ ngó thôi chứ làm được gì!”- ông Nguyễn Văn Thắng (ấp 2, An Phú Tây) bức xúc. Ông Thắng cho biết khi nhận nền, chủ dự án liên tục thúc ông đóng tiền thuế đất để ra sổ hồng nhưng khi đã đóng thuế đất xong đến nay đã 3-4 năm vẫn chưa thấy tăm hơi sổ hồng đâu. “Nhiều hộ xung quanh đây cũng vậy, không riêng gì nhà tôi!”- ông Thắng cho biết. Nhiều hộ dân nằm trong dự án Khu Công nghệ cao (quận 9) cũng gặp tình trạng “treo” chủ quyền như gia đình ông Thắng, làm người dân hết sức lo lắng và búc xúc bởi lẽ việc nắm chủ quyền trong tay không chỉ để người dân yên tâm mà còn để thực hiện các giao dịch cá nhân. Đây cũng là một thiệt hại cho người dân bị giải tỏa.

Nhà kiên cố, nghề lung lay


Sau 3 năm nhận được 1,6 tỉ đồng tiền đền bù từ dự án KCN Tân Phú Trung, bà Tạ Thị Quỳnh (ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) đã hơn 70 tuổi phải sống bằng nghề hái rau muống bán ở chợ. Bà Quỳnh chua xót: “Cầm tiền chưa được bao lâu thì thằng con trai trở chứng chơi cá độ đá banh, thế là mất hết. Còn lại vài trăm triệu đồng, tôi mua miếng đất nhỏ hai mẹ con ở. Con không nghề ngỗng gì nên tôi trở thành lao động chính!”. Hộ ông Nguyễn Văn Tánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Phú, quận 9, nằm trong dự án Khu Công nghệ cao. Năm 2003, ông được tái định cư bằng nền đất nhưng do không đủ tiền cất nhà theo quy hoạch nên ông bán nền, mua đất tại tổ 3, khu phố 6. Cả gia đình năm nhân khẩu trước kia sống nhờ vào mấy công ruộng và rau màu, tuy hơi cực nhưng kinh tế thoải mái vì thu nhập từ rau màu mỗi ngày cũng được từ 250.000-300.000 đồng. Sau giải tỏa, cả gia đình ông Tánh chỉ trông chờ vào bốn căn phòng trọ cho thuê (1,2 triệu đồng/tháng) và thu nhập 1,2 triệu đồng lương của ông. Ông Tánh cho biết hàng xóm của ông hơn chục hộ đều gặp cảnh tương tự.

Nhà cửa đẹp đẽ, đầy đủ tiện nghi nhưng công việc không ổn định, đó chính là thực trạng của nhiều hộ dân bị giải tỏa, đặc biệt là bộ phận nông dân đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi ngành nghề. Tuy ở trong ngôi nhà khang trang nhưng bà Nguyễn Thị Hồng (khu phố 6, phường Tân Phú, quận 9) chưa được phút nào vui. Bà kể: “Con đông nên bán cái nền đất cùng với ít tiền bồi thường, không đủ mua cho mỗi đứa mỗi lô đất nhỏ. Vợ chồng tôi dốc hết tiền cất nhà đàng hoàng để tụi nó ở chung. Nào ngờ cả chục đứa con ruột, dâu, rể... sống chung với hai vợ chồng tôi nhưng cứ lục đục nhau miết, phức tạp quá! Nguyên nhân cũng vì công việc làm ăn không ổn định. Không đứa con nào của bà Hồng vào làm được trong công ty, xí nghiệp vì không đủ trình độ, phải làm thuê làm mướn theo mùa vụ, công việc bấp bênh lắm”.

Bí thư Đảng ủy xã An Phú Tây, ông Nguyễn Văn Sang, cho biết An Phú Tây là một xã thuần nông nên sau khi bị giải tỏa tái định cư, đa phần cuộc sống bà con rất khó khăn do không còn đất để sản xuất. Để kiếm sống, hầu hết các hộ dân bán suất tái định cư, đi đến các xã vùng sâu, vùng xa hoặc về tỉnh khác sinh sống.

 

Nỗi khổ... chung cư

Nhiều chung cư mới xây dựng nhưng đang xuống cấp cũng là nỗi khổ đối với người dân tái định cư. Chung cư Bình Trưng Đông (quận 2) là nơi tập trung người dân bị giải tỏa từ các quận 1, 2, 4... Được đưa vào sử dụng năm 2004 nhưng hiện nhiều căn hộ ở chung cư này đã có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng: tường có nhiều vết nứt, nền nhà sụt lún... Chủ nhà O4, lô F than thở: “Tường nhà nứt, báo cho ban quản lý chung cư, họ cũng cử người đến nhưng đem theo một ít xi măng, trét rất cẩu thả. Sau đó, nền cũng sụt lún trào cả cát lên, tôi báo nhưng không thấy ai xuống khắc phục”.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động