Top

Nghịch lý của đô thị hóa ở Việt Nam

Cập nhật 02/08/2007 11:00

Số liệu trong nước ước tính dân số đô thị Việt Nam (VN) hiện là 27 triệu (từ 1990-2005 tăng thêm 9,7 triệu). Và theo PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục,Viện Nghiên cứu Định cư, kế hoạch 110.700ha đất ở đến 2010 có nguy cơ "phá sản" nặng nề là do dân số đô thị đang tăng cao và khó kiềm chế nổi.

Sau 20 năm đổi mới, đã có gần 200 đô thị ra đời, đưa tổng số đô thị cả nước từ 600 lên hơn 800. Quy hoạch sử dụng đất ở đô thị đến 2010 đã được Quốc hội thông qua năm 2006 là 110.700ha. Tuy nhiên đến 2005 đất ở đô thị (không tính đất giao thông và các loại đất khác của đô thị) đã sử dụng hết gần 103.000ha.

Hiện chỉ còn khoảng 7.800ha nhưng số này cũng đã giao cho các chủ dự án phát triển đô thị thực hiện. Tức là tính đến 2007 về cơ bản kế hoạch sử dụng đất ở đô thị đã hoàn thành sớm 3 năm. Trước đó (giai đoạn 2001 - 2005), đất ở tại các đô thị đã tăng thêm 30.721ha, bình quân đất ở đô thị 12m2/người.

Số liệu của Viện Konrad Adenaur tại VN đưa ra, hiện dân số đô thị VN 33,2 triệu và đến 2020 sẽ 70,84 triệu, chứ không phải là 46 triệu như số liệu của Bộ Xây dựng. Nếu tính toán của Konrad Adenaur sát thực tế hơn, thì cuộc khủng hoảng đô thị ở VN khó tránh khỏi.

Từ đó hàng loạt câu hỏi cần đặt ra, như đến lúc ấy 70,84 triệu dân các thành thị sẽ làm việc, cư trú ở đâu? Phải dành bao nhiêu đất cho đô thị? Mô hình nào cho định cư bền vững các đô thị VN? Lấy đâu ra nguồn tài chính xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội (giao thông, điện, nước, chiếu sáng, trường học, bệnh viện...)? Bằng cách nào để dòng di dân không biến TP.HCM và Hà Nội thành các thành phố khổng lồ ngột ngạt vì ô nhiễm và thiếu các điều kiện an sinh xã hội?

Những nghịch lý của quá trình đô thị hóa

Theo bà Nguyễn Hồng Thục, có 3 nghịch lý trong quá trình đô thị hóa ở nước ta. Điều này đã khiến cho các khu đô thị mới thiếu đồng bộ, đất ở cạn kiệt nhanh chóng...

Thứ nhất, đô thị hóa xảy ra trước công nghiệp hóa. Ở Anh, trước khi phát triển các thành phố hiện đại đầu tiên đã có 80 năm công nghiệp hóa, nước Mỹ là 50 năm và các "con rồng" châu Á là 30 năm. Không có những điểm khởi đầu rõ ràng, nhưng chính cuộc cách mạng công nghiệp hóa đã chuyển hóa phương thức sản xuất nông nghiệp của dân nông thôn sang lao động công nghiệp dịch vụ với những cư dân thành thị.

Ở Việt Nam, quá trình này ngược lại. Làn sóng chuyển cư tới các đô thị ngày càng gia tăng sớm hơn tốc độ tăng công nghiệp, dịch vụ. Nhu cầu định cư tại đô thị vì thế tăng theo. Sự bùng nổ hệ thống khu đô thị mới đang diễn ra, một mặt vừa giảm áp lực chỗ ở cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận khổng lồ cho giới kinh doanh bất động sản. Nhưng các khu đô thị mới chỉ phát triển các công trình để ở, còn bỏ ngỏ các công trình dân sinh, hạ tầng xã hội. Và điều này giải thích cho hiện tượng đất ở của đô thị vì sao sớm hoàn thành kế hoạch sử dụng đến vậy.

Hạ tầng kỹ thuật đi sau là nghịch lý thứ hai. Nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ có khả năng kế hoạch hóa tốt hơn kinh tế nông nghiệp dựa vào các nguồn nhân lực tham gia để quy hoạch, thiết kế đô thị. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật, xã hội luôn đi trước.

Chính vì thế mà những thành phố của các nước phát triển có thể chịu đựng tốt làn sóng nhập cư lao động. Còn các TP của chúng ta không chịu đựng được. Khảo sát đất xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nhiều đô thị ở VN mới chỉ đạt khoảng 10-15% đất đô thị, trong khi yêu cầu tối thiểu cần từ 30-35%.

Cụ thể hơn, diện tích đất giao thông của Hà Nội bình quân đầu người là 5,8m2, TP HCM là 2,9m2, so với tiêu chuẩn thế giới chỉ đạt 20-25%. Theo khuyến cáo của Hiệp Hội đô thị VN, để khắc phục, theo kịp tốc độ tăng dân số đô thị, từ nay đến 2010, VN cần 8,9 tỷ USD cho ba hạng cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải. Đến 2020 cần tới 13 tỷ USD cũng chỉ để làm ba việc này. Chỉ tính riêng Hà Nội, đến 2020, cần 25 tỷ USD để phát triển giao thông đô thị. TP HCM còn cần nhiều hơn thế.

Nghịch lý thứ ba là thôn tính đất vành đai. Năm 1996 chiến lược phát triển đô thị VN vạch kế hoạch cho tổng thể đất đô thị đến 2020 là 460.000 ha, thì đến 2006 đã thực hiện trên 477.000 ha, vượt kế hoạch 13 năm. Hà Nội là ví dụ, TP đã áp sát thủ phủ của các tỉnh lân cận, tức là đã "thanh toán" vùng vành đai xanh bao bọc nó.

Điều này đi ngược nguyên tắc giữ các vành đai xanh để đảm bảo phát triển bền vững. Xóa đi ranh giới địa lý giữa các thành phố, lấy đi những vùng đất màu mỡ luôn cung cấp rau xanh, thực phẩm và các loại hoa, thủ tiêu những lá phổi xanh, không gian nghỉ dưỡng nhất thiết phải gìn giữ.

Đất đai ngày càng cạn kiệt

Sau 20 năm đổi mới, đã có gần 200 đô thị ra đời và hiện cả nước có khoảng 800 khu đô thị. Quy hoạch sử dụng đất ở đô thị đến 2010 đã được thông qua năm 2006 là 110.700 ha. Tuy nhiên đến 2005 đất ở đô thị đã sử dụng hết gần 103.000 ha, chỉ còn khoảng 7.800 ha và cũng đã giao cho các chủ dự án phát triển đô thị thực hiện. Tức là tính đến 2007, về cơ bản kế hoạch sử dụng đất ở đô thị đã hoàn thành sớm 3 năm. Trước đó (giai đoạn 2001 - 2005), đất ở tại các đô thị đã tăng thêm hơn 30.700 ha, bình quân đất ở đô thị 12m2/người.

Theo bà Thục, kế hoạch 110.700 ha đất ở đến 2010 có nguy cơ "phá sản" nặng nề là do dân số đô thị đang tăng cao và khó kiềm chế nổi. Số liệu ước tính dân số đô thị VN hiện là 27 triệu (từ 1990 - 2005 tăng thêm 9,7 triệu) và theo tính toán của Bộ Xây dựng, con số này vào năm 2020 còn tăng tới khoảng 46 triệu.
 
Khi đó, dân thành thị sẽ làm việc, cư trú ở đâu, phải dành bao nhiêu đất cho đô thị, mô hình nào cho định cư bền vững các đô thị VN, lấy đâu ra nguồn tài chính xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội (giao thông, điện, nước, chiếu sáng, trường học, bệnh viện...), bằng cách nào để dòng di dân không biến TP HCM và Hà Nội thành các thành phố khổng lồ ngột ngạt vì ô nhiễm và thiếu các điều kiện an sinh xã hội. Một cuộc khủng hoảng đô thị ở VN là khó tránh khỏi.

Theo Kinh Tế & Đô Thị