Top

Chen chân xây đô thị ven Hà Nội

Cập nhật 01/08/2007 15:00

Thay vì xếp hàng chờ đất tại thủ đô, nhiều doanh nghiệp rót vốn vào các tỉnh lân cận, nhằm đón đầu nguồn khách hàng đổ đến một khi các địa phương này thành đô thị vệ tinh của Hà Nội.

Bất động sản Hà Đông gần một năm lại đây trở nên sôi động khi hàng loạt khu dân cư được triển khai quanh thành phố và dọc trục đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Mở đầu là khu đô thị Văn Quán của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HUD) từ vài năm trước, hiện quanh Hà Đông hình thành một loạt khu quy mô lớn, gồm làng Việt kiều châu Âu, khu chung cư Booyoung. Sắp tới sẽ là một loạt khu khác như đô thị mới Văn Phú, Mỗ Lao, Văn Khê, Bắc Văn Khê, Vạn Phúc...

Tại Bắc Ninh, những khu đô thị Nam Từ Sơn, Yên Phong cũng đã mọc lên bên các trục đường lớn. Trong quy hoạch của Bắc Ninh đến năm 2020, nhiều khu khác sẽ được xây dựng, gồm Châu Cầu, Đức Long, Đông Tiến, Nhân Hòa, Vân Dương.

 Theo Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc, trong 5 năm 2001-2006, tỉnh này đã có 33 dự án đăng ký đầu tư vào du lịch, dịch vụ, biệt thự nhà vườn và đô thị mới trên diện tích 1.738 ha. Bên cạnh các khu đô thị lớn được triển khai như Hà Tiên 60 ha và Cienco 5 quy mô 49 ha, tỉnh này có hàng loạt dự án khác như Lạc Hồng tại TP Vĩnh Yên, Hà Phong và 2 dự án của Vinaconex cùng tại Mê Linh.

Cho đến nay, các dự án xây dựng tại Hà Đông và Vĩnh Phúc đều nhắm đến đối tượng khách hàng tại Hà Nội, đặc biệt trong tương lai khi một phần của các tỉnh này trở thành đô thị vệ tinh của thủ đô. Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tây Vũ Danh Chấn nhận xét, chủ yếu các "đại gia" Hà thành chuyển tiền sang mua nhà đất, còn khách hàng Hà Tây chưa nhiều người có khả năng mua căn hộ hay biệt thự tại các dự án cao cấp tại tỉnh này. Công ty Booyoung của Hàn Quốc cho hay đã xác định đối tượng khách hàng sẽ chủ yếu là người Hà Nội.

Theo các nhà đầu tư, bỏ vốn vào các dự án bất động sản tại các tỉnh thuận lợi hơn hẳn so với tại thủ đô, nơi các doanh nghiệp phải xếp hàng chờ đất. Nếu giành được một suất đất để triển khai dự án thì hầu hết đất đều nằm tại ngoại thành, vì quỹ đất nội thành hầu như không còn. "Tại Hà Nội khó được vị trí tốt, nhưng tại Thái Nguyên, chúng tôi có vị trí đẹp, tiện đường giao thông", ông Lee Yin Shu, Giám đốc Điều hành tập đoàn Intra tại Việt Nam, cho hay. Tập đoàn Nhật đang triển khai tại tỉnh này một dự án 100 triệu USD, xây dựng khu đô thị 45 ha cùng hạ tầng đồng bộ sát trung tâm thành phố Thái Nguyên.

Cùng với đó, tiền thuê đất tại các tỉnh thấp hơn hẳn so với tại thủ đô, thậm chí được miễn. Nhờ vậy các doanh nghiệp mới thành lập, vốn nhỏ cũng dễ dàng thực hiện dự án hơn. Tại Vĩnh Phúc, các dự án đầu tư cho khu chung cư từ 3 tầng trở lên được miễn hoàn toàn tiền thuê đất. Các dự án tại những khu vực xa còn được tỉnh này được hỗ trợ nhiều hơn.

Công ty Detech cũng dự định xây các khu nhà vườn tại Sơn Tây và dọc theo trục đường Láng - Hòa Lạc do chưa thể cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội, đồng thời tận dụng chi phí xây dựng và tiền thuê đất thấp. Theo tính toán của Detech, với tiền thuê đất 200.000-300.000 đồng/m2 và chi phí xây dựng 3 triệu đồng/m2, công ty này sẽ không phải bỏ ra nguồn vốn quá lớn cho các dự án.

Mạo hiểm nếu vốn 'non'

Theo giới kinh doanh bất động sản, ít nhất 5 năm nữa nhu cầu nhà đất tại khu vực ven Hà Nội mới tăng mạnh tương ứng với các khu đô thị đang mọc lên và khi đó, hạ tầng tại các khu vực này mới phát triển đồng bộ. Trong khi đó, dự kiến một số đô thị sẽ hoàn thành trong 2-3 năm tới.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, về lâu dài, nhu cầu về nhà đất tại các khu đô thị này sẽ tăng mạnh, song ở thời điểm hiện tại cầu với các bất động sản này chưa lớn như các chủ đầu tư mong đợi.

Khu biệt thự Quang Minh của chủ đầu tư Long Việt nằm trên tuyến đường cao tốc Bắc Thăng Long hoàn thành xây thô gần 2 năm nay nhưng hầu như không bán được hàng. Dù vị thế đẹp, gần sông và đường cao tốc, cách sân bay Nội Bài chưa đầy 2 km và giá rất "mềm" 6-7 triệu/m2, khu biệt thự này chỉ lác đác vài căn có chủ. Tình trạng tương tự với khu đô thị Nam Từ Sơn khi các biệt thự đã hoàn tất song hầu như chưa có người mua.

Theo ông Liêm, khách hàng Hà Nội, đối tượng các chủ đầu tư nhắm đến, hiện vẫn chưa sẵn sàng dọn đến các khu đô thị mới xa trung tâm và chưa hề có hạ tầng đồng bộ. "Một số chủ đầu tư đang làm theo phong trào, thấy một vài doanh nghiệp làm ăn tốt, cũng nhào vào làm theo", ông Liêm nhận xét. Theo vị chuyên gia này, với các doanh nghiệp vốn mạnh, tính toán tốt thì không đáng ngại, vì bất động sản sẽ không mất giá.

"Nhưng với những doanh nghiệp có trong tay 30% vốn, và 70% vốn còn lại cho dự án là vay ngân hàng, nếu không "đẩy" được hàng đi thì sẽ rất mạo hiểm", ông Liêm nhận định.

Theo Ngọc Châu - Đô Thị