Top

Nghị trường 'sôi sục' vì nhà siêu mỏng

Cập nhật 12/07/2007 10:00

Sáng nay, nghị trường HĐND thành phố Hà Nội 'nóng' lên với gần 10 câu hỏi chất vấn về nhà siêu mỏng trên tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Nhiều đại biểu thẳng thắn nhận xét, nguyên nhân là do chính quyền tạo điều kiện cho dân làm sai.

Đăng đàn trả lời về vấn đề nhà siêu mỏng hai bên đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa là Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn. Theo ông, UBND Thành phố và Sở Quy hoạch Kiến trúc đã ra quy định về cao độ, tầng cao đối với nhà mặt đường tuyến phố mới. Tuy nhiên, vẫn nhiều hộ dân xây không đúng hướng dẫn, có nhiều nhà diện tích nhỏ hơn quy định nhưng vẫn xây lên 4 tầng hoặc lô đất chỉ sâu 1m, dài hơn 10m vẫn được xây dựng thành nhiều kiốt.

“Chủ công trình không tuân theo quy định, thiếu chủ động khi hợp khối trong khi chính quyền phường không chủ động xử lý”, ông Tuấn nêu nguyên nhân.


Đại biểu Ngô Văn Ny: "Thành phố trả lời không
khác cách đây 1 năm". Ảnh: Hoàng Hà


Sau khi nghe lời giải trình khá ngắn gọn, đại biểu Nguyễn Hoài Nam bức xúc: “Tôi rất không thỏa mãn với phần trả lời vừa qua. Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc không đưa ra phương hướng xử lý nhà siêu mỏng".

Đại biểu Vũ Đức Tân thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, tình trạng nhà siêu mỏng do chính quyền tạo điều kiện cho dân xây dựng trái phép. "Đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, hiện Hà Nội có bao nhiêu nhà siêu mỏng", đại biểu Bùi Thị An hỏi.

Trả lời các đại biểu, ông Tô Anh Tuấn đưa ra 3 giải pháp. Đó là khi mở đường sẽ phải kết hợp mở rộng hai bên để lấy đất xây dựng nhà chung cư, văn phòng.... Nếu thửa đất còn lại méo mó thì phải hoặc thu hồi hoặc hợp khối. Biện pháp thứ ba là chủ phần đất nhỏ phải chuyển nhượng cho hộ lân cận.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, việc mở rộng hai bên đường rất khó thực hiện vì công tác giải tỏa khó khăn. Giá đất cao nên địa phương cũng không thể thu hồi phần đất nhỏ lẻ. Lý do nữa là thu hồi rồi mà quản lý không được thì để lấn chiếm.

Không thể trả lời con số chính xác Hà Nội có bao nhiêu nhà siêu mỏng, người đứng đầu ngành kiến trúc của thành phố chỉ đưa ra con số thống kê trên một vài tuyến phố điển hình về tình trạng này như Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở...


Ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch
Kiến trúc. Ảnh: Hoàng Hà.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc vừa dứt lời, đại biểu Ngô Văn Ny đã "bắt bài": "Tôi thấy giám đốc trả lời không khác gì so với đại diện UBND vừa trả lời trong kỳ họp trước cách đây một năm. Một năm trời không có gì chuyển biển, chứng tỏ thành phố chưa làm được gì. Tuyến đường mới mở xây dựng lộn xộn là do lỗi chính quyền”, ông Ny gay gắt.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam tái chất vấn đề nghị đại diện thành phố trả lời thời gian giải quyết những ngôi nhà trái phép xây dựng lộn xộn trên tuyến đường tiền tỷ. Đại biểu Nguyễn Đức Biền cảnh báo nếu thành phố không xử lý được nhà siêu mỏng thì đến cuối năm, khi làm đường Văn Cao - Hồ Tây, đê Nguyễn Khoái sẽ lặp lại tình trạng này.

Ông Nguyễn Huy Hùng, đại biểu thứ bảy nêu ý kiến, phải nhìn nhận nghiêm túc xem xét bộ máy tổ chức. "Nếu chưa nghiên cứu cụ thể thì không nên trả lời tại đây", ông Hùng nói.

Lần nữa, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Tô Anh Tuấn phải đăng đàn làm rõ hơn việc xử lý. Theo đó, biện pháp cứng rắn đối với nhà siêu mỏng trên đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, nhất là các kiốt mỏng, là phải thu hồi, hoặc chủ hộ phải hợp khối với hộ dân phía sau. "Quan điểm của tôi là vận động các hộ hợp khối. Nếu không thực hiện được sẽ xử lý nghiêm", ông Tuấn khẳng định.

Xây dựng tuyến phố mẫu để xóa nhà siêu mỏng

Trả lời chất vấn của HĐND về việc mở đường và xây dựng các công trình hai bên đường ở nhiều tuyến mới chậm thực hiện, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Tô Anh Tuấn cho biết, chủ trương này đã thực hiện ở những tuyến ở ven ngoại thành, còn những tuyến trong nội thành chưa thực hiện được. Nguyên nhân là vốn đầu tư chỉ đủ mở đường mà không đủ đầu tư xây nhà chung cư để kinh doanh.

Ông Tuấn đề nghị nghiên cứu một số cơ chế chính sách, như giao cho một số doanh nghiệp đủ khả năng vừa mở đường vừa xây dựng tuyến phố.

Đại biểu Trần Trọng Hanh thắc mắc, thành phố có biện pháp gì để bảo vệ lợi ích của dân bị lấy đất và lợi ích doanh nghiệp thực hiện. Theo ông, nhiều hộ dân chỉ chấp thuận làm đường, không đồng ý xây dựng công trình trên đất của họ.

Trả lời chất vấn, ông Tô Anh Tuấn cho biết, hiện chưa giải quyết được lợi ích của dân bởi cơ chế chính sách chưa đầy đủ. Giá đất làm đường thì được dân chấp nhận song không chấp nhận khi lấy đất hai bên đường. Do vậy, ngoài chính sách đền bù chung thì cần hỗ trợ thêm người dân bị thu hồi. "Ưu tiên số 1 là sẽ tái định cư tại chỗ, cho những hộ mất đất, kể cả những hộ bị thu hồi làm đường và đảm bảo điều kiện sống của người dân tốt hơn trước đây.

Giám đốc Sở cho biết, những tuyến đường sẽ được xây dựng đồng bộ đường và tuyến phố hai bên là vành đai 2,5 (đoạn từ bệnh viện Không Quân đến sông Kim Ngưu); đoạn từ Lê Văn Lương đến Nguyễn Phong Sắc qua khu đô thị Cầu Giấy; đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, Bảo tàng dân tộc học - Yên Hòa - Phú Đô; các tuyến đường trong khu trung tâm Tây Hồ Tây; vành đai 2 đoạn Bưởi - Nhật Tân. Một số tuyến khác khó khăn hơn cũng được thành phố nghiên cứu, cân nhắc như vành đai 1, đoạn tiếp theo từ Hoàng Cầu - Voi Phục.

>> Nhà siêu mỏng: “Xới” lên mới thấy khó

>> Thí điểm thu hồi đất nhỏ lẻ để chống nhà siêu mỏng

>> Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo như thế nào ?

>> Khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng ở Hà Nội

>> Bế tắc với nhà siêu mỏng, siêu méo

>> Nhà siêu mỏng trên tuyến đường tiền tỷ sẽ bị phá dỡ

Theo Đoàn Loan - VnExpress